Giáo dục nghề nghiệp quyết tâm chuyển đổi số thần tốc nhưng chắc chắn

Mai Châm

(Dân trí) - "Trước yêu cầu của thực tế, việc chuyển đổi số trong GDNN cần phải làm thần tốc, nhưng phải chắc chắn, có tính hệ thống, tính kế thừa", ông Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng TCGDNN nói.

Sáng 24/12, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Bộ LĐ-TB&XH tổ chức hội thảo "Khung đề án chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp". Tiến sĩ Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN chủ trì buổi hội thảo.

Tại hội thảo, ông Phạm Vũ Quốc Bình khẳng định tầm quan trọng của việc chuyển đổi số trong GDNN.

Giáo dục nghề nghiệp quyết tâm chuyển đổi số thần tốc nhưng chắc chắn - 1

Ông Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN chủ trì buổi hội thảo "Khung đề án chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp".

Ông Bình nói: "Chính phủ xác định phát triển GDNN là trọng tâm trong phát triển giáo dục quốc gia. Cùng với đó, chúng ta cũng phải đi song song với các hệ thống GDNN của các nước khác để từ đó có sự tham chiếu lẫn nhau.

Đồng thời cần phải xây dựng hệ thống GDNN mở và linh hoạt, sao cho cập nhật thường xuyên và liên tục sự phát triển của thế giới, của nền kinh tế số".

Để đạt được mục tiêu này, TS. Phạm Vũ Quốc Bình cho rằng, GDNN phải xây dựng được hệ thống dữ liệu lớn toàn ngành, tạo được các nền tảng công nghệ, xây dựng hành lang pháp lý phù hợp và đặc biệt phải chuẩn bị nhân lực phục vụ cho quá trình chuyển đổi số.

"Trước yêu cầu của thực tế, việc chuyển đổi số trong GDNN cần phải làm thần tốc, nhưng phải chắc chắn, có tính hệ thống, tính kế thừa", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN nhấn mạnh.

Ông Bình cũng cho rằng, quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực GDNN phải gắn liền với doanh nghiệp. Doanh nghiệp chính là đối tượng sử dụng lao động. Do vậy, trong quá trình chuyển đổi số, chính doanh nghiệp sẽ đưa ra yêu cầu từ công nghệ, kỹ năng đến chất lượng nguồn nhân lực.

Giáo dục nghề nghiệp quyết tâm chuyển đổi số thần tốc nhưng chắc chắn - 2

Hội thảo "Khung đề án chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp".

Dự thảo khung đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực GDNN xác định, quá trình chuyển đổi số sẽ làm thay đổi cách quản lý hoạt động GDNN, cách dạy của giáo viên, cách học của học viên tại các cơ sở GDNN từ môi trường truyền thống lên môi trường số.

Chuyển đổi số dự báo sẽ làm xuất hiện nhiều ngành nghề mới, nhiều lĩnh vực mới. Đây là thị trường mới tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức đối với hoạt động GDNN.

Từ thực tế này, dự thảo khung đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực GDNN đặt ra tầm nhìn đến năm 2030 toàn bộ hệ thống GDNN, hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở GDNN, giáo viên, học viên sẽ chuyển lên môi trường số.

Cụ thể, đến năm 2030, 100% dịch vụ công liên quan đến hoạt động GDNN là dịch vụ trực tuyến mức độ 4, được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.

Khoảng 600 cơ sở GDNN (chiếm 30%) phải thực hiện chuyển đổi số hoàn toàn. Đặc biệt, 100% các trường nghề triển khai nền tảng dạy nghề trực tuyến.

Dự kiến, hệ thống GDNN sẽ hợp tác, đào tạo 30 chuyên gia giỏi về chuyển đổi số gồm các tiêu chuẩn về CNTT GDNN, các công nghệ số về dữ liệu lớn, di động, trí tuệ nhân tạo... làm nòng cốt trong chuyển đổi số.

Chuyển đổi số trong GDNN là quá trình tích hợp và áp dụng các công nghệ kỹ thuật số như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, vạn vật kết nối, trí tuệ nhân tạo..  vào các cơ quan quản lý nhà nước về GDNN, các cơ sở GDNN, tận dụng các công nghệ số thay đổi tích cực cách thức quản lý, làm việc của cá nhân, đơn vị trong hoạt động GDNN cũng như cung cấp điều kiện GDNN thuận tiện, nhanh chóng, hiệu quả trên nền tảng số.

Chuyển đổi số trong hoạt động GDNN nhằm xây dựng hệ sinh thái GDNN cho nền kinh tế số, góp phần đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ theo yêu cầu của nền kinh tế số; bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng lao động; người học được gắn kết trong môi trường GDNN số trong và sau quá trình học.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm