Chênh vênh qua cầu tìm chữ

(Dân trí) - Mỗi ngày, hàng trăm em học sinh và người dân thôn Thế Vinh, xã Tùng Lâm, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) phải chênh vênh trên những cây cầu đầy bất trắc và nguy hiểm để đến trường và đi làm.

Chênh vênh qua cầu tìm chữ - 1
Hàng ngày, người dân thôn Thế Vinh, xã Tùng Lâm, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) phải mạo hiểm qua cầu.
 
Gần 30 năm nay, hơn 200 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu của thôn Thế Vinh, xã Tùng Lâm phải liều mình đi trên cây cầu tạm bắc qua một nhánh của cửa Lạch Bạng.

Cây cầu C hay còn gọi là cầu Ráo Bò tồn tại đến nay cũng được gần 30 năm và đến bây giờ nó vẫn tồn tại và là cây cầu độc đạo của người dân thôn Thế Vinh. Cầu Ráo Bò dài 20m, mặt cầu được làm bằng 5 thanh ray đường sắt đặt song song với nhau, bên dưới được đỡ bằng 9 thanh sắt và 2 thanh gỗ mục nát, mặt cầu được buộc bằng những sợi dây thép đã hoen rỉ gần hết.

Ông Hồ Sỹ Vuông (75 tuổi), chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tùng Lâm cho biết: “Cây cầu này trước kia được dân quân chúng tôi kéo những thanh ray đường sắt đã hư hỏng về làm cầu, cây cầu đã tồn tại được hơn 30 năm nay nay rồi. Dân ở đây cũng muốn xây cây cầu mới đi lại cho an toàn lắm, nhưng cuộc sống ở đây vất vả quá, miếng ăn hàng ngày còn thiếu, nói gì đến tiền xây cầu”.

Theo những người dân nơi đây phản ánh, đã có rất nhiều trường hợp người dân khi đi qua cầu bị té ngã xuống sông, kể cả trẻ em lẫn người lớn, cũng may là chưa có trường hợp nào tử vong khi qua cây cầu này.

Vào mùa mưa nước lên cao tới hơn 7m, ngập cả cầu, khiến cho toàn bộ hơn 100 hộ dân bên xóm Chiều Bón, thôn Thế Vinh không thể đi qua cầu được, nhất là các em học sinh phải nghỉ học, vì cầu xuống cấp và nước sông quá to.

Bà Lê Thị Nầy (81 tuổi), thôn Thế Vinh cho biết: “Cứ mỗi lần có việc đi qua cầu là tôi phải bò qua, sợ lắm. Đi qua được rồi đã đành, nhưng khi về quay lại nhìn cây cầu mà không dám về nữa. Cái thân già này không may té ngã xuống thì…”.
 
Chênh vênh qua cầu tìm chữ - 2
 Cây cầu thi công dang dở vì thiếu tiền.

Ông Nguyễn Văn Biên, Bí thư chi bộ thôn Thế Vinh cho biết: “Năm 2005, UBND xã Tùng Lâm đã huy động bà con thôn Thế Vinh đóng góp xây cầu Ráo Bò, nhưng cầu mới chỉ xây được phần chân. Phần còn lại huy động dân tiếp tục góp nhưng dân họ không có tiền để đóng nên tạm dừng việc xây cầu mới lại”.

Chỉ cách cây cầu Ráo Bò khoảng 3km về phía Đông cũng thuộc địa bàn thôn Thế Vinh lâu nay cũng tồn tại một cây cầu tạm bắc qua nhánh sông Lạch Bạng. Chỉ cần sơ sẩy là người qua cầu có thể rơi xuống nước bất kỳ lúc nào.

Cây cầu có tên là cầu B, dài chừng 8m, rộng gần 1m là cây cầu nối liền thôn Thế Vinh đến 5 thôn và trung tâm văn hóa xã Tùng Lâm, hiện nay cầu B đã được UBND xã Thế Vinh xây móng và cọc bê tông, hai bên móng được nối bằng những thanh sắt hàn lại với nhau. Tuy nhiên trên mặt cầu chỉ hàn bằng những thanh sắt ngang.
 
Chênh vênh qua cầu tìm chữ - 3
Cây cầu B nơi một học sinh bị lũ cuốn năm 2010.

Người dân nơi đây vẫn chưa quên được sự việc vào tháng 9/2010, em Nguyễn Dương Thắng, học sinh lớp 8A, Trường THCS Tùng Lâm, trên đường đi học, khi đi cầu B đã bị lũ cuốn trôi, UBND xã phối hợp với đội cứu nạn huyện Tĩnh Gia tìm kiếm, nhưng mãi đến 3 ngày sau, khi nước lũ rút mới tìm thấy thi thể em Thắng.

Ông Nguyễn Văn Trung trưởng thôn Thế Vinh cho biết: “Hiện nay số học sinh từ mầm non đến THCS ở thôn Thế Vinh là gần 80 cháu, đều phải qua 2 cây cầu này thì mới đến được trường. Nhưng vào mùa mưa lũ hầu hết các cháu đều nghỉ học”.
 
Chênh vênh qua cầu tìm chữ - 4
Học sinh liều mình qua cầu ráo Bò để đến trường.

Trao đổi với Dân trí, ông Phạm Xuân Tứ, Chủ tịch UBND xã Tùng Lâm cho biết: “UBND xã đã họp bàn rất nhiều về vấn đề này, xã cũng đã nhiều lần kiến nghị lên UBND huyện xin được hỗ trợ kinh phí để xây cầu cho người dân. Chúng tôi cũng mong muốn xây dựng cầu B càng sớm càng tốt. Còn cầu Ráo Bò thì phải tiếp tục huy động bà con trong thôn Thế Vinh đóng góp để xây dựng”.

Được biết năm 2005, người dân nơi đây đã đóng được 20 triệu đồng để xây dựng cầu. Trong khi đó chỉ riêng phần chân cầu đã mất tới 45 triệu đồng. Hiện người dân đang nợ nhà thầu 25 triệu đồng. Với tình trạng này không biết bao giờ người dân và các em học sinh nơi đây mới có một cây cầu thực sự an toàn để đi?

Đức Văn - Lan Anh