Nước lũ dâng lên, dâng cả lòng nhân và sự bất nhẫn…
(Dân trí) - Dòng nước lũ trào dâng lên nhân lên tình người, những tấm lòng nhân và phơi bày luôn những hành động vô lương tâm ngay giữa hoạn nạn, đau thương...
Hoạn nạn mới rõ lòng người. Điều đó thể hiện rõ hơn lúc nào hết khi cơn bão số 3 Yagi quét qua, kéo theo những ảnh hưởng nặng nề ở nhiều tỉnh phía Bắc.
Trong ngày siêu bão ập đến, mọi người đã nín thở dõi theo cảnh dòng ô tô cùng xếp hàng đi thật chậm lại, nối nhau che chắn cho người đi xe máy qua cầu ở Hà Nội.
Hình ảnh như ngọn lửa sưởi ấm lòng người giữa siêu bão với sức càn quét kinh hoàng.
Lòng nhân tiếp tục được nối tiếp, nhân lên giữa dòng nước lũ dâng cao sau bão. Khắp cả nước, mọi tấm lòng hướng về các tỉnh miền núi phía Bắc. Từ chai nước, ổ bánh mỳ, đòn bánh tét, chiếc bánh bao, thùng mì cho đến những ngày lương, những đồng tiền hưu trí, tiết kiệm… được trao đi, được sẻ chia.
Đó là hình ảnh thầy giáo già 76 tuổi Lê Ngọc Thạch ở TPHCM rút toàn bộ tiền dưỡng già 1 tỷ đồng để đóng góp hỗ trợ bà con vùng lũ. Đó là chuyện người đàn ông khuyết tật nặng Nguyễn Văn Tiến ở Quảng Trị bán vé số gom góp 200.000 đồng gửi ra Bắc…
Kể làm sao cho hết những tấm lòng nhân ái được trao đi như vậy.
Nước lũ dâng lên, dâng cả lòng nhân ái. Nhưng dòng nước lũ cũng bóc trần, phơi bày trực diện không ít biểu hiện bất nhân, trục lợi, "làm màu" trên nỗi đau thương, mất mát của cộng đồng.
Đầu tiên phải kể đến trò lợi dụng bối cảnh bão lũ tang thương để xây dựng hình ảnh, lan truyền thông tin giả câu "like"(lượt thích) bất chấp. Hình ảnh người chồng đẩy vợ con trên chậu nhựa giữa dòng nước lũ đã ngập đến lưng nhà khiến nhiều người bật khóc hóa ra là... hàng giả.
Đó là hành vi biến người sống thành người chết, kiếm câu chuyện mua vui khi lan truyền thông tin giả em bé ở Mèo Vạc, Hà Giang đứng khóc giữa đường vì mẹ bị lũ cuốn trôi…
Danh sách sao kê tiền ủng hộ lũ lụt tiếp tục làm lộ diện những người thích lối sống "phông bạt", "làm màu", góp 1 hét lên cả trăm, cả tỷ.
Mất nhân tính nhất phải kể đến hành vi của không ít người trục lợi những đồng tiền đóng góp của mọi người hướng về đồng bào gặp thảm cảnh.
Họ khoác cho mình chiếc áo nhân văn, nhân ái đứng ra kêu gọi mọi người chung tay chung sức rồi… "nuốt" thẳng đến 90-99% số tiền quyên góp.
Khi biết những hành vi này, chị Nguyễn Thanh Loan, làm việc ở TPHCM thốt lên: "Không chỉ mượn hoa cúng Phật mà còn tranh thủ… giật hết phần hoa. Táng tận lương tâm!".
Tại một hội thảo về chủ đề nhân cách con người ngày nay được tổ chức tại TPHCM mới đây, GS Trần Ngọc Thêm chỉ ra hàng loạt hiện tượng xuống cấp, suy đồi trong đời sống xã hội như cướp hoa, hôi bia, rút ruột các công trình…
GS Trần Ngọc Thêm phân tích, đó là biểu hiện của sự xung đột giữa văn hóa truyền thống và lối sống kim tiền nảy sinh nhiều thói hư tật xấu hiện nay. Tuy nhiên, câu hỏi day dứt là có những quốc gia cũng sống với cơ chế kinh tế thị trường, cũng trải qua quá trình công nghiệp hóa nhưng vẫn tránh được những mặt trái, nhất là tình trạng giả dối như vấn đề Việt Nam đang phải đối mặt.
GS Trần Ngọc Thêm và cộng sự đã thực hiện điều tra, nghiên cứu với 5.600 người, xác định bệnh giả dối đứng hàng đầu trong 34 tật xấu của người Việt, chiếm đến 81% số mẫu.
Ở góc độ giáo dục, nhà xã hội học uy tín liệt kê nhiều biểu hiện, mối liên hệ giữa bệnh giả dối và thói quen thành tích nặng nề hiện nay, từ môi trường giáo dục tới các hoạt động kinh tế, xã hội.
Ông khái quát, sự dối trá phổ biến đến nỗi người lớn quên rằng mình đang nói dối. Giả dối trong suy nghĩ thì tự an ủi mình, giả dối trong lời nói được khen là khéo léo, giả dối trong hành động được xem là khôn ngoan.
Bão số 3 không chỉ là cơn thịnh nộ của tự nhiên mà chính là cơn bão lòng, cơn bão của nhân cách, tình người và của lòng người. Cơn bão này cũng như trong dịch bệnh Covid-19 nhiều năm trước phơi bày một cách trực diện về lòng người trong hoạn nạn.
Ở đó tràn ngập lòng nhân và cũng có cả sự bất nhẫn, vô nhân của không ít kẻ "ăn" trên nỗi đau của đồng bào, đồng loại nhân danh hỗ trợ, chia sẻ…