Bạn đọc viết:
“Chuẩn bị khai giảng mệt hơn đi học!”
(Dân trí) - Hôm qua, khi tôi đưa con đến trường tiểu học để tập trung chuẩn bị khai giảng theo thông báo của nhà trường thì đã thấy phía bên cạnh là trường THCS các học sinh đang tập dượt rất nghiêm túc cho lễ khai giảng theo hướng dẫn chỉ đạo của giáo viên phụ trách.
Hai trường gần nhau nên không khí ồn ào, náo nhiệt bên đó cũng tràn sang khuôn viên trường bên này. Cậu con trai tôi buông một câu: “Lại tập khai giảng, tập gì mà nhiều thế!”. Hôm qua là buổi thứ hai con phải tập trung chuẩn bị cho lễ khai giảng sắp đến, và vẫn còn một buổi sáng nay nữa.
Có một buổi lễ khai giảng, đúng hơn là ngày hội đến trường của các con mà sao trường nào cũng tập trung quá nhiều vào hình thức, lễ tiết rườm rà, từ cách đi đứng, đón chào đại biểu, đến việc di chuyển, phất cờ, phất hoa, vỗ tay, động tác nào cũng phải tập đi tập lại để tránh sai sót.
Những ngày này, dù đã là tiết thu nhưng cái nắng và cái nóng đâu kém gì mùa hè, bắt các con tập trung ngoài trời từ một đến hai tiếng đồng hồ cho những hoạt động đó làm sao các con không kêu ca mệt mỏi, không cảm thấy chán nản.
Ở trường bé lớn học cấp hai cũng vậy, đã mấy buổi chiều con phải đến trường tập trung chuẩn bị khai giảng, hôm thì nắng rát, hôm thì mưa giông. Đấy là chưa kể con tôi có thể tự đạp xe tới trường, nếu những bạn bố mẹ đưa đi đón về thì làm sao phụ huynh sắp xếp được thời gian để đáp ứng các hoạt động đó.
Trưa hôm qua, khi tôi goi điện về nhà hỏi thăm tình hình tập trung của con ở trường thế nào, con lại kêu là “mệt lắm, chán lắm, mai con không đi nữa đâu”. Con lớn thì báo cáo là “chiều nay 15h30 con vẫn phải đến trường tập trung để tập khai giảng nhưng con không đi đâu, trời vừa nắng vừa nóng con đau đầu lắm!”.
Vâng, đấy là cảm nhận của các con về một nghi lễ quan trọng mỗi khi bắt đầu một năm học mới: mệt mỏi, chán, không có gì vui. Thậm chí con còn bảo “chuẩn bị khai giảng còn mệt hơn đi học, phiền phức như thế thì khai giảng làm gì, cứ học luôn đi có phải đỡ mệt, đỡ mất thời gian không?”.
Cá nhân tôi thì thấy rằng, việc tổ chức lễ khai giảng vào ngày 5/9, thường là sau khi các con đã đến trường và học tập bình thường trong cả tháng 8 đã làm giảm đi nhiều ý nghĩa của ngày tựu trường đầu tiên của học trò. Nhưng trong đời sống hiện nay, việc các con học sinh phải đi học trước ngày khai giảng là chuyện khó thay đổi nên các con dù đi học trước vẫn biết là năm học mới chưa thực sự bắt đầu. Các con vẫn có tâm lý mong chờ bởi khi chưa đến ngày khai giảng là chưa thực sự bắt đầu năm học. Ý nghĩa trang trọng của ngày khai giảng bởi thế cũng còn nguyên giá trị.
Nhưng chính việc quá coi trọng hình thức lễ nghi của buổi lễ khai giảng, vốn dành cho các học sinh, nay lại nghiêng nhiều về phía các đại biểu đến tham dự, khiến các trường đều phải tổ chức tập trung, luyện tập, khai giảng thử… đã làm cho ý nghĩa và niềm vui, niềm hân hoan chờ đón tiếng trống khởi đầu năm học giòn giã vang lên trong mỗi học sinh phai nhạt.
Chỉ vì mong muốn của những người lớn, của các thầy cô giáo muốn trường mình có một buổi khai giảng thành công tốt đẹp, mọi thứ mỹ mãn như ý, các vị đại biểu đến tham dự đánh giá cao công tác tổ chức…, việc dành quá nhiều thời gian để chuẩn bị trước có xứng đáng hay không. Và các vị đại biểu, quan khách, nếu các vị biết con em chúng tôi đã phải chịu nắng, chịu nóng, chịu mưa để có những màn chào đón, những nghi lễ chuẩn chỉ, không một “hạt sạn”, các vị có thấy vui không? Tôi nghĩ là không.
Khi con tôi phàn nàn về việc buổi sáng đi học mệt, buổi chiều lại phải đến trường tập trung, tôi cũng đã nói chuyện và khuyên con cố gắng khắc phục thời tiết vì tất cả mọi người phải nỗ lực để có một buổi lễ thành công. Tôi nói với con rằng, đã gọi là lễ khai giảng thì phần nghi thức là quan trọng, để mọi việc diễn ra suôn sẻ, tốt đẹp thì cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng, chu đáo. Tôi cũng biết rằng, các thầy cô giáo cũng rất “lao tâm khổ tứ” với mong muốn có được một buổi lễ khai giảng thành công.
Nhưng những năm gần đây, dư luận xã hội, phụ huynh đều mong muốn lễ khai giảng phải thực sự là Ngày hội đến trường của học sinh, là ngày vui nhất của các con trong một năm học, trong ngày khai giảng, phần Hội đã được các nhà trường quan tâm chú trọng hơn phần Lễ. Vậy thì, có cần thiết không khi lễ khai giảng chỉ diễn ra có một giờ thôi mà phải rất nhiều ngày để tập trung, chuẩn bị? Thêm nữa, chúng ta lại đang vô tình để con em mình biết đến một căn bệnh nan y, dễ mắc mà khó chữa: “bệnh hình thức”.
Đỗ Quyên
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.
Xin trân trọng cảm ơn!