Học trò chọn nghề theo "tiếng gọi con tim", chớp mắt đã là... người yêu cũ

Hoài Nam

(Dân trí) - Không ít học sinh nêu tâm tư việc chọn nghề, chọn trường bị tác động từ bố mẹ, bạn bè. Thậm chí, có em chạy theo "tiếng gọi tình yêu" nhưng sau đó đã là... người yêu cũ.

Một nữ sinh lớp 12 của trường THPT Phú Nhuận, TPHCM, chia sẻ, em có những ước mơ, mong muốn, sở thích riêng. Vậy nhưng, ước mơ của em không giống với những kế hoạch, dự định của bố mẹ sắp đặt sẵn từ lâu.

"Liệu em nên bất chấp chạy theo ước mơ hay "nhắm mắt" học theo ngành nghề bố mẹ mong muốn?", cô nữ sinh đặt câu hỏi.

Học sinh chọn nghề, chọn trường theo cảm xúc hay có sự tác động, chi phối của người xung quanh như bố mẹ, bạn bè hay cả người yêu là một thực tế nhiều em gặp phải. 

Không phải hiếm trường hợp học sinh chọn ngành sư phạm hay kinh doanh vì người yêu, hoặc bạn thân chọn ngành đó. Nhiều khi, mối quan hệ tình cảm cũng đưa đẩy học sinh chọn trường học sao cho được ở gần với bạn bè.  

Học trò chọn nghề theo tiếng gọi con tim, chớp mắt đã là... người yêu cũ - 1

Học sinh nghe tư vấn về chọn nghề (Ảnh: Hoài Nam).

Những vấn đề, băn khoăn trong việc chọn nghề, chọn trường được các em học sinh đặt ra tại chương trình "Đúng ngành nghề - Sáng tương lai" do Tạp chí Giáo dục TPHCM phối hợp cùng Sở GD&ĐT, Đại học Quốc gia TPHCM và Trung tâm Phát triển phía Nam - Bộ GD&ĐT tổ chức tại Trường THPT Phú Nhuận, TPHCM. 

Tại chương trình, giải đáp về vấn đề học sinh chọn nghề theo cảm xúc, chịu tác động của người xung quanh, TS Đào Lê Hòa An -  Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học tâm lý và hướng nghiệp Jobway - khéo léo ví von bằng các tựa sách quen thuộc với bạn trẻ:

"Khi học trò sống chết chọn nghề theo "Tiếng gọi tình yêu", thì mới bước vào năm nhất đại học, bạn được tặng cuốn sách "Ai rồi cũng khác". Đến năm thứ 2, bạn giật mình khi cầm trong tay cuốn "Thương mấy cũng là người dưng". Khi là sinh viên năm thứ 3, bạn nhận được cuốn sách "Người yêu cũ có người yêu mới". Đến năm cuối đại học, ngày cầm tấm bằng tốt nghiệp cũng chính thức là ngày bạn cầm tấm... bằng thất nghiệp".

Bởi theo TS Đào Lê Hòa An, học sinh này lựa chọn nghề nghiệp theo tiêu chuẩn của người yêu chứ không phải dựa vào năng lực, sở thích và sự phù hợp với chính bản thân mình. 

Theo ông An, học sinh cần xuất phát từ tiêu chuẩn của chính mình khi lựa chọn ngành nghề. Học sinh phải là người hiểu thật rõ bản thân mình giỏi cái gì nhất, yêu thích cái gì nhất để lựa chọn phù hợp. 

Đối với câu chuyện muôn thuở nhiều người gặp phải là mình thích một nghề, ba mẹ thích nghề khác, TS Đào Lê Hòa An chia sẻ, điều nguy hiểm là nhiều khi nghề các bạn thích chưa chắc đã phù hợp.

Chẳng hạn như có bạn rất thích đi du lịch, nhất quyết chọn nghề hướng dẫn viên du lịch, để đi cho thỏa nỗi lòng. Trong khi, việc đi du lịch và việc mình đi làm nghề về du lịch rất khác nhau.

"Điều Gen Z gặp khó khăn là các bạn lướt thông tin nhiều nhưng ít dành thời gian tìm hiểu sâu về lĩnh vực nào đó. Việc các bạn thích một ngành nghề nào đó có khi chỉ lớt phớt bên ngoài. Các bạn thích nhưng chưa chứng minh được với bố mẹ rằng lựa chọn đó có phù hợp với mình hay không", ông An bày tỏ.

Khi chọn nghề, theo ông An, học sinh cần tìm hiểu về mô tả công việc gắn với ngành nghề yêu thích. Từ đó có thể hình dung phần nào mình sẽ làm những cái gì trong một ngày, một tuần, một tháng, một năm; so với bản thân mình xem có thật sự phù hợp. 

Học trò chọn nghề theo tiếng gọi con tim, chớp mắt đã là... người yêu cũ - 2

TS Đào Lê Hòa An (người đang đứng) lưu ý học sinh cần tìm hiểu về sự phù hợp của bản thân với ngành nghề khi lựa chọn (Ảnh: NVCC).

Bên cạnh vấn đề chọn nghề phù hợp với năng lực, một vấn đề được nhiều học sinh quan tâm, lo lắng về tình trạng thất nghiệp, việc làm sau khi tốt nghiệp .

Hầu hết, các câu hỏi về phương thức tuyển sinh, chỉ tiêu, học phí của các trường, học sinh đều đính kèm thắc mắc về cơ hội việc làm sau khi ra trường.

Các chuyên gia tuyển sinh chia sẻ các hướng đi sau THPT, lưu ý học sinh chọn nghề cần quan tâm đến yếu tố điều kiện gia đình, các phương pháp ôn tập, ôn thi, tư vấn tâm lý và sức khỏe mùa thi; thủ tục nhập học, các quy định về học phí, cơ hội nhận học bổng…

Ngoài ra, các chuyên gia cung cấp các thông tin về dự báo nguồn nhân lực, những yêu cầu về tuyển dụng, số lượng, chất lượng và ngành nghề cũng được cập nhật.