"Đôi giày nhân ái" rút ruột 99% tiền hỗ trợ vùng lũ: Những gương mặt giả…

Hoài Nam

(Dân trí) - Từ sao kê ủng hộ đồng bào lũ lụt phơi bày thực trạng "rút ruột" tiền ủng hộ có khi lên đến 99%. Tình trạng này còn xảy ra ngay trong môi trường học đường…

Không chỉ lộ diện loạt gương mặt sống ảo, mê lối sống "phông bạt" làm 1 khoe 100, chi 10 đồng vống lên tiền tỷ, danh sách sao kê tiền ủng hộ đồng bào lũ lụt còn phơi bày thực trạng "rút ruột" tiền ủng hộ.

Đôi giày nhân ái rút ruột 99% tiền hỗ trợ vùng lũ: Những gương mặt giả… - 1

Vận động mọi người đấu giá đôi giày trẻ em được 10 triệu đồng nhưng thực chất người phụ nữ chỉ chuyển ủng hộ... 100.000 đồng (Ảnh: NVCC).

Trong đó, phải kể đến trường hợp người phụ nữ N.K.L. - một thành viên hoạt động tích cực trong nhóm mạng xã hội của các bà mẹ với hơn 50.000 thành viên - đứng ra đấu giá đôi giày trẻ em cùng lời kêu gọi để ủng hộ đồng bào lũ lụt thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đôi giày này được một người trả 6 triệu đồng, thêm 2,5 triệu đồng mọi người đóng góp. Người vận động cũng tuyên bố sẽ ủng hộ thêm 1,5 triệu đồng cho tròn 10 triệu đồng.

Sau đó, chị này còn viết bài cảm ơn đến các mẹ đã cùng chung tay và công khai biên lai đã chuyển tiền ủng hộ 10 triệu đồng đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đi cùng đó là loạt phản hồi khen ngợi tấm lòng, sự nhiệt tình của chị này.

Chỉ đến khi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công bố sao kê, nhiều thành viên trong diễn đàn bàng hoàng khi biết số tiền thật người này chuyển đi ủng hộ bà con vùng lũ chỉ 100.000 đồng.

Người xây dựng "đôi giày nhân ái" với đủ lời đạo lý, đạo làm người này đã "rút ruột" 99% tiền ủng hộ. 

Từ danh sách sao kê đã chỉ ra không ít người "rút ruột" tiền ủng hộ đồng bào lũ lụt một cách trắng trợn, khó tin.

Đây là hành vi "ăn cắp". Không chỉ ăn cắp về tiền bạc mà còn ăn cắp về niềm tin, sự tin tưởng của những người tin tưởng mình và còn ăn cắp của chính những người dân vùng lũ đang chới với giữa sinh tử, đang trong tận cùng mất máu, đau thương.

Kinh khủng hơn, tình trạng "rút ruột" tiền ủng hộ người dân vùng lũ còn xảy ra ngay trong môi trường học đường.

Thế nên sự việc "rút ruột" tiền ủng hộ vùng lũ xảy ra tại Câu lạc bộ (CLB) Cán Bộ Hội Dự Nguồn, Trường Cao đẳng Công Thương TPHCM làm nhiều người bức xúc đến tận cùng.

CLB này thông báo về việc đã chuyển số tiền hơn 11,2 triệu đồng (tiền quỹ tồn ở thời điểm CLB này giải thể vào đầu năm 2024) vào tài khoản Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để ủng hộ đồng bào các tỉnh phía Bắc chịu ảnh hưởng của bão lũ.

Sau khi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công bố sao kê, số tiền CLB chuyển ủng hộ được tra cứu ra chỉ hơn 1,1 triệu đồng, bị "rút ruột" đến… 90%.

Sự việc này được lý giải do một cựu sinh viên của trường là thành viên Ban chủ nhiệm CLB đã chuyển tiền và… chỉnh sửa biên lai giao dịch chuyển khoản rồi báo cáo lại với nhóm.

Bản sao kê tiền ủng hộ đồng bào lũ lụt đưa đến những bất ngờ, té ngửa, không thể hình dung nổi về những tình huống "rút ruột" đồng tiền quyên góp hướng về người dân khó khăn. Ở đó không ít kẻ nhân danh lòng yêu thương, đồng cảm, sẻ chia với chính đồng bào; lợi dụng sự tin tưởng người khác để trục lợi bốc bỏ túi riêng.

Đôi giày nhân ái rút ruột 99% tiền hỗ trợ vùng lũ: Những gương mặt giả… - 2

Thông báo ngày 10/9 của CLB Cán Bộ Hội Dự Nguồn về việc chuyển khoản thành công số tiền hơn 11,2 triệu đồng ủng hộ bão lũ nhưng thực chất số tiền chuyển đi thời điểm đó chỉ... hơn 1,1 triệu đồng (Ảnh chụp màn hình).

Vậy nhưng, ông Nguyễn Hoàng Mạnh, một nhà hoạt động giáo dục độc lập ở TPHCM cho hay… ông không quá bất ngờ trước hành vi trục lợi từ thiện này, kể cả khi nó xảy ra trong môi trường giáo dục.

Trong nhiều chuyên đề về giáo dục, ông Mạnh bày tỏ quan điểm: "Điều khó nhất để chúng ta dạy con trẻ là không lấy thứ của người khác làm của mình". Bởi  theo ông, không ít hành vi ăn cắp được hợp thức hóa ngay trong môi trường giáo dục.

Có thể kể đến ngay từ nhỏ các em đã được chỉ dẫn cách học những bài văn mẫu để chép thành bài của mình. Thế nên nhiều người đến khi đã là tiến sĩ vẫn… "hồn nhiên" bê bài của người khác vào sản phẩm của mình.

Đâu đó, cũng không thiếu những giáo viên bớt xén, ăn cắp bài học trên lớp chính khóa để "bốc qua" lớp dạy thêm…

Xin nhắc lại trường hợp được TS Bùi Trân Phượng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen chia sẻ một nữ sinh viên ưu tú của Việt Nam được cử đi học ở nước ngoài theo chương trình hợp tác giáo dục.

Vừa qua nước bạn, bài luận đầu tiên của cô sinh viên được đánh giá rất tốt, rất hay nhưng phải nhận ngay điểm 1 với lời nhắc nhở lẽ ra cô phải nhận điểm 0 và phải nhận kỷ luật rất nặng. Lý do trong bài luận của mình, cô sinh viên sử dụng, sao chép nguyên văn từ nhiều nguồn tài liệu nhưng không ghi trích dẫn.

Cô sinh viên òa khóc bởi cô không nghĩ đó là ăn cắp, là đạo văn…

Em nói, ngày nhỏ đi học, cô giáo luôn làm sẵn những bài văn mẫu, yêu cầu học sinh học thuộc, đến ngày thi chỉ việc chép lại.

Hai chữ trung thực nghe thật đơn giản, nhẹ bẫng với những bài học đạo đức trong sách giáo khoa học trò được học từ bé. Nhưng thật ra nó nặng trĩu khi những bài học đạo đức những đứa trẻ được học vẫn là "học một đằng, làm một nẻo".

Ông Nguyễn Hoàng Mạnh bày tỏ, có không ít người mang gương mặt "giả", họ phô ra bên ngoài một kiểu nhưng bên trong là một kiểu khác. Giả y như những biên lai chuyển khoản ủng hộ đồng bào lũ lụt được chỉnh sửa, được photoshop thêm những con số 0…