Chàng SV ngồi xe lăn muốn dạy thể dục cho trẻ khuyết tật
(Dân trí) - Dù không còn đôi chân, anh sinh viên 24 tuổi Doug Forbis ở Mỹ vẫn nung nấu ý định dạy môn Giáo dục thể chất cho trẻ khuyết tật. Với kế hoạch này, anh muốn truyền cảm hứng cho những em nhỏ khuyết tật giống mình.
Hiện nay, anh Doug Forbis đang học năm đầu tiên của chương trình 2 năm tại Trường cao đẳng Converse. Anh dự định sẽ dạy môn Giáo dục thể chất cho những trẻ em khuyết tật và giờ đây anh đang nỗ lực học tập để biến ý định đó trở thành hiện thực.
"Sẽ là một điều rất hiếm nếu trẻ em khuyết tật được dạy bởi một giáo viên khuyết tật, có thể nói rằng điều đó gần như không bao giờ có thể xảy ra”, Forbis tâm sự. "Tôi nghĩ điều này sẽ có ích rất nhiều với các trẻ khuyết tật, các em sẽ nói Nhìn này, thầy Forbis là một giáo viên. Tớ cũng có thể làm được như thầy. Thầy tự mình sinh sống, đi ra phố, tớ cũng có thể làm được điều đó. Nhiều trẻ em không biết đó là một lựa chọn. Các em chỉ dựa vào những gì mà các em hiện đang sống".
Khi Forbis được 2 tuổi, theo chỉ dẫn của bác sĩ, bố mẹ anh đã cho con trai làm phẫu thuật đoạn chi. Khi còn nhỏ, Forbis đã cố gắng dùng chân giả để cho mình giống hơn với mọi người khác. Nhưng rồi anh nhanh chóng từ bỏ chân giả.
"Chân giả rất chán, gây nóng và gây phức tạp hơn giá trị mà chúng mang lại", Forbis giải thích. Thay vì dùng chân giả, anh đi lại bằng tay hoặc dùng chiếc xe lăn bằng titan phù hợp với tình trạng của anh.
Khi cần đi lại nhanh hơn, Forbis lái một chiếc xe tải nhỏ đã được thiết kế lại để phù hợp với cơ thể anh.
Năm 2008, Forbis đã nỗ lực để có mặt trong đội tuyển của Mỹ dự thi Thế vận hội Paralympic dành cho người khuyết tật.
Một điều mà Forbis thường xuyên làm là giúp người khác có thêm hiểu biết. Anh thường xuyên đưa ra lời khuyên cho những người bị khuyết tật giống mình.
Khi lấy được bằng Sư phạm, Forbis sẽ có điều kiện để hỗ trợ nhiều trẻ em xây dựng lòng tự tin và vươn tới thành công. Học sinh của anh sẽ là những đối tượng rất đặc biệt, đó là những em bị khuyết tật và bị rối loạn cảm xúc và hành vi.
Nhưng bản thân Forbis không muốn mọi người coi những gì anh đang làm được là một thành tích hay là một tham vọng.
"Việc mọi người gọi tôi là nguồn cảm hứng cho trẻ khuyết tật khiến tôi rất nổi giận. Tôi chỉ đang làm những gì mà một sinh viên ở độ tuổi 20 phải làm, điều đó thực sự không có gì khác biệt cả”, Forbis khiêm tốn nói.