Chàng trai 9X mang hồn Việt đi khắp năm Châu
(Dân trí) - Kinh doanh đồ handmade (thủ công) không phải là lĩnh vực quá mới lạ đối với giới trẻ. Nhưng sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường đòi hỏi các bạn trẻ "khởi nghiệp" phải liên tục cải tiến mẫu mã mới, đẹp hơn, chất lượng hơn.
Để "sống sót" trong thế giới handmade không phải chuyện dễ dàng. Với chàng trai cựu sinh viên K55, Cao đẳng Bách khoa Hà Nội, chuyên ngành Công nghệ thông tin đã làm được điều đó. Và không chỉ tạo dựng được thương hiệu cho riêng mình, Nguyễn Quốc Đạt còn mang sản phẩm đến với các quốc gia khác trên thế giới.
Từ truyền thống gia đình
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống Bách khoa, ông ngoại là Nguyên Trưởng Khoa Lý luận Chính trị, Trường ĐHBK Hà Nội, bố mẹ cũng đều là cựu sinh viên Bách khoa Hà Nội, dường như nhiệt huyết của tuổi trẻ và chất Bách khoa đã ngấm vào Quốc Đạt từ khi còn rất nhỏ. Được kế thừa sự khéo léo, tỉ mỉ từ người cha, sự nhanh nhẹn, hoạt bát từ người mẹ, Quốc Đạt đã nhanh chóng sáng tạo và bắt kịp được xu hướng đồ chơi công nghệ của giới trẻ.
“Gia đình em làm đại lý phân phối máy laser nên mọi giao dịch chủ yếu là em liên hệ với người nước ngoài. Chính vì vậy, em đã luôn muốn tự mình làm ra một sản phẩm nào đó để bán ra thị trường quốc tế. Đến khi em bắt tay vào làm spinner thì được gia đình ủng hộ rất nhiệt tình, đặc biệt là bố luôn đồng hành cùng em” – Quốc Đạt chia sẻ.
Spinner là loại đồ chơi cầm tay dạng con quay với bộ phận chính là ổ bi, có nhiều hình dạng và chất liệu khác nhau – có thể bằng đồng, nhựa, silicon, có từ 2 đến 6 cánh quay. Spinner còn được biết tới với tên gọi “con quay xả stress” hoặc “con quay giải trí”. Dần dần, spinner được nhiều người hưởng ứng. Còn tại Việt Nam, thú chơi spinner chỉ mới bắt đầu khoảng cuối năm 2016, tuy nhiên đã nhanh chóng phát triển thành một trào lưu.
Bộ sưu tập sản phẩm của Nguyễn Quốc Đạt
Spinner họa tiết hoa sen
Chia sẻ về cái duyên đến với spinner, Quốc Đạt kể: “Trong một lần tình cờ, Hiệp (một người bạn đồng thời cũng là khách hàng thân thiết của em sau này) tìm hiểu qua mạng xã hội các nhóm nước ngoài thấy xu hướng trò chơi spinner đang thịnh hành. Hiệp đã quyết định mang một số mẫu đến đặt em làm. Cũng từ đó, em có ý nghĩ: tại sao mình không tự làm sản phẩm kiểu như vậy và bán ra nước ngoài. Và thế là, em bắt tay vào thiết kế mẫu theo phong cách riêng của mình”.
Ban đầu Đạt chọn chất liệu gỗ và nhựa để làm nhưng rồi không thành công. Phải mất hai tháng Đạt không làm được sản phẩm nào hoàn thiện, cái thì lệch trục, cái thì nhẹ quá, nhưng nhờ có sự “vào cuộc” của bố, Đạt đã cho ra đời sản phẩm đầu tiên.
“Đa phần sản phẩm handmade không mất quá nhiều chi phí ban đầu, nhưng công chế tác lại làm cho sản phẩm có giá trị cao. Để làm ra một sản phẩm với ít họa tiết, em mất khoảng hai ngày là hoàn thiện. Nhưng những sản phẩm thủ công với nhiều họa tiết điêu khắc thì em phải mất khoảng một tuần. Em có một lợi thế là gia đình có xưởng laser nên dụng cụ, máy móc sẵn có, đặc biệt là có sự giúp đỡ từ bố rất nhiều. Bố em chính là động lực để em làm ra những sản phẩm với kỹ thuật tinh xảo”.
Khi được hỏi về việc áp dụng kiến thức học vào trong công việc, Quốc Đạt nói: “Học Bách khoa đã cho em rất nhiều kiến thức để áp dụng cho công việc hiện tại. Vì làm đồ handmade phải tính toán rất cẩn thận và chi tiết, phải chọn chất liệu cho phù hợp, do vậy em đã vận dụng những kiến thức về ứng dụng vật lý, toán học và hóa học để giải quyết. Muốn sản phẩm của mình được nhiều người biết đến thì phải tạo website chuyên nghiệp với hình ảnh bắt mắt, em lại sử dụng kiến thức về công nghệ thông tin để xây dựng trang web của mình”.
Quy trình để làm ra một spinner về cơ bản gồm 5 bước: thiết kế hình dáng spinner, phay CNC thành hình (phôi của spinner), mạ và khắc laser.
Đến những sản phẩm độc đáo mang văn hóa Việt
Từ khi bắt tay vào làm ra được một sản phẩm hoàn thiện đến nay, Quốc Đạt đã cho ra đời hơn 600 spinner, trong đó, hơn một nửa spinner được xuất khẩu ra thị trường quốc tế như Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức…. Đặc biệt, Nhật Bản là thị trường đầy tiềm năng, với 100 spinner đã được Quốc Đạt bán ra.
Đây cũng chính là thị trường nước ngoài đầu tiên mà spinner của Đạt “đặt chân” đến với họa tiết trống đồng. Tùy theo chất liệu, thiết kế với độ tinh xảo mà các loại spinner được bán giá khác nhau. Tính đến thời điểm này, spinner “được giá” nhất mà Quốc Đạt bán sang thị trường Mỹ là 500 đô la.
Spinner họa tiết trống đồng
Được hỏi về sự khắc nghiệt trong môi trường cạnh tranh khi sản phẩm của Trung Quốc ngập tràn, Quốc Đạt khẳng khái trả lời: “Những người trong giới đam mê đồ chơi công nghệ rất hiểu được giá trị của sản phẩm. Spinner Trung Quốc được sản xuất công nghiệp, tràn lan, độ bền không cao và còn độc hại.
Spinner của em là sản phẩm handmade với độ tinh xảo cao, chất liệu bền nên em không sợ mình không có chỗ đứng. Quan trọng là mình phải biết nắm bắt được xu hướng mẫu, chất lượng và đặc biệt là cái tâm của người làm ra sản phẩm”.
Không chỉ làm ra spinner độc đáo, anh chàng cựu sinh viên Bách khoa đa tài còn tham gia câu lạc bộ gấp giấy nghệ thuật origami Hà Nội, điêu khắc nghệ thuật… Chia sẻ về những dự định trong tương lai, Quốc Đạt nói: “Em vẫn đang nghĩ ý tưởng cho mẫu mới. Em dự định sẽ ra nước ngoài học thêm về đồ họa rồi liên kết các anh chị làm đồ handmade để đưa sản phẩm Việt ra thị trường quốc tế, vì hiện tại ở nước ngoài vẫn đặt Việt Nam gia công sản phẩm handmade rất nhiều.
Chính vì vậy, khi thiết kế spinner em luôn sử dụng các họa tiết mang đặc trưng của Việt Nam như trống đồng, chim hạc, hoa sen… Em chia spinner làm hai phần: phần hình sản phẩm, em gọi là phần xác. Phần hoa văn trang trí, em gọi là phần hồn, mà cả xác lẫn hồn đều phải là văn hóa Việt. Em hy vọng sẽ mang một phần văn hóa Việt đi khắp năm Châu”.
Cẩm Lệ