Đứa trẻ gào khóc: “Sao ngày nào cũng... khai giảng?”
(Dân trí) - Không ít đứa trẻ đã gào khóc với bố mẹ, mệt mỏi không chịu ra khỏi lớp để tham gia tập duyệt khai giảng. Khai giảng trở thành nỗi sợ của nhiều học sinh khi bước vào năm học mới.
Một phụ huynh có con học tiểu học ở Hà Nội kể, từ ngày tựu trường đến giờ, đã mấy tuần lễ, gần như ngày nào trường cũng tập duyệt khai giảng.
Từ sáng sớm, trước giờ vào lớp, các bé lại tập xếp hàng, đứng lên ngồi xuống, vẫy tay trái, tay phải, vỗ tay nhiệt liệt... nghe theo hiệu lệnh. Nhiều hôm, nắng lên sớm gay gắt, nhiều cháu mệt mỏi, mồ hôi nhễ nhại, tập xong mới được vào lớp.
Con trai anh khóc, lắc đầu nói với bố: "Khai giảng là gì mà ngày nào cũng phải khai giảng, con mệt lắm rồi". Cháu không muốn đến trường vì lại phải... tập khai giảng. Người bố kể, có ngày các con được yêu cầu phải mặc đồng phục để làm như lễ khai giảng thật, rồi đến trước ngày 5/9 khai giảng, sẽ có ngày tập duyệt chính thức nữa.
Nhiều phụ huynh có con học tại trường tiểu học N.Đ.C, TPHCM kể, những ngày qua, các cháu đến trường cũng phải tập duyệt khai giảng vào đầu giờ học.
"Tôi đưa cháu đến trường rồi đi làm luôn không ở lại nhưng về cháu kể tập hát, tập chào cờ, tập vỗ tay, tập bước đi... Bữa đầu thì cháu thích, còn sau đó thì cháu kêu mệt, kêu chán, nói khai giảng gì mà phải tập miết", một phụ huynh cho hay.
Thông báo tập duyệt khai giảng tại một trường tiểu học
Thời điểm này, không ít trường học trong cả nước đang tập... khai giảng cho lễ khai giảng năm học chính thức vào ngày 5/9 tới. Bất chấp trời nắng nóng, có nơi trẻ vẫn phải tập các nghi thức chào cờ, hát, xếp hàng, vỗ tay, vẫy tay... Vừa đứng tập khai giảng vừa nheo mắt, lau mồ hôi.
Có em học sinh mệt mỏi, chán nản không chịu ra tập thì có thể bị giáo viên mắng, dọa. Trong buổi tập, có em vừa thực hiện các nghi thức vừa khóc, bị giáo viên "xoay" bên này, xoay bên nọ, quát mắng làm trẻ càng thêm sợ hãi.
Nhiều trường chưa tập nhưng đã thông báo cho phụ huynh là ngay sau ngày lễ 2/9 quay lại trường thì các em sẽ tổng lực tập duyệt khai giảng.
Lễ khai giảng của học sinh, để nhà trường chào đón học sinh nhưng từ lúc nào, lại biến hóa thành ngày lễ để các em chào nhà trường, nhiệt liệt đón đại biểu?
Ngoài việc mệt mỏi tập duyệt cho ngày lễ khai giảng, hình ảnh không quá xa lạ là vào ngày khai giảng tại nhiều trường, học sinh phải ngồi giữa nắng để nghe nhà trường báo cáo thành tích, đại biểu phát biểu chúc mừng. Có em phải lén lấy vở, lấy bìa giấy che nắng trong khi... thầy cô, đại biểu ngồi khu vực có rạp che, có nước uống.
Tại một số trường đã thực hiện việc lễ khai giảng là để nhà trường, người lớn chào đón học sinh
Tại Hội trực tuyến Tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nghiệm vụ năm học 2019-2020 do Bộ GD-ĐT tổ chức vào đầu tháng 8 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề cập đến ngày khai giảng phải thật sự vì học sinh.
Hiện nay, việc tổ chức khai giảng tại một số trường đã thực hiện rất tốt, thay vì các em đứng vẫy cờ chào người lớn thì giáo viên, người lớn đứng đón học sinh, các anh chị lớp lớn hơn đón các em lớp sau, nhất là các em đầu cấp. Đại biểu thay vì ngồi trước học sinh vì bây giờ được nhiều trường bố trí xung quanh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhắc nhở, điều này chỉ mới được thực hiện ở một số trường, chưa phải là phổ biến trong cả nước. Lễ khai giảng hay các hoạt động trong nhà trường vẫn còn vì người lớn, chưa thật vì học sinh.
Sau lời nhắn nhủ này, nhiều học sinh chúng ta ở không ít trường vẫn đang phải toát mồ hôi, mệt mỏi, chán nản, mất hết cảm xúc... để chuẩn bị cho ngày hội lẽ ra mình được chào đón. Thứ cần nhất của lễ khai giảng năm học mới là cảm xúc, là sự hào hứng... đã không còn.
TPHCM: Không đọc báo cáo trong lễ khai giảng
Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu lễ khai giảng phải được chuẩn bị chu đáo, an toàn. Chương trình có các nghi thức đón học sinh đầu cấp, chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước và có thể tổ chức một số hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phù hợp với điều kiện nhà trường, tâm lý lứa tuổi…
Đối với các trường mầm non, Sở lưu ý không đọc báo cáo tình hình hoạt động của trường trong ngày 5/9 và nhận trẻ theo từng đợt, tạo điều kiện cho phụ huynh học sinh vào nhóm lớp hỗ trợ với giáo viên giúp trẻ dần thích nghi với môi trường mới. Triển khai công tác đảm bảo an toàn, an ninh đặc biệt lưu ý đến công tác đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ.
Hoài Nam