Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: “Người thầy là biểu tượng thắp lên ngọn lửa đam mê”
(Dân trí) - Tối 13/11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao tặng 39 danh hiệu Nhà giáo nhân dân, 680 danh hiệu Nhà giáo ưu tú và đề nghị Bộ Giáo dục & Đào tạo chú trọng phát triển đội ngũ nhà giáo thực sự là biểu tượng thắp lên ngọn lửa đam mê học tập.
39 Nhà giáo nhân dân, 680 Nhà giáo ưu tú
Tối 13/11, Bộ GD-ĐT đã long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam và trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú năm 2014.
Đến dự lễ kỷ niệm có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận và lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu khai mạc lễ kỷ niệm: “Trong thời khắc long trọng này, chúng ta thành kính tưởng nhớ công ơn trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài, người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới và người thầy tiền bối vĩ đại của nền giáo dục cách mạng Việt Nam; Chúng ta tưởng nhớ và mãi mãi ghi ơn các nhà giáo - chiến sỹ đã anh dũng hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Chúng ta nhớ đến các thế hệ nhà giáo trên khắp mọi miền đất nước, đặc biệt là các nhà giáo ở vùng sâu vùng xa, vùng biên giới hải đảo đã và đang tận tâm, tận lực mang “con chữ” đến những học sinh thân yêu, cống hiến cả cuộc đời vì sự nghiệp giáo dục nước nhà”.
Từ năm 1988 - 2012, qua 12 đợt xét đã có 528 Nhà giáo nhân dân và 6.735 Nhà giáo ưu tú được phong danh hiệu. Năm 2014, Chủ tịch nước đã quyết định trao tặng 39 danh hiệu Nhà giáo nhân dân và 680 danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Người thầy cao tuổi nhất được công nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân là GS.TS Lê Quang Long (95 tuổi, Đại học Sư phạm Hà Nội).
Trong số 680 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú có 288 nhà giáo là nữ, 19 nhà giáo là người dân tộc, 432 nhà giáo đang làm việc tại các trường phổ thông, 248 nhà giáo đang công tác tại các cơ sở giáo dục đại học. Nhà giáo ưu tú trẻ nhất là cô Mai Thị Thắm 34 tuổi (Bình Phước). Ngoài ra còn có thể nhắc đến cô Ka Hiền - Trường Mẫu giáo Bảo Thuận (Di Linh, Lâm Đồng) là tấm gương tiêu biểu cùng với già làng, trưởng bản động viên học sinh đến trường; cô Đinh Thị Kim Phương (Trường Vùng cao Việt Bắc) nhiều sáng kiến kinh nghiệm trong giảng dạy…
“Chia sẻ với những khó khăn của thầy cô giáo vùng sâu, vùng xa”
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi tới toàn thể các nhà giáo trên cả nước lời thăm hỏi và chúc mừng. Chủ tịch nước nhiệt liệt biểu dương thành tích mà ngành Giáo dục đã đạt được trong thời gian qua.
“39 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân và 680 được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú chính là những người tiêu biểu trong đội ngũ thầy giáo, cô giáo tận tụy với nghề, yêu thương học trò, có tài năng sư phạm, sáng tạo trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, có nhiều đóng góp trong sự nghiệp giáo dục đào tạo của đất nước, được học trò đồng nghiệp và nhân dân tin yêu.
Đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội, các đoàn thể gia đình và xã hội chăm lo nhiều hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục, tạo điều kiện tốt nhất để các thầy cô giáo hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của mình”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Cùng với đó Chủ tịch nước khẳng định, năm nay là năm thứ 2 toàn Đảng, toàn dân ta cùng với ngành Giáo dục & Đào tạo thực hiện nghị quyết 29 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 khóa XI về Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng công nghiệp hóa hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng tìm tòi, đổi mới công tác quản lý, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học theo hướng phát triển năng lực, tư duy sáng tạo, đổi mới việc thi tuyển, đánh giá chất lượng giáo dục để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Nhiều chính sách cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên nghèo dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn và các đối tượng chính sách được bổ sung để tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp giáo dục đào tạo không ngừng phát triển.
Chủ tịch nước đề nghị: “Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chú trọng chỉ đạo có hiệu quả hơn nữa công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và đội ngũ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới, trong đó chú trọng việc đào tạo, đào tạo lại cho đội ngũ nhà giáo, thường xuyên chăm lo việc nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ để người thầy giáo thực sự là biểu tượng của sự hiểu biết và là người truyền cảm hứng, thắp lên ngọn lửa đam mê học tập, tìm kiếm, khám phá tri thức, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, khát khao cống hiến cho các thế hệ, là những tấm gương sáng để học trò noi theo.
Tôi cũng thực sự chia sẻ với những khó khăn rất lớn của những thầy giáo, cô giáo, nhất là các thầy cô giáo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đã vượt qua rất nhiều khó khăn để chăm sóc, dạy dỗ học trò của mình. Tôi mong các thầy cô giáo hãy cố gắng hơn nữa, cùng toàn Đảng, toàn dân ta vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để đưa dân tộc ta sớm bước đến đài vinh quang, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Bác Hồ kính yêu hằng mong ước”.
Phương Nhung
Ảnh: Đăng Lương