Chương trình GDPT tổng thể: Đổi mới đào tạo giáo viên khoa học tự nhiên

(Dân trí) - Bám sát quá trình đổi mới giáo dục phổ thông, các trường sư phạm đã có những thay đổi trong nội dung đào tạo nhằm bắt kịp đổi mới. Trong đó, công tác đào tạo giáo viên giảng dạy các môn khoa học tự nhiên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đã được các trường sư phạm đặc biệt chú ý.

Về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Vũ Thị Hồng Hạnh, Trưởng Khoa Vật lí, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên.


Hiện nay, công tác đào tạo giáo viên giảng dạy các môn KHTN đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đã được các trường sư phạm đặc biệt chú ý. (Ảnh: minh họa)

Hiện nay, công tác đào tạo giáo viên giảng dạy các môn KHTN đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đã được các trường sư phạm đặc biệt chú ý. (Ảnh: minh họa)

Năng lực thực tế chiếm 50% chương trình đào tạo

PV: Chị đánh giá như thế nào về hệ thống các môn khoa học tự nhiên (KHTN) được xây dựng và bố trí trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố?

Tôi đánh giá dự thảo chương trình giáo dục phổ thông lần này kế thừa được những nội dung giáo dục đã được kiểm nghiệm trong thực tế của các chương trình trước đây, đó là cung cấp những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại, tăng cường thực hành và nâng cao năng lực vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống.

Trong dự thảo, các môn KHTN không chỉ góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung cho học sinh mà còn có sứ mệnh hình thành và phát triển thế giới quan khoa học của học sinh, giúp các em có được tinh thần khách quan, tình yêu thiên nhiên, tôn trọng các quy luật của tự nhiên, từ đó biết ứng xử với tự nhiên, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững xã hội và môi trường.

Thông qua các hoạt động học tập của lĩnh vực này, học sinh dần hình thành và phát triển năng lực tìm hiểu và khám phá thế giới tự nhiên qua quan sát và thực nghiệm, năng lực vận dụng tổng hợp kiến thức khoa học để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.

Giáo dục KHTN được thực hiện trong nhiều môn học, cốt lõi là các môn Cuộc sống quanh ta (lớp 1, lớp 2 và lớp 3), Tìm hiểu tự nhiên (lớp 4 và lớp 5), Khoa học tự nhiên (trung học cơ sở), Vật lý, Hóa học, Sinh học (trung học phổ thông).

PV: Rõ ràng đã có những thay đổi khá lớn trong hệ thống các môn KHTN ở từng cấp học. Điều này đòi hỏi những đổi mới trong đào tạo giáo viên dạy KHTN. Tại Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên những đổi mới đó đã diễn ra như thế nào?

Hiện nay, công tác đào tạo giáo viên giảng dạy các môn KHTN đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đã được các trường sư phạm đặc biệt chú ý. Một trong những điểm nổi bật trong đào tạo giáo viên là công tác xây dựng và phát triển chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới được các trường thực hiện một cách hệ thống, khoa học.

Với mục tiêu đào tạo đội ngũ giáo viên có đủ năng lực để có thể dạy chuyên sâu môn vật lý, hoá học hoặc sinh học và dạy môn KHTN ở bậc THCS, chương trình đào tạo giáo viên các môn thuộc khối khoa học tự nhiên tại Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên đã có nhiều thay đổi.

Chương trình được xây dựng có sự kết hợp và phân phối cân đối giữa các khối kiến thức chuyên ngành và khối kiến thức rèn luyện nghiệp vụ sư phạm. Thời lượng dành cho khối kiến thức đào tạo năng lực sư phạm và thực tập, thực tế chuyên môn đề xuất chiếm khoảng 50% trong tổng số chương trình đào tạo.

Điều này giúp sinh viên tốt nghiệp có được những kiến thức và kinh nghiệm thực tế về chuyên môn, nghiệp vụ, có thể đảm nhận tốt công việc giảng dạy tại trường phổ thông.

Hay việc xây dựng chương trình đào tạo có tỷ lệ các học phần thuộc các khối kiến thức KHTN hợp lý nhằm giúp đào tạo giáo viên giảng dạy KHTN ở các trường phổ thông có khả năng cung cấp cho người học nền tảng kiến thức rộng về KHTN.

Ví dụ, với mục tiêu đào tạo giáo viên vừa có năng lực giảng dạy Vật lý chuyên sâu, vừa có năng lực giảng dạy các môn KHTN, trong chương trình đào tạo ngoài khối kiến thức cơ sở ngành và chuyên ngành vật lý còn có thêm các học phần hoá học, sinh học, khoa học trái đất và môi trường, …

Chương trình đào tạo được thiết kế theo nguyên tắc gồm các học phần có tính liên thông cao để sinh viên có thể lựa chọn các môn học giảng dạy cho phù hợp; giảm số giờ giảng dạy lý thuyết, loại ra khỏi chương trình các môn học mang tính hàn lâm, tăng cường thực hành, thực tế, thảo luận và hoạt động nhóm, tỷ lệ giữa giờ lý thuyết và thực hành là cỡ 50:50 để người học tự chủ hơn, hình thành năng lực tự học, tự nghiên cứu, tăng cường năng lực thực hành và làm việc nhóm.

Trong quá trình thiết kế chương trình đào tạo, các học phần và chuyền đề vể dạy tích hợp KHTN cũng được chú trọng nhằm giúp sinh viên tốt nghiệp ra trường có năng lực dạy học tích hợp và năng lực thiết kế các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh.

Bám sát yêu cầu của các trường phổ thông

PV: Bên cạnh chương trình đào tạo, được biết Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên còn có những thay đổi gì về cách thức tổ chức đào tạo nhằm đáp ứng được yêu cầu đổi mới chương trình phổ thông. Những đổi mới đó là gì, thưa chị?

Một trong những thay đổi trong cách thức tổ chức đào tạo của nhà trường là chú trọng công tác nghiên cứu khoa học của sinh viên khối KHTN theo hướng nghiên cứu khoa học giáo dục và nghiên cứu cơ bản.

Chúng tôi xác định năng lực nghiên cứu khoa học cũng là một năng lực cốt lõi mà giáo viên cần có để có thể hướng dẫn và tổ chức cho học sinh nghiên cứu khoa học ở trường phổ thông, vì thế cần phải được đẩy mạnh.

Đã có rất nhiều sinh viên thuộc nhóm ngành KHTN đã tiến hành thành công đề tài NCKH của mình và đạt giải cao trong các cuộc thi tài năng NCKH sinh viên toàn quốc.

Bên cạnh đó, các giảng viên của trường Đại học Sư phạm cũng thường xuyên được cử đến thực tế tại các trường phổ thông để bám sát các yêu cầu thực tiễn tại đây. Hoạt động này nhằm tăng cường sự gắn kết giữa các trường sư phạm và trường phổ thông trong đào tạo năng lực nghề nghiệp cho sinh viên sư phạm.

Với sự thay đổi mạnh mẽ về chương trình và cách thức tổ chức đào tạo giáo viên, sinh viên khối KHTN sau khi tốt nghiệp hoàn toàn có đủ năng lực để giảng dạy các môn chuyên sâu (vật lý, hoá học, sinh học), có đủ năng lực để giảng dạy môn KHTN ở trường phổ thông và hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học.

PV: Để triển khai được đổi mới giáo dục, công tác bồi dưỡng và đào tạo lại đội ngũ giáo viên một cách có hệ thống và chuẩn hóa là vô cùng cần thiết, chị có ý kiến hay gợi ý gì về vấn đề này?

Thực tế hiện nay, giáo viên chủ yếu được đào tạo đơn môn hoặc hai môn, vì thế để đáp ứng với yêu cầu dạy tích hợp hay liên môn thì giáo viên cần được đào tạo, bồi dưỡng.

Theo tôi, cần khảo sát, đánh giá lại năng lực của người giáo viên một cách chính xác, khách quan. Đối chiếu với yêu cầu của chương trình giáo dục mới để thấy rõ cái đang cần, đang thiếu của giáo viên, từ đó xác định nội dung cần bồi dưỡng cho giáo viên và xây dựng chương trình bồi dưỡng cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

Hiện tại, một số trường sư phạm trọng điểm đã xây dựng hệ thống các chuyên đề bồi dưỡng với nội dung thiết thực, có giáo án, giờ dạy minh hoạ thể hiện cách thức dạy học theo hướng đổi mới và có thể tổ chức thực hiện. Đây là bước chuẩn bị quan trọng cho chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ví dụ, các chuyên đề bồi dưỡng về dạy học tích hợp, tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo, phát triển chương trình nhà trường, bồi dưỡng năng lực tổ chức nghiên cứu khoa học cho học sinh.

Trong công tác bồi dưỡng và đào tạo lại, các trường sư phạm trọng điểm cần đóng vai trò chủ chốt, cử chuyên gia, giảng viên có trình độ cao tham gia bồi dưỡng để đảm bảo chất lượng bồi dưỡng giáo viên.

Tránh tình trạng giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn nhưng chỉ được nghe giảng về lý thuyết, không được thực hành hay tham dự các giờ dạy thực tế, dẫn tới không đáp ứng được yêu cầu đổi mới.

PV: Xin cảm ơn chị!

Việt An (thực hiện)