Chuyên gia nghề nghiệp: "Đạo đức kém nên tôi không chọn nghề giáo"

Hoài Nam

(Dân trí) - Nói về tầm quan trọng của sự phù hợp khi chọn ngành nghề, chuyên gia nghề nghiệp Trần Anh Tuấn chỉ vào chính mình: "Đạo đức kém nên tôi không chọn nghề giáo".

Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp TPHCM - nhấn mạnh sự phù hợp khi lựa chọn ngành nghề tại ngày hội "Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp - ngày Mở lần thứ 17" năm 2024 diễn ra tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM.

Chuyên gia nghề nghiệp: Đạo đức kém nên tôi không chọn nghề giáo - 1

Hơn 6.500 học sinh tham gia Ngày hội tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh 2024 tại TPHCM (Ảnh: Hoài Nam).

Chương trình thu hút hơn 6.500 học sinh từ hơn 100 trường THPT từ các tỉnh TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long...

Ông Trần Anh Tuấn kể, trong quá trình tư vấn, ông gặp nhiều em bày tỏ "muốn học sư phạm nhưng sợ làm giáo viên nghèo mạt rệp ra".

Theo ông Tuấn, giáo viên không "nghèo mạt rệp" và để theo đuổi được nghề giáo, sống được bằng nghề giáo đòi hỏi bạn phải thật sự giỏi và có đạo đức tốt. Nghĩa là ngoài năng lực, bạn cần có phẩm chất phù hợp.

Chuyên gia này chỉ vào mình, thẳng thắn: "Trước đây, tôi rất thích làm giáo viên nhưng đạo đức kém nên tôi đã không chọn công việc này. Nghề nào cũng cần đạo đức nhưng ở thời đại nào đi nữa, hai nghề cần đạo đức nhất là sư phạm và ngành y".

Chuyên gia nghề nghiệp: Đạo đức kém nên tôi không chọn nghề giáo - 2

Ông Trần Anh Tuấn: "Tôi đạo đức kém nên tôi không chọn nghề giáo" (Ảnh: Hoài Nam).

Ông Tuấn cho hay, trên thị trường lao động, cái chúng ta thiếu là thiếu nhân lực phù hợp, người lao động ứng dụng được năng lực vào thực tế. Học ngành nghề gì, nên học đại học, cao đẳng hay trung cấp, cần nhất phải là sự phù hợp với mong muốn, năng lực và phẩm chất.

Chia sẻ tại chương trình, PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT - nhấn mạnh, quan trọng nhất với các em học sinh chính là chọn trường, chọn ngành nghề đào tạo phù hợp.

Tuy nhiên, theo bà Thủy, nhiều ngành nghề nền tảng hiện nay ít được học sinh lựa chọn. Các em có xu hướng theo đuổi các ngành nghề "hot", nhìn có vẻ như thị trường ưu chuộng, thu nhập tốt, dễ tìm việc.

"Như lĩnh lực nông lâm ngư nghiệp hiện rất cần đội ngũ khoa học công nghệ để phát triển nông nghiệp xanh, công nghệ cao nhưng ít được các em lựa chọn do không nắm bắt được thông tin.

Nhiều trường có chính sách học bổng, ưu tiên đối với sinh viên lĩnh vực này, doanh nghiệp xếp hàng chờ để tuyển dụng luôn nhưng không có người học, không có sinh viên tốt nghiệp để tuyển", bà Nguyễn Thu Thủy bày tỏ.

PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy nêu ra nghịch lý, nhu cầu nhân lực của thị trường rõ ràng nhưng tín hiệu để chuyển tải đến với giáo dục vẫn còn sự chênh lệch, khác biệt. Ở vĩ mô có thể nhìn thấy nhưng ở các địa phương, các trường, thông tin về thị trường lao động chưa được thể hiện rõ đến học sinh.

Chuyên gia nghề nghiệp: Đạo đức kém nên tôi không chọn nghề giáo - 3

PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT (Ảnh: Hoài Nam).

Thất nghiệp không phải do... học đại học

Ông Trần Anh Tuấn nêu ra con số khảo sát gần đây như 36% người thất nghiệp ở TPHCM có trình độ đại học trở lên, nhóm cao đẳng, trung cấp chỉ khoảng 6%.

Hay thông tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi), lao động tìm việc có trình độ đại học trở lên chiếm gần 77%.

Những con số này, theo ông Tuấn, làm nhiều người hoang mang, đau khổ. Thậm chí còn kéo theo tranh cãi rất gay gắt về việc học đại học, có người có suy nghĩ "học đại học là thất nghiệp".

Lý giải con số trên, ông Trần Anh Tuấn cho hay, vận hành doanh nghiệp đang bước vào giai đoạn cải cách lại quản lý, cải cách nguồn nhân lực. Trong đó, bộ máy quản lý giảm đi, bắt buộc nhân lực đại học phải giảm.

Ông Tuấn cho rằng nhiều người chưa nhìn kỹ vào khảo sát chỉ ra có đến 58% lao động phổ thông thất nghiệp.

Chưa kể , người có trình độ đại học, cao đẳng thì 6 tháng đến 1 năm là họ quay lại thị trường lao động. Còn người không có trình độ, không quay lại được, có người chỉ có nước... ôm đồ về quê.

Chuyên gia nghề nghiệp: Đạo đức kém nên tôi không chọn nghề giáo - 4

Học đại học rồi... thất nghiệp là nỗi lo của không ít bạn trẻ (Ảnh minh họa: Hoài Nam).

Ông Trần Anh Tuấn khẳng định: "Việt Nam đang thiếu nhân lực có trình độ đại học rất lớn. Học đại học không phải là thất nghiệp, có bằng đại học nhưng không xứng đáng với bằng cấp, không có năng lực phù hợp mới là thất nghiệp".

PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy thông tin, quy chế tuyển sinh hiện nay ưu tiên tuyệt đối sự thuận lợi cũng như quyền lợi của thí sinh. Đặc biệt, năm 2024 sẽ tiếp tục khắc phục những trục trặc về kỹ thuật để công tác tuyển sinh suôn sẻ hơn.

Theo bà Thủy, cơ hội trúng tuyển đại học của học sinh phải nói chưa bao giờ cao và tốt như lúc này. Các em có thể đỗ đại học ngay từ sớm rồi "kê cao gối ngủ" chờ kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Học sinh không trúng tuyển phương thức này thì sẽ trúng tuyển phương thức khác. Những học sinh có năng lực chắc chắn sẽ đỗ đại học, trừ khi các em chọn đi học ở nước ngoài hoặc lựa chọn khác.

Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học lưu ý đến yếu tố phù hợp khi học đại học của học sinh trong việc chọn ngành, chọn trường, tránh việc cố quá khả năng, điều kiện.

Đặc biệt, học sinh cần hiểu, không phải học xong đại học là xong. Học tập là việc suốt đời, phải học không ngừng, nhất là khi giờ đây, khối lượng tri thức tăng theo mỗi giây, mỗi giờ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm