Chuyên gia giải đáp: Học nghề gì để không thất nghiệp?

Kiều Phương Kiều Mỹ

(Dân trí) - "Học gì để không thất nghiệp?", "Hậu Covid-19, chọn nghề ra sao?"... Đó là trăn trở của những học sinh lớp 12 đang đứng trước ngưỡng cửa lựa chọn ngành học.

Chuyên gia giải đáp: Học nghề gì để không thất nghiệp? - 1

"Hậu Covid-19, học gì để không thất nghiệp?" là câu hỏi khiến nhiều học sinh, phụ huynh lo âu, trăn trở (Ảnh: DT).

Hậu Covid-19, chọn nghề ra sao để không thất nghiệp?

Là học sinh lớp 12, Đỗ Đức Anh (Thanh Xuân, Hà Nội) hiện đang trong quá trình học tập, ôn luyện để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học 2022 diễn ra trong thời gian tới.

Bên cạnh trau dồi kiến thức, thời điểm này, việc lựa chọn ngành nghề cũng là vấn đề mà Đức Anh quan tâm. Ban đầu, nam sinh định lựa chọn ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành. Đây cũng là ước mơ mà em ấp ủ từ những ngày "chân ướt chân ráo" bước vào cấp ba.

Tuy nhiên, hiện tại, nam sinh lớp 12 lại trăn trở, băn khoăn về chính ước mơ của mình.

"Bố mẹ em kịch liệt phản đối vì cho rằng làm ngành dịch vụ sẽ rất bấp bênh. Và một thực tế mà không một ai có thể thừa nhận, đó là hơn 2 năm qua, dịch Covid-19 ập đến đã khiến ngành du lịch "điêu đứng". Cho đến bây giờ, dịch bệnh vẫn còn phức tạp và có xu hướng kéo dài. Đó là lý do khiến em suy nghĩ, bản thân có nên "cố chấp" để theo học ngành du lịch hay không. Tuy nhiên, nếu không theo học du lịch, em không biết tương lai sẽ chọn ngành, chọn nghề ra sao?"

Trong khi đó, Phan Thanh Thảo (học sinh lớp 12 tại Hải Dương) cho biết, sau khi tốt nghiệp THPT, em dự định sẽ theo học nghề. Tuy nhiên, con đường phía trước vẫn còn muôn vàn khó khăn bởi nữ sinh vẫn chưa biết nên chọn trường, ngành nghề nào cho phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài.

"Em nghĩ, một số công việc có thể có nhu cầu cao ở hiện tại, nhưng có thể một vài năm nữa, thị trường lao động thay đổi, những ngành "hot" rồi sẽ lại rơi vào tình trạng "ế ẩm".

Nhất là trong bối cảnh đại dịch, sự dịch chuyển này càng trở nên khó đoán. Em luôn lo sợ sau khi học xong ở một trường nghề nào đó, em sẽ rơi vào cảnh thất nghiệp, chỉ có hai bàn tay trắng" - Thảo chia sẻ.

Câu chuyện và nỗi lo của Thanh Thảo và Đức Anh không phải là trường hợp cá biệt. Dịch Covid-19 xuất hiện và ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống đã tác động lớn đến việc lựa chọn ngành nghề tương lai của học trò. "Hậu Covid-19, học gì để không thất nghiệp?" là câu hỏi khiến nhiều học sinh, phụ huynh lo âu, trăn trở.

Cần đặt yếu tố "năng lực" và "đam mê" lên hàng đầu

Chia sẻ về suy nghĩ này, TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) - Trưởng ban hỗ trợ chất lượng đại học, Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho hay, những hệ quả tiêu cực mà dịch Covid-19 tác động lên mọi mặt đời sống, kinh tế là điều không thể phủ nhận.

Tuy nhiên, không thể đánh đồng lý do dẫn tới thất nghiệp đều xuất phát từ dịch Covid, bởi thực tế, thất nghiệp hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.

"Yếu tố thứ nhất, và cũng là quan trọng nhất, chính là yếu tố liên quan tới năng lực học tập, làm việc của mỗi cá nhân. Thứ hai mới xét đến nhu cầu về lao động của mỗi ngành nghề.

Chính vì vậy, để tránh rơi vào cảnh thất nghiệp, dù trong bối cảnh đại dịch, hậu đại dịch hay bất kỳ bối cảnh nào khác, tôi khuyên học sinh nên lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân để có thể theo đuổi nghề nghiêm túc, lâu dài.

Trong đó, muốn chọn ngành nghề đúng thì điều đầu tiên mà thí sinh cần làm chính là gặp thầy cô, các chuyên gia để làm trắc nghiệm về nghề nghiệp, từ đó lắng nghe lời khuyên, cân nhắc xem ngành nghề mình dự định chọn có thực sự phù hợp hay không, không nên chọn ngành một cách nhất thời hay vì ngành đó có tên hay, tên "hot". Việc "nhắm mắt chọn liều" như vậy sẽ dễ dẫn đến việc học không đem lại kết quả, còn người học thì xuất hiện tâm lý chán nản. Đó là lý do dẫn tới thực trạng nhiều sinh viên, dù đã vào trường học được 1 năm nhưng vẫn nghỉ để thi lại trường khác".

Bên cạnh việc lựa chọn nghề theo năng lực bản thân, TS. Lê Viết Khuyến cho rằng, thí sinh cũng cần quan tâm đến tỷ lệ việc làm sau tốt nghiệp của sinh viên tại ngôi trường mà bản thân có ý định thi tuyển. Sau khi ra trường, thay vì suy nghĩ "học ngành nào thì phải làm đúng ngành đó", sinh viên có thể tìm đến một công việc gần giống với chuyên ngành đã học.

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (ĐHGD- ĐHQG Hà Nội) cũng đồng tình với quan điểm này. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 với tính bất định cao, nhất là khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, tác động đến mọi mặt đời sống, trong đó thị trường nghề nghiệp cũng có sự dịch chuyển liên tục.

Do đó, theo chuyên gia, dù chọn và theo học bất kỳ ngành nghề nào, thí sinh đều phải chuẩn bị cho mình một tư tưởng là học một ngành, nhưng khi ra trường có thể làm được ở nhiều vị trí công việc dựa trên chuyên ngành đó. Và để làm tốt ở một vị trí công việc và đạt thành công, mỗi người cũng cần xác định tư tưởng "học tập suốt đời".

Chuyên gia giải đáp: Học nghề gì để không thất nghiệp? - 2
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, trong quá trình chọn nghề, thay vì chạy theo xu hướng, thí sinh cần đặt yếu tố liên quan đến năng lực và sự phù hợp của bản thân với công việc lên hàng đầu.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, song song với công tác tư tưởng, mỗi thí sinh cần có sự đầu tư, nghiêm túc trong công tác hướng nghiệp để tránh tình trạng chọn nhầm nghề hay thất nghiệp sau khi ra trường.

"Trước tiên, thí sinh cần khám phá được bản thân xem mình có năng lực, nguyện vọng và sở thích gì. Sau đó, ta cần tìm hiểu, xem xét nghề nghiệp mà mình dự định lựa chọn có yêu cầu về nguồn nhân lực thế nào ở cả hiện tại và tương lai.

Hiện nay, Tổ chức Lao động Quốc tế đã đưa ra một bảng dự báo về nhiều nghề nghiệp đang có ở Việt Nam. Thí sinh hãy dành thời gian để tìm hiểu về nghề nghiệp đó, tất nhiên cần dựa trên những yếu tố như: nghề nghiệp ấy có thực sự phù hợp với mình hay không; hình dung ra công việc đó có yêu cầu về mặt sức khỏe, phẩm chất hay nó có những trở ngại, khó khăn gì; xu thế tương lai của ngành nghề ấy ra sao".

Chuyên gia cho hay, xu hướng làm việc hiện nay thường theo chế độ 996 (9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày trong tuần), tức là khối lượng mà con người phải đối mặt là vô cùng lớn. Nếu phải làm những công việc không phù hợp với năng lực và đam mê, điều này sẽ vô tình khiến chúng ta bị tổn thương cả về thể chất và sức khỏe tinh thần, từ đó hiệu suất công việc không cao.

"Do đó, thay vì chạy theo xu hướng, ngành "hot", tôi cho rằng thí sinh cần đặt yếu tố năng lực và đam mê lên hàng đầu khi lựa chọn ngành học cho tương lai. Có thể hiện tại, nhiều thí sinh thấy một số nghề rất "hot", nhiều người theo ngành đó đạt được nhiều thành tựu… Thế nhưng đến khi bạn vào đại học, sau hành trình 4-5 năm, thậm chí 5-7 năm theo học, khi ra trường, ngành nghề mà trước kia đã từng "hot" lại hạ nhiệt bởi thị trường lao động đã đủ nhân sự cho ngành nghề đó.

Trong thời đại 4.0, xu hướng thay đổi nghề nghiệp diễn ra ngày càng gấp, càng nhanh. Nghề nào cũng có sự thay đổi nên chúng ta phải có cách ứng phó, thích nghi và phấn đấu học tập suốt đời".

Tất cả đều phụ thuộc vào bản thân người học

Dưới góc nhìn doanh nghiệp, chị Đoàn Vân Anh - Phó tổng giám đốc công ty IDSV Nhật Bản, Cố vấn chuyên môn tại Công ty Huấn luyện và Giải pháp Nhân sự CNS, Cố vấn Quản trị Nhân sự hệ thống tại doanh nghiệp cho hay, hiện nay, dưới tác động của dịch Covid-19 lên mọi mặt đời sống, xã hội, kết hợp với sự thay đổi không ngừng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, những công việc có tính lặp lại sẽ bị công nghệ thay thế.

Chuyên gia giải đáp: Học nghề gì để không thất nghiệp? - 3
Chị Đoàn Vân Anh - Phó tổng giám đốc công ty IDSV Nhật Bản, Cố vấn chuyên môn tại Công ty Huấn luyện và Giải pháp Nhân sự CNS, Cố vấn Quản trị Nhân sự hệ thống tại doanh nghiệp. (Ảnh: NVCC)

Ngành nghề nào cũng sẽ gặp khó khăn riêng, và học ngành nào cũng tồn tại nguy cơ thất nghiệp. Bối cảnh xã hội chỉ là một phần nhỏ, điều quan trọng là trong quá trình học, người học sẽ học thế nào, tham gia các hoạt động ra sao. "Thất nghiệp hay không phụ thuộc vào phần lớn cách học của bạn" - chị Vân Anh nhận định.

Khẳng định kỹ năng là yếu tố quan trọng nhất đối với người lao động nhưng chị Vân Anh cũng đồng ý việc lựa chọn, học ngành nghề phù hợp với xu thế phát triển kinh tế xã hội sẽ đạt được nhiều thuận lợi hơn.

Chị chia sẻ, hiện nay, một số ngành nghề như: Marketing, Công Nghệ Thông Tin, Thương Mại Điện Tử, ngành Ngôn ngữ, Quản Trị Tài Chính, Quản Trị Nhân sự… đều là những ngành nghề cần nguồn nhân lực dồi dào để đáp ứng nhu cầu xây dựng, phát triển và phục vụ cuộc sống con người, đặc biệt ở các nước đang phát triển như Việt Nam.

Dựa vào kinh nghiệm nhiều năm làm việc trực tiếp với nhân sự, chị Vân Anh chia sẻ: "Với các bạn học sinh lớp 12, tôi khuyên, khi chọn ngành nghề cho tương lai, các bạn hãy suy nghĩ thấu đáo xem bản thân thực sự muốn học gì, làm gì và phù hợp với ngành nghề gì. Để biết tính cách bản thân có phù hợp với một ngành nghề nào đó hay không, các bạn có thể tham khảo một số bài kiểm tra như: bài test DISC, MBTI, Não trái - não phải…

Bên cạnh đó, các bạn hãy học cách lắng nghe, đón nhận ý kiến từ những người xung quanh mình. Sự góp ý đó sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình định hướng nghề nghiệp của bạn.

Ngoài ra, các thí sinh cũng cần đầu tư, tìm hiểu kỹ xem ngành học mà bản thân hướng tới đang yêu cầu những điều kiện gì; hay khi ra trường, ngành học này sẽ đáp ứng chức năng gì trong doanh nghiệp…

Trả lời hết những câu hỏi này, tôi tin, các bạn sẽ chọn được ngành nghề thực sự phù hợp với bản thân".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm