Chương trình và SGK quá nặng: “Môn Toán thành nỗi khiếp đảm với trẻ”
(Dân trí) - GS Đỗ Đức Thái, Tổng chủ biên sách giáo khoa Toán lớp 1 "Cánh diều" cho hay, chương trình và bộ sách giáo khoa Toán tiểu học hiện nay khó đến mức giáo sư có trình độ tương đối tốt mới hiểu được hết. Vì quá nặng, môn Toán trở thành nỗi khiếp đảm với trẻ.
Chiều 17/12, NXB Đại học Sư phạm cùng các đối tác đã tổ chức tọa đàm và ra mắt bộ sách giáo khoa (SGK) "Cánh diều" với thông điệp “Mang cuộc sống vào bài học. Đưa bài học vào cuộc sống”.
Trao đổi tại hội thảo, GS Thái cho rằng, sách Toán hiện hành ở bậc phổ thông, đặc biệt với tiểu học, quá nặng.
“Tôi nói câu này bằng tất cả trách nhiệm của mình. Chương trình và bộ SGK Toán tiểu học hiện nay khó đến mức để hiểu được hết nó phải là các giáo sư Toán học có trình độ tương đối tốt", ông Thái nói.
GS Đỗ Đức Thái dẫn chứng trẻ 6 tuổi đọc, viết chưa được nhưng đã phải học cách xây dựng tập số tự nhiên bằng hai loại tiên đề. Một là xây dựng thông qua lý thuyết tập hợp trên cơ sở đếm một con gà, một con bò ra số 1; hai bông hoa, hai cốc nước ra số hai. Hai là các em phải học tiên đề về số liền trước, số liền sau.
Một ví dụ khác là trẻ lớp 1 cần học từ đơn giản tới trừu tượng. Nhưng khi học hình học, các em lại phải học những cái không thể sờ được, cầm được như là "đường thẳng".
Vì quá nặng, môn Toán trở thành nỗi khiếp đảm của nhiều trẻ. “Có thể nói, chương trình Toán hiện hành đã giết chết giáo dục Toán phổ thông từ trong trứng”, GS Thái nói.
Tham gia biên soạn chương trình, là tổng chủ biên một cuốn SGK Toán mới, GS Thái luôn lưu ý thành viên ban soạn thảo phải thực hiện chủ trương của Bộ GD&ĐT là thực sự giảm tải và giảm tải một cách hợp lý, "làm sao để mỗi giờ học Toán là một giờ vui chứ không phải là một giờ hãi hùng".
Bên cạnh giảm tải, GS Thái cho rằng môn Toán cần gắn liền với cuộc sống. Nhà trường phải mở toang cánh cửa để cuộc sống tràn vào và phải gắn với cuộc sống. "Nói cho cùng, học sinh không chỉ học số 1, 2, 3 hay phép tính 1 + 1 mà quan trọng là những điều đó phải biến thành năng lực để các em giải quyết được những vấn đề của cuộc sống sau này", ông nói.
SGK Toán mới cũng được xây dựng trên quan điểm lấy học sinh làm trung tâm. Các em hoàn toàn có thể tự học dưới sự hướng dẫn của phụ huynh hay thầy cô.
Điều này là điểm rất khác so với SGK hiện hành. Cuốn sách cũng được thiết kế giúp giáo viên có thể tổ chức bài học một cách sáng tạo, theo đúng tiến trình sư phạm, đúng nhận thức của học sinh.
Riêng về hình thức, GS Thái khẳng định SGK Toán mới được in bốn màu rất đẹp, hình thức "không thua kém gì sách ở các nước phát triển".
Được biết, ở SGK hiện hành, do tiếp cận nội dung là chủ yếu, ít thực hành, ít liên hệ với đời sống, nên việc dạy - học môn toán thường bị nặng, không gây hứng thú cho học sinh.
Chia sẻ về chương trình giáo dục môn Toán, PGS Lê Anh Vinh, Chủ biên SGK Toán lớp 1 “Kết nối tri thức với cuộc sống” cũng từng cho rằng, Toán học vốn là một bức tranh đẹp, nhưng với chương trình Toán hiện hành, có thể thấy, phần lớn học sinh chỉ được học “tô lại” bức tranh đó hoặc tô “hàng rào”.
Để dẫn chứng, ông cho biết đã xuống các trường học của Hà Nội, từ công lập đến chất lượng cao, hỏi học sinh tiểu học thích nhất bài toán nào, chỉ có một học sinh cho biết thích nhất bảng cửu chương vì giúp tính toán nhanh. Tương tự, cũng câu hỏi đó, một học sinh THCS thích nhất phép tính lũy thừa.
Thậm chí, đến cả giáo viên, khi được hỏi, họ cũng không trả lời được tiết học nào là thú vị nhất, cảm thấy vui nhất, hạnh phúc nhất.
Chính điều đó, đặt ra cho những người làm sách của chương trình mới phải thay đổi để tạo hứng thú hơn cho môn học.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết, nếu chương trình hiện hành dạy học sinh biết gì thì trong chương trình mới, sẽ dạy học sinh biết làm gì.
Bên cạnh đó, SGK mới rèn luyện cho học sinh các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ và trách nhiệm. SGK lớp 1 kế thừa SGK hiện hành, giáo viên cầm sách dạy được ngay không cần tập huấn.
Mỹ Hà