1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Lối tư duy... thất bại trong khởi nghiệp

Thời gian gần đây, trong một số tài liệu và cả trong một số khóa đào tạo về khởi nghiệp, những người khởi nghiệp được khuyến khích hãy sẵn sàng lăn xả vào làm mọi việc, kiểu người khởi nghiệp phải đóng nhiều vai: giám đốc, bốc vác, kế toán, bán hàng, tiếp thị, giao nhận...

Lối tư duy... thất bại trong khởi nghiệp - 1

Một số bạn trẻ khởi nghiệp lại hiểu hễ khởi nghiệp, nhất thiết phải cùng lúc đóng tròn các vai này. Họ đua nhau mở doanh nghiệp trong tâm thế làm tất cả mọi việc. Kết quả là trên 90% số bạn khởi nghiệp thất bại, phá sản, dù làm việc cật lực trong mọi vai trò được các chuyên gia khuyến khích.

Nếu NLP (lập trình ngôn ngữ tư duy) là môn khoa học lập trình cho con người lối tư duy thành công, thì kiểu khởi nghiệp này vô hình trung đã làm điều ngược lại - người khởi nghiệp đang lập trình trong đầu một lối tư duy thất bại. Đó là lối tư duy "hầm bà lằng", "tất tần tật", "gì cũng làm", "chỗ nào cũng lăn xả” với niềm tin sẽ đổi đời nếu chịu cực, chịu cày...

Tôi cho rằng kiểu lập trình tư duy này hết sức nguy hiểm. Nó biến người khởi nghiệp thành robot đa năng hơn là dạy cho họ thành một doanh nhân khôn ngoan, một nhà quản lý chuyên nghiệp, dù lớn hay nhỏ.

Khi khởi nghiệp, chắc chắn bạn phải có ý tưởng. Song song với ý tưởng là thế mạnh nào đó (ví dụ bạn giỏi kỹ thuật, công nghệ thông tin; bạn có tay nghề sản xuất, hay năng khiếu giao tiếp), và cả những điểm yếu. Khởi nghiệp, bạn không nên lao vào làm hết mọi việc, kể cả những việc không phải sở trường của mình, mà hãy dành những việc đó cho người có sở trường.

Ví dụ, bạn không giỏi bán hàng, hay không biết bán hàng, thì đừng ôm hàng đi bán, mà phải tìm người giỏi bán hàng về để giúp bạn. Nếu bạn không đủ sức khỏe để bốc vác thì đừng lao vào bốc vác để rồi kiệt sức, có khi gãy cả xương. Nếu bạn không biết gì về sản xuất mà cứ tự mày mò sản xuất thì chỉ làm hỏng sản phẩm tâm huyết. Tất nhiên bạn sẽ phải làm choàng một số việc bên cạnh việc thuộc sở trường của mình, nhưng nếu ôm đồm hết mọi việc thì xác suất thất bại sẽ là 95%, và 5% còn lại chỉ là may mắn.

Có thể bạn sẽ hỏi, tiền đâu mà thuê người? Xin thưa, muốn khởi nghiệp, bạn buộc phải chuẩn bị một khoản tiền nhất định (có thể bằng cách huy động từ người thân, vay mượn bạn bè, hay kêu gọi hợp tác, góp vốn...), chứ không thể kỳ vọng vào chuyện "tay không bắt giặc".

Nếu không thuê được ai vì không có tiền, bạn có thể mời người muốn thuê về tham gia cổ đông, hoặc hợp tác ăn chia theo cách hai bên cùng có lợi. Tóm lại, có nhiều cách, bạn có thể vận dụng, nhưng đừng vận dụng một cách máy móc theo lời khuyên của các chuyên gia khởi nghiệp hay một số người thành công nhờ may mắn.

Khởi nghiệp không phải cứ "lăn xả”, "cày cuốc", hay "kiên cường, bất chấp" là sẽ thắng. Người khởi nghiệp phải tỉnh táo, cân nhắc, tính toán để phát huy thế mạnh của mình và mời gọi những người có thế mạnh khác với mình để cùng hợp tác, phân chia công việc, chứ không nên "ôm" hết mọi thứ để tiết kiệm, hay để "chắc ăn" là không phải chia sẻ cho ai "miếng bánh" của mình.

Chịu cày, chịu cực là đức tính tốt, nhưng cày đúng chỗ, cực đúng nơi mới là yếu tố giúp người khởi nghiệp thành công. Các chuyên gia đào tạo khởi nghiệp mong muốn các bạn trẻ hiểu rằng khi khởi nghiệp, hãy sẵn sàng lăn xả làm mọi việc, bạn càng hiểu rõ các công việc bạn càng dễ dàng lèo lái doanh nghiệp.

Theo Nguyễn Hữu Long/Doanh nhân Sài gòn