Chỉ khen học sinh góp từ 100.000 đồng: Lòng nhân ái bị phân loại bằng tiền

Hoài Nam

(Dân trí) - Sự việc Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, Gò Vấp, TPHCM chỉ khen học sinh ủng hộ từ 100.000 đồng cho thấy lòng nhân ái, sự sẻ chia của học trò bị "đong đếm" bằng tiền ngay trong trường học.

"Cháu đi học không có nhiều tiền, của ít lòng nhiều quyên góp giúp mọi người ạ", "Cháu là học sinh không có nhiều tiền ạ"... Đi cùng những nội dung này là biên lai chuyển khoản những số tiền 10.000, 20.000, 30.000 đồng đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ủng hộ đồng bào bão lũ từ nhiều học trò.

Chỉ khen học sinh góp từ 100.000 đồng: Lòng nhân ái bị phân loại bằng tiền - 1

"Cháu là học sinh không có nhiều tiền" là nội dung nhiều biên lai chuyển khoản đóng góp hướng về đồng bào vùng lũ (Ảnh chụp lại màn hình).

Trong danh sách sao kê ủng hộ đồng bào hàng chục ngàn trang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có hàng loạt nội dung "cháu là học sinh không có nhiều tiền" như vậy. Ở đó, những em học trò góp đồng tiền nhỏ bé của mình hướng về đồng bào vùng lũ.

Những đóng góp đó cùng những lời chân thật đã làm bao người thấy ấm lòng, an ủi phần nào giữa hàng loạt biên lai "phông bạt" được chỉnh sửa thêm nhiều con số 0, góp 1 đồng thổi 100 đồng, đóng một hào vống lên tiền trăm, tiền tỷ.

Trước tấm lòng thơm thảo, chân thực đó của học trò lại là sự việc một trường tiểu học ở TPHCM chỉ phát giấy khen cho học sinh ủng hộ đồng bào vùng lũ từ 100.000 đồng. Với những em ủng hộ ít hơn chỉ nhận thư khen từ giáo viên chủ nhiệm.

Phải nhìn thực tế học sinh, nhất là các em học sinh tiểu học còn tuổi ăn tuổi học, các em chưa làm ra tiền.

Nhà trường hiểu rõ hơn ai hết việc kêu gọi học sinh đóng góp không thể nặng về tiền bạc mà điều quan trọng hơn là trao cho các em những giá trị về lòng nhân ái, sự chia sẻ, đồng cảm trước nghịch cảnh, đau thương của đồng bào.

Lòng nhân ái của một đứa trẻ có thể vun vén, bồi đắp mà không cần đứa trẻ ấy phải trả giá, phải cho đi những đồng tiền - những thứ các em chưa làm ra, chưa có.

Lòng nhân ái của một đứa trẻ cũng không cần một tờ giấy khen để nói "tôi nhân ái". Có chăng trẻ cần sự khuyến khích, khích lệ, động viên để thấy được ý nghĩa, giá trị của việc mình làm.

Thế nhưng ở đây, ngay trong trường học, nhà trường "phân loại" lòng nhân ái của học trò tính theo số tiền. Lòng nhân ái phải từ 100.000 đồng trở lên mới được giấy khen, còn dưới số tiền này thì "phân loại" sang một hình thức khác.

Quyên góp đồng bào bão lũ là việc trường học hướng đến hoạt động nhân ái, sẻ chia, thấu cảm. Vậy nhưng với cách khen thưởng phân loại này, nhà trường lại đang thiếu nhân ái, nhân văn với chính tấm lòng nhân ái của học trò. 

Thạc sĩ Nguyễn Đức Minh, chuyên viên tâm lý học đường tại trường học ở TPHCM, cho hay khi đọc tin này ông chùng xuống. Bởi đau lòng, bởi xót xa trước cách hành xử của trường trước lòng nhân ái của học trò.

"Với tôi, lòng nhân ái của bất cứ ai, nhất là của trẻ không cần giấy khen, khen thưởng rình rang. Việc khen thưởng lại còn chứa đựng sự đong đếm, so đo lòng nhân giữa đứa trẻ này với đứa trẻ khác lại càng không được", ông Minh bày tỏ. 

Qua sự việc này, ông Minh cho rằng trong trường học vẫn còn hai vấn nạn nặng nề đó là bệnh hình thức và bệnh thành tích, xếp hạng.

Thạc sĩ Nguyễn Đức Minh nhấn mạnh, bệnh hình thức, thành tích trong trường học cực kỳ nguy hiểm với con trẻ. Điều này có thể hủy hoại đứa trẻ khi chúng phải gồng mình lên thể hiện, sống thiếu trung thực, dối trá, không dám sống thật. 

Từ trường hợp nhiều bạn trẻ "phông bạt" chỉnh sửa số tiền đóng góp gây xôn xao thời gian qua, theo ông Minh, ngoài bản thân các bạn sống ảo, còn xuất phát từ việc xã hội còn nặng nề đánh giá người khác thông qua vật chất, qua vẻ bề ngoài.

Chỉ khen học sinh góp từ 100.000 đồng: Lòng nhân ái bị phân loại bằng tiền - 2

Tặng giấy khen cho học trò ủng hộ đồng bào lũ lụt từ 100.000 đồng, phải chăng nhà trường "phân loại" lòng nhân ái của học trò tính theo số tiền? (Ảnh minh họa: Hoài Nam).

Lòng nhân giờ đây thường được xuýt xoa hoặc chê bai dựa vào số tiền người ta cho đi. Ủng hộ nhiều thì được khen ngợi, còn ủng hộ ít có thể bị nói keo kiệt, không biết sẻ chia, đồng cảm.

Chính từ áp lực này, không ít bạn "phông bạt" để được khen ngợi, ca tụng và đặc biệt là để cảm thấy yên tâm, an toàn về mặt tâm lý.

Đo đếm lòng nhân là vấn đề được bàn đến lâu nay, nhất là trong những đợt thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh.

Trước câu hỏi "Lòng nhân ái có thể đong đếm không", nhà giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương, người đưa triết lý trường học kiến tạo đến Việt Nam cho hay, lòng nhân ái rất cần đong đếm.

Nhưng không phải là đo đếm với nhau, không phải đong đếm giữa người này với người khác, không phải xem ai cho nhiều hơn ai, ai kín đáo thầm lặng hơn ai…

Sự đo đếm cần thiết nhất là đo đếm với chính mình, đo đếm xem có bao nhiêu lòng nhân ái được đi ra từ mình trong đời sống hàng ngày chứ không phải chỉ ở những lúc "đột xuất".

Đong đếm lòng nhân ái với người khác đã là điều không nên. Việc đong đếm lòng nhân ái của những đứa trẻ là điều tối kỵ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm