Câu chuyện giáo dục:

Cậu bé lớp 1 cứ hết giờ học, lên xe về nhà là... hoảng loạn

(Dân trí) - Cuối ngày, khi chuẩn bị lên xe đưa đón để về nhà là cậu học trò lớp 1 hoảng loạn, khóc lóc. Cô Phó hiệu trưởng để ý, một vài lần thấy vết bầm trên mặt em.

Cậu học trò mới vào lớp 1, tại một trường tư thục có cơ sở tại Quận Gò Vấp, TPHCM. Cô Hiệu phó bắt đầu chú ý đến em khi hết giờ học, chuẩn bị lên xe đưa đón về nhà là em vùng vằng, khóc lóc, sợ hãi. 

Cô chú ý đến cậu học trò, một lần phát hiện trên mặt em vết thâm bầm. Cô kiểm tra kỹ hơn phát hiện ở chân, tay có rất nhiều vết đánh. Em lí nhí kể, em bị bố tát, đánh bằng roi, thắt lưng...

Cậu bé lớp 1 cứ hết giờ học, lên xe về nhà là... hoảng loạn - 1

Nhiều đứa trẻ nhìn màn hình, giao tiếp với điện thoại nhiều hơn nhìn vào mắt bố mẹ (Ảnh minh họa)

Cô tìm hiểu, được biết bố mẹ em đã ly hôn. Hiện em sống với bố và người mẹ kế. Gia đình rất giàu có, bố mẹ đi làm suốt ngày, chủ yếu giao em cho người giúp việc. 

Ông bố đánh con chủ yếu liên quan đến việc học. Con mới vào lớp 1 mà đọc chữ không trôi chảy, ông bố không cần biết con học hành thế nào mà cứ thế là tát, đánh. 

Ông dặn con, ăn xong, ngồi vào bàn học. Nhưng qua camera, ông thấy con ăn xong lên giường nằm ngủ. Về nhà, ông lôi con dậy đánh. 

 Khi cô Phó hiệu trưởng gọi, ông nói: "Tôi vừa đánh nó đấy!".

Cô thường xuyên gọi điện, nhắn tin cho ông, nói chuyện, động viên, đề nghị ông không dùng bạo lực với con. Đồng thời, cô cũng tranh thủ nói chuyện với cậu học trò nhiều hơn.

Mất một thời gian khá dài, qua quan sát học trò, cô thấy tình hình được cải thiện. Cậu học trò không còn quá nỗi sợ hãi khi trở về nhà nữa. 

Từ trường hợp này, cô để ý hơn và thấy có một vài học sinh như vậy. Thường thì học sinh khi đi học, đến trường là khóc thì sợ trường, sợ lớp, còn nhiều em ngược lại, về nhà là khóc thì sợ cha, sợ mẹ. 

Cô lo ngại bày tỏ, sức khỏe tinh thần học trò hiện nay cực kỳ bất ổn. Trong đó, nguyên nhân phần lớn xuất phát trực tiếp trong gia đình, từ chính bố mẹ. Bố mẹ cãi vã nhau, gia đình ly hôn.

"Đặc biệt, bố mẹ rất ít thời gian cho con, họ không dành thời gian để trò chuyện, chia sẻ, vui chơi cùng con. Nhưng đổi lại, lại rất kỳ vọng, gây áp lực về thành tích học tập lên con, kể cả dùng bạo lực", cô chia sẻ.

Cô kể, nhiều phụ huynh gửi con tại trường đến tận 8 giờ tối. Mọi ăn uống, tắm rửa của con đều diễn ra ở nhà trường, tối về đến nhà chỉ làm bài tập hoặc chơi điện thoại, lên giường ngủ, bố mẹ gần như không giao tiếp với con. 

Nhiều đứa trẻ nhìn vào điện thoại, giao tiếp với điện thoại nhiều hơn nhìn vào mắt bố mẹ, giao tiếp với bố mẹ. 

Chưa kể, nhiều học trò được gửi đi học nội trú từ bé, ngay từ khi bắt đầu học lớp 1, lớp 2. Các con gần như mất kết nối, tương tác, giao tiếp với chính bố mẹ. 

Phía sau một đứa trẻ bất ổn là cha mẹ đang bất ổn. Mọi tâm trạng, cảm xúc, suy nghĩ, tình cảm, hành vi từ bố mẹ sẽ "phản chiếu" rõ nhất qua con trẻ. 

Cậu bé lớp 1 cứ hết giờ học, lên xe về nhà là... hoảng loạn - 2

Điều mọi đứa trẻ cần nhất trong cuộc đời chính là "thụ hưởng" bố mẹ (Ảnh minh họa)

Trong lần chia sẻ về chủ đề giáo dục con, TS. Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường Việt Nam - Phần Lan cho biết, khi trẻ phát sinh hành vi nào đó không phù hợp, cảm xúc tiêu cực thì thay vì tập trung điều chỉnh đứa trẻ, bố mẹ cần phải nhìn lại chính mình, điều chỉnh chính mình. Có thể bố mẹ đang có hành vi, cảm xúc bất an, căng thẳng, gây ảnh hưởng đến trẻ. 

Đặc biệt, các chuyên gia giáo dục cũng nhấn mạnh, điều quan trọng nhất chính là bố mẹ cần phải dành thời gian cho con. Đó phải là thời gian chất lượng để lắng nghe, chia sẻ, đồng hành... 

Phải nhắc lại câu, nhiều đứa trẻ mồ côi bố mẹ ngay khi bố mẹ bên cạnh. 

Hiện nay, không ít phụ huynh ưu tiên thời gian kiếm tiền để con được học trường đắt đỏ, để lại tài sản cho con. Chạy theo mục tiêu đó, họ không kịp nhận ra mình đang gây tổn thương con, đang đánh mất con.

Thứ mọi đứa trẻ cần nhất trong cuộc đời này chính là cha mẹ. Những người cha, người mẹ với năng lượng bình an, tự chủ, hạnh phúc.