Chuyển đổi số: Phương pháp giáo dục truyền đạt kiến thức không còn phù hợp

Bình An

(Dân trí) - Giáo dục chỉ tập trung vào truyền đạt kiến thức không còn phù hợp; phương pháp tập trung tư duy và kỹ năng, những yếu tố rất "con người" mà máy móc không thể thay thế ngày càng được chú trọng.

 Ngày 28/12, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Ban Quản lý các dự án Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội thảo "Tăng cường giáo dục năng lực số và kỹ năng chuyển đổi hướng đến phát triển bền vững trong khu vực Đông Nam Á", thuộc Dự án Học tập cho trẻ em của UNICEF tại Việt Nam.

Tham dự hội thảo, có đại diện các đơn vị của Bộ GDĐT, UNICEF, một số chuyên gia quốc tế tại điểm cầu Việt Nam đến từ UNESCO, GNI Việt Nam, Hội đồng Anh...; chuyên gia tại điểm cầu các nước Anh, Cambodia, Indonesia, Mỹ, Malaysia, Philippines, Phần Lan, Singapore, Thái Lan, Úc.

Chuyển đổi số: Phương pháp giáo dục truyền đạt kiến thức không còn phù hợp - 1

Các đại biểu tham dự hội thảo trực tuyến

Ông Lê Anh Vinh, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết, Hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm tiếp cận, triển khai tăng cường giáo dục năng lực số và kỹ năng chuyển đổi giữa các quốc gia trong khu vực ASEAN. Đồng thời, định hướng chiến lược, xây dựng tầm nhìn trong tăng cường giáo dục năng lực số và kỹ năng chuyển đổi, hướng đến phát triển bền vững trong khu vực ASEAN.

Theo Ban tổ chức hội thảo, trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với tốc độ phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, những thế hệ công dân trong tương lai sẽ phải trang bị những năng lực mới để có thể thành công trong môi trường cạnh tranh toàn cầu.

Theo dự đoán của Diễn đàn Kinh tế thế giới, đến năm 2025 con người chỉ chiếm khoảng 48% lực lượng lao động, còn máy móc và các thuật toán chiếm đến 52%. Vì vậy, việc giáo dục đơn thuần chỉ tập trung vào truyền đạt kiến thức không còn phù hợp nữa. Thay vào đó, phương pháp tập trung vào tư duy và kỹ năng, những yếu tố rất "con người" mà máy móc không thể thay thế ngày càng được chú trọng.

Đây là cốt lõi của giáo dục hiện đại, nơi đào tạo ra nguồn nhân lực sẵn sàng thích nghi trước mọi sự thay đổi.

Trên thực tế, các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới đã tập trung đào tạo các kỹ năng hữu ích cho tương lai như: kỹ năng sáng tạo, kĩ năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện và năng lực số.

Giá trị cốt lõi của những kỹ năng chuyển đổi (transferable skills) chính là tạo ra lực lượng lao động kiến tạo, sẵn sàng thích nghi với những thay đổi của thời đại.

Với nền tảng vững chắc này, thế hệ công dân thời đại số sẽ nắm bắt kiến thức mới nhanh chóng, biết áp dụng một cách sáng tạo vào thực tế, đồng thời giúp đánh giá, phân tích các vấn đề, giao tiếp hiệu quả và hành động theo cách mà máy móc hay công nghệ không thể thay thế được.

Bà Lê Anh Lan, đại diện Chương trình Giáo dục UNICEF tại Việt Nam cho biết, kỹ năng chuyển đổi là những kỹ năng mềm, kỹ năng sống, kỹ năng của thế kỷ 21, hướng tới sáng tạo, giao tiếp, tư duy phản biện, vớ những năng lực số đi kèm.

Năng lực số là công cụ thúc đẩy kỹ năng chuyển đổi. Tác động của Covid-19 đã cho thấy thế giới đang thay đổi rất nhiều, vì vậy, cần hình dung lại giáo dục, thay đổi giáo dục và cần tính đến sự kết hợp với năng lực số và kỹ năng chuyển đổi.

Chuyển đổi số: Phương pháp giáo dục truyền đạt kiến thức không còn phù hợp - 2

Ông Lê Anh Vinh, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, ông Lê Anh Vinh, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết, điều quan trọng là trang bị cho thế hệ trẻ Việt Nam những kỹ năng để thích ứng sự phát triển của ASEAN. Học sinh cần thích ứng trong tương lai, và hội thảo là cơ hội để lắng nghe các quốc gia trên thế giới chia sẻ về phát triển giáo viên, chương trình, sách giáo khoa.

Bên cạnh đó, hội thảo sẽ trao đổi về những khoảng trống trong cơ chế, chính sách và triển khai thực hiện. "Lắng nghe học hỏi các quốc gia sẽ giúp xác định được phương pháp triển khai phù hợp nhất cho Việt Nam và khu vực", ông Vinh khẳng định.

Bà Lan Anh cho rằng, cần nghiên cứu để cho trẻ em Việt Nam cơ hội học tập tốt nhất, tất cả trẻ em đều được đến trường, thu hẹp khoảng cách giữa các trẻ em Việt Nam. Đó là quyền học tập bình đẳng của tất cả trẻ em, đặc biệt là nhóm trẻ em dễ bị tổn thương nhất, như trẻ em khuyết tật, trẻ em vùng sâu vùng xa, trẻ em nghèo, không có cơ hội tiếp cận công nghệ thiết bị thông minh.

Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận, những vấn đề lý thuyết và việc ứng dụng các lý thuyết về giáo dục kĩ năng chuyển đổi và năng lực số hướng đến phát triển bền vững trong bối cảnh kỉ nguyên số; Các chính sách và thực trạng triển khai giáo dục năng lực số và kĩ năng chuyển đổi của các quốc gia ASEAN hướng tới phát triển bền vững; Các rào cản và giải pháp về chính sách và thực tiễn nhằm nâng cao giáo dục năng lực số và kĩ năng chuyển đổi trong khu vực.