Chàng tiến sĩ Việt tại Pháp với mong ước cống hiến trên mảnh đất xứ Chè
(Dân trí) - Ở tuổi 30, Nguyễn Văn Tuân (sinh năm 1985) đã nhận bằng tiến sĩ ngành Sinh - Lý học tại ĐH Paris 6- trường ĐH top đầu về khoa học tự nhiên tại Pháp. Hiện anh đang là giảng viên thuộc bộ môn Hóa Sinh, Khoa Khoa học cơ bản, trường ĐH Nông Lâm- ĐH Thái Nguyên.
Trở thành tiến sĩ tại Pháp ở tuổi 30
Xuất thân trong một gia đình thuần nông nhưng Nguyễn Văn Tuân, với nỗ lực bản thân, đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để đạt được nhiều thành tích trong học tập và nghiên cứu khoa học.
Năm 2011, chàng trai sinh năm 1985 này lên đường sang Pháp theo học nghiên cứu sinh tại trường ĐH Paris 6 bằng học bổng từ chính phủ Việt Nam. Không ngại ngần đối mặt với những trở ngại ban đầu từ ngoại ngữ đến chuyên môn, với tinh thần "học bằng mọi giá", Tuân lao vào học tập, nghiên cứu hăng say để đạt được những kiến thức khoa học giá trị.
Kết quả, sau 3 năm làm nghiên cứu sinh, với kết quả học tập xuất sắc và nhiều kết quả nghiên cứu tiềm năng, năm 2014, Tuân đã nhận được học bổng từ quỹ nghiên cứu y học của Cộng hòa Pháp trị giá 30.000 euro (khoảng 750 triệu đồng VN) để tiếp tục hoàn thiện các công trình nghiên cứu của mình.
Cũng trong năm đó, Tuân và cộng sự đã trở thành nhóm nghiên cứu duy nhất của nước Pháp tham gia báo cáo trong phiên toàn thể (plenary session) của hội nghị khoa học số 1 về Da liễu tổ chức tại Copenhagen, Đan Mạch (European Society for Dermatological Research) với sự tham gia của hàng trăm nhà khoa học trên toàn châu Âu và thế giới. Trong lần báo cáo này, Tuân đã nhận được giải thưởng dành cho báo cáo viên trẻ xuất sắc.
Niềm vui được chia sẻ bên gia đình của TS Nguyễn Văn Tuân.
Tháng 9/2015, với nhiều kết quả nghiên cứu có giá trị thực tiễn, Tuân đã bảo vệ thành công luận án về nghiên cứu cơ chế sinh học và giải pháp chữa trị vết thương và trở thành tân tiến sĩ của trường ĐH danh giá Pierre and Marie Curie (Đại học Paris 6).
Tính đến nay, TS. Nguyễn Văn Tuân và cộng sự đã có các công trình nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí khoa học quốc tế có giá trị. Đặc biệt, trong năm 2015-2016, TS. Tuân đã có 3 công trình nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí số 1 về nghiên cứu da liễu (Journal of Investigative Dermatology, với chỉ số năm 2014 là 7.2).
Với triển vọng ứng dụng cao, công trình của TS. Tuân và cộng sự đã được gửi đi đăng ký bằng sáng chế tại Mỹ. Mới đây, TS. Tuân được tạp chí Journal of Investigative Dermatology lựa chọn là “nhân vật khoa học tiêu biểu của báo” tháng 7/2016. Theo Tuân, đây dịp tốt để Tuân chia sẻ về ý tưởng và nguyện vọng để phát triển nghiên cứu khoa học tại Việt Nam trong tương lai.
Hiện tại, Tuân và cộng sự đang tập trung nghiên cứu theo hướng phát hiện các cơ chế sinh học phân tử gây bệnh trên da và tìm các giải pháp phòng và chữa trị cho các bệnh nhân trên toàn thế giới.
Giảng viên trẻ trường ĐH Nông Lâm - ĐH Thái Nguyên được chọn là Nhân vật khoa học tháng 7/2016 của Journal of Investigative Dermatology.
…Và luôn hướng về trường ĐH nơi xứ Chè
Mặc dù đang tiếp tục nghiên cứu sau tiến sĩ tại Cộng hòa Pháp, Tuân vẫn luôn trăn trở, tâm huyết với sự phát triển của Khoa Khoa học cơ bản, trường ĐH Nông Lâm- ĐH Thái Nguyên - nơi khởi đầu sự nghiệp giảng viên và đã tạo điều kiện cho anh công tác và trưởng thành.
Bài báo gần đây “Re-epithelialization of Pathological Cutaneous Wounds Is Improved by Local Mineralocorticoid Receptor Antagonism” mà Nguyễn Văn Tuân là tác giả đầu tiên với địa chỉ “Department of Basic Science, Thai Nguyen University of Agriculture and Forestry, Thainguyen, Vietnam” trên tạp chí Journal of Investigative Dermatology là một minh chứng về điều đó.
Bên cạnh nghiên cứu, Tuân cũng không ngừng tìm kiếm các đối tác với mong muốn có thể góp phần phát triển các mối quan hệ hợp tác quốc tế về khoa học, giáo dục, tạo cơ hội cho các bạn sinh viên, giảng viên trẻ của Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên được trao đổi kiến thức, kinh nghiệm quốc tế.
TS. Tuân và đồng nghiệp tại một hội nghị khoa học ở Pháp
TS Nguyễn Văn Tuân chia sẻ: “Chắc chắn tôi sẽ trở về Việt Nam để phát triển nghiên cứu theo hướng đã chọn. Đây cũng là cách tôi muốn tri ân các thầy cô, lãnh đạo trường ĐH Nông Lâm Thái Nguyên đã hỗ trợ, động viên tôi suốt thời gian đã qua”.
“Tuy nhiên tôi cần thêm thời gian để học hỏi và hoàn thiện kiến thức và kinh nghiệm trước khi quay về nước. Bởi mục tiêu lâu dài của tôi là sẽ cùng đồng nghiệp thành lập một nhóm nghiên cứu chuyên sâu ngay tại trường ĐH Thái Nguyên, vừa để áp dụng những kiến thức hiện đại quốc tế vào thực tế nước mình, đồng thời có thể giúp các bạn trẻ đam mê nghiên cứu có điều kiện được thực hiện tại chính quê hương mình”, TS Tuân khẳng định.
TS. Tuân (ngoài cùng bên phải) cùng lãnh đạo trường ĐH Nông Lâm thăm và làm việc tại Viện nghiên cứu Nông nghiệp Versailles, Pháp (INRA)
TS. Tuân cùng với lãnh đạo Phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế - Khoa Khoa học cơ bản thăm và làm việc với các đồng nghiệp tại Pháp.
N.T