Chậm công bố SGK tiếng Anh: Tác giả Việt Nam đồng đứng tên có được không?
(Dân trí) - "Nếu việc sửa sang nội dung sách khá nhiều, có thể bổ sung tác giả người Việt Nam đồng đứng tên. Tuy nhiên, sự chỉnh sửa không nhiều, tôi nghĩ việc bổ sung tên tác giả là người Việt Nam vào sách giáo khoa tiếng Anh mới - nhất là Tổng chủ biên, thì không hợp lý”.
Trên đây là ý kiến của GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới, về việc Bộ GD&ĐT chậm công bố sách giáo khoa (SGK) tiếng Anh do thiếu tên tác giả người Việt.
Chậm vì tác giả là người nước ngoài
Ngày 21/11/2019, Bộ GD&ĐT công bố 32 SGK của 8 môn học và hoạt động giáo dục được phê duyệt. Riêng 5 bản mẫu SGK tiếng Anh được Hội đồng thẩm định đánh giá đạt ở vòng 2 nhưng chưa được phê duyệt "do còn những vấn đề pháp lý phải điều chỉnh".
Theo Bộ GD&ĐT, nguyên nhân chưa phê duyệt SGK tiếng Anh do đây là môn tự chọn ở lớp 1.
Tuy nhiên, giải thích về việc chưa công bố SGK tiếng Anh lớp 1 trên đây của Bộ GD&ĐT chưa hợp lý, bởi nguyên nhân của việc chưa công bố SGK tiếng Anh một phần do “vướng mắc về pháp lý”.
Theo một số đơn vị làm SGK, sau khi Hội đồng thẩm định đánh giá “đạt” thì xảy ra vướng mắc về tính pháp lý bởi phần lớn bản thảo SGK tiếng Anh lớp 1 do các tác giả người nước ngoài biên soạn.
Vì vậy, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các NXB bổ sung chủ biên sách là người Việt Nam, dự kiến hoàn thành trong đầu tháng 12 này.
Cũng theo một số đơn vị làm SGK, lý do Bộ GD&ĐT yêu cầu chủ biên SGK là người Việt Nam vì Thông tư 33/ 2017/tt-bgdđt về quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK quy định, người biên soạn SGK phải “có đầy đủ quyền công dân, phẩm chất đạo đức, tư tưởng tốt”.
Được biết, trong số các bản mẫu SGK tiếng Anh gửi đến Hội đồng thẩm định quốc gia vừa qua, chỉ bản mẫu SGK của bộ "Cùng học để phát triển năng lực" - 1 trong 4 bộ SGK của NXB Giáo dục Việt Nam - là có tổng chủ biên người Việt Nam.
Tại hội nghị giới thiệu các bản mẫu SGK đã qua thẩm định của NXB Giáo dục Việt Nam, GS.TS Hoàng Văn Vân - người đứng tên Tổng chủ biên cuốn sách tiếng Anh của NXB Giáo dục Việt Nam đã khẳng định, đội ngũ soạn thảo SGK môn tiếng Anh của đơn vị này bao gồm các tác giả là người Việt Nam và nước ngoài.
Tuy nhiên, bản SGK tiếng Anh này cũng bị dừng công bố giống các bản mẫu SGK của đơn vị khác.
Còn lại, bản mẫu SGK tiếng Anh trong bộ SGK "Chân trời sáng tạo" cũng của NXB Giáo dục Việt Nam lại chính là cuốn "Family and Friends (National Edition), "Student book" của tác giả Naomi Simmons, NXB ĐH Oxford, Anh. Nhóm này đã mua bản quyền sách nước ngoài.
Tương tự, SGK tiếng Anh khác của các bộ SGK đăng ký thẩm định đợt vừa qua cũng vướng việc "không có tổng chủ biên là người Việt Nam" nên chưa được công bố.
Có nên cho tác giả Việt Nam đồng đứng tên?
Được biết, quy định tại Thông tư 33, nếu sử dụng SGK của nước ngoài làm SGK của Việt Nam thì cần có quy định, tiêu chuẩn riêng.
Việc nhập khẩu SGK tiếng Anh không chỉ khác biệt với quy trình biên soạn, thực nghiệm với SGK môn học khác mà còn vướng ở các thủ tục pháp lý khác. Sách nhập khẩu cũng phải cụ thể hóa được nội dung, yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới chứ không thể nhập nguyên bản.
Về yêu cầu các NXB bổ sung chủ biên SGK là người Việt Nam vào các cuốn sách nước ngoài sẽ không đơn giản bởi có nhiều vướng mắc về bản quyền, nội dung…
Trao đổi trên diễn đàn VOV2 về điều này, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới cho hay, thực chất các cuốn sách tiếng Anh này trước khi ra mắt đã được xuất bản tại một NXB ở Việt Nam.
Trước khi công bố, đã có tác giả biên tập, chỉnh sửa trước khi xuất bản sao cho phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới ở Việt Nam.
Do đó, nếu việc sửa sang nội dung sách khá nhiều, có thể bổ sung tác giả người Việt Nam đồng đứng tên.
“Tuy nhiên, nếu sự chỉnh sửa và bổ sung ấy không nhiều, tôi nghĩ việc bổ sung tên tác giả là người Việt Nam vào SGK tiếng Anh mới - nhất là Tổng chủ biên, thì không hợp lý bởi chủ biên rất quan trọng. Người đó phải lập đề cương cuốn sách, viết nhiều nhất và chữa cho các tác giả khác. Nhưng nếu chỉ chỉnh chỗ này, sửa chỗ kia, hoàn toàn chưa phải là chủ biên”, GS Thuyết nói.
Cũng theo GS Thuyết, hiện trong thế giới hội nhập, không đặt ra rào cản về SGK. Một số tác giả tốt, có thể viết SGK cho nước khác.
Tuy nhiên, các tác giả cần chú ý khi biên tập để phù hợp với phông văn hóa người Việt và không trái với đường lối chủ trương của Nhà nước, không được thể hiện quan điểm kì thị chủng tộc.
Cũng tại diễn đàn này, ông Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội cho rằng, chủ trương yêu cầu bổ sung tác giả SGK tiếng Anh phải có người Việt của Bộ GD&ĐT là hoàn toàn đúng bởi trước hết, ta phải tuân thủ yêu cầu một chương trình và nhiều bộ SGK.
Như vậy, không ai ngoài người Việt chúng ta hiểu rõ nhất về điều đó. Thứ hai, về thuần phong mỹ tục Việt Nam, phải phù hợp.
Thứ 3, chỉ có người Việt Nam mới nắm được thực sự trình độ của học sinh chúng ta bởi khi tôi tiếp cận với SGK nước ngoài thấy khá khó, gây áp lực học tập cho học sinh. “Vì thế, tôi ủng hộ chủ trương đó của Bộ GD&ĐT”, ông Hùng nói.
Mỹ Hà