Cô giáo dạy Văn và nỗi sợ “mình sẽ bỏ rơi một đứa trẻ tuyệt vọng”
(Dân trí) - Học trò quay lại cảnh bố mẹ đánh nhau, mang clip đến đưa cho cô giáo, khóc nói "Con đến báo cảnh sát nha cô". Cô giáo nghẹn đắng, không biết phải làm thế nào trước tổn thương mà em phải chịu đựng.
Cô Nguyễn Thị N.T., giáo viên dạy Văn tại một trường THPT ở TPHCM, chia sẻ về sự bế tắc của mình trong nhiều vấn đề của học trò tại buổi giao lưu bộ sách giáo dục "Chăm trái tim ấm - Dưỡng trí não con tinh" vừa diễn ra tại TPHCM.
Cô T. kể, từ khi làm mẹ, cô nhận ra, mọi vấn đề của con đều từ bố mẹ, mọi sự thay đổi trước hết phải đến từ chính bố mẹ. Các em học sinh phải chịu nhiều tổn thương không phải do các em, mà đến từ việc gia đình không biết cách nào để "cứu" các em.
Nhiều em phải chứng kiến cảnh bố mẹ đánh nhau, chửi nhau hàng ngày. Đáng sợ hơn, điều này dường như trở thành bình thường, không chỉ một vài em mà rất nhiều học sinh trải qua.
"Có em còn quay clip bố mẹ đánh nhau, đến đưa cho tôi, khóc nói, Con đến báo cảnh sát nha cô. Tôi nhìn thấy sự tổn thương của các em rất khủng khiếp nhưng mình làm sao có thể can thiệp đến bố mẹ các em?", cô T. nghẹn ngào.
Cô T. cũng bày tỏ, bố mẹ rất thương con nhưng nhiều gia đình đã thương con sai cách. Các con không thể phát triển tốt khi bố mẹ luôn áp đặt, cấm đoán, không tin tưởng ở trẻ. Bố mẹ luôn không tin tưởng rằng con mình bước ra ngoài thì an toàn; về nhà trẻ nói gì mẹ gạt phắt đi, biết gì mà nói.
Nhiều em không được bố mẹ lắng nghe, nếu được lắng nghe các em đã không rơi vào những tổn thương như vậy.
"Tôi không phải là chuyên gia tâm lý nhưng tôi luôn cố gắng tìm hiểu thế giới của học sinh. Hầu hết các em, ít nhất là một lần từng nghĩ đến cái chết, có em nghĩ đến nhiều lần", cô T. bày tỏ và cho hay, bản thân rất ám ảnh những trường hợp, bố mẹ đến khi mất con rồi mới hối hận, tỉnh ngộ thì đã muộn.
Cô giáo dạy Văn cũng đề cập đến khó khăn của mình, nhiều khi cô không biết phải làm sao để có thể giúp học trò. Chính bản thân cô cũng hoang mang khi những gì các em được nghe, được học khác với thực tế các em đối diện. Rồi cô lo sợ, lớn lên các em sẽ trở thành con người như thế nào?
"Tôi rất lo lắng, vào một thời điểm nào đó, mình bỏ rơi một đứa trẻ đang rơi vào tuyệt vọng, đường cùng thì mình sẽ áy náy vô cùng", cô nói.
Cô T. cho biết, cô không dám mời phụ huynh đến để trao đổi về vấn đề của con. Mình mới đến, có khi về nhà, gia đình các con càng tan nát thêm, càng tội nghiệp các em hơn. Họp phụ huynh, cô chỉ khen các em nhưng không phải giáo viên nào cũng làm được điều đó.
Cô kể, đã gặp nhiều trường hợp học sinh, sau buổi họp phụ huynh đã đăng trạng thái nói về giáo viên: "Cô hài lòng chưa, cô thỏa mãn chưa? Nhà tôi hôm nay được một trận linh đình là nhờ cô!".
Không thay đổi được người khác nhưng đừng thờ ơ với trẻ
Tại buổi nói chuyện, nhiều nhà giáo dục, giáo viên và phụ huynh đều xúc động trước chia sẻ của cô T. Cô T. đang làm rất tốt trong vai trò của một cô giáo, đó là sự cảm thông, thấu hiểu, chia sẻ nỗi đau cùng mong muốn làm điều gì đó tốt đẹp giúp các em.
Tuy nhiên, trong nỗ lực đó, bà Vũ Thị Thu Hằng, Trưởng Phòng Đào tạo tại một hệ thống trường ngoài công lập cho biết, giáo viên cần xác định đâu là những việc mình có thể làm và đâu là những việc ngoài khả năng.
Đối với vấn đề bố mẹ học sinh, đó không phải là việc của mình, mình không thể can thiệp, mình cũng không thể thay đổi giá trị của họ đối với việc giáo dục con. Những gì mình cần làm là những gì trong khả năng của bản thân.
Chúng ta không thể làm việc hàn gắn hạnh phúc gia đình của họ hay thay đổi họ như mình mong muốn. Việc người thầy có thể làm là hãy cho các em biết rằng, kể cả khi thế giới có quay lưng lại với con, cho dù ba mẹ con có vấn đề gì, hãy tin luôn có cô lắng nghe, giúp đỡ con.
"Tôi biết có rất nhiều giáo viên là bến bờ bình yên của nhiều đứa trẻ khi các em gặp tổn thương. Để ít nhất, có khi muốn "buông", các con vẫn thấy có bàn tay luôn sẵn sàng giơ ra nắm lấy tay mình", bà Hằng nhấn mạnh và cho hay, chúng ta là những nhà giáo, ngồi đây nói chuyện và biết còn rất nhiều đứa trẻ đau khổ, tổn thương thì chúng ta hãy đừng thờ ơ với chúng.
Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính Quốc gia cho hay, trong quá trình tư vấn, nghiên cứu bà thấy rõ, tỷ lệ tự tử ở trẻ mới lớn ngày càng tăng. Bà đã gặp nhiều ca rất đau lòng, trong đó xuất phát từ những xung đột giữa cha mẹ, con cái.
Theo bà Thúy, quyền và trách nhiệm nuôi dạy con là của cha mẹ, không ai có thể thay thế được. Xung đột trong gia đình ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của đứa trẻ. Điều đứa trẻ cần không phải là cha mẹ, ông bà yêu thương, chiều chuộng chúng hết lòng, hay tiền bạc, vật chất, mà chúng cần mọi người trong gia đình yêu thương và tôn trọng nhau.
"Gia đình phải là tổ ấm thật sự để giúp trẻ lớn lên. Tổ ấm này có thể có bố mẹ, sống chung với ông bà hay gia đình đơn thân... Bố mẹ muốn con biết sống yêu thương thì chính mình phải biết yêu thương, trước hết là những người quanh mình", bà Thúy nói.
TS Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường Việt Nam - Phần Lan lưu ý, khi trẻ phát sinh hành vi nào đó không phù hợp, thay vì tập trung vào trẻ thì bố mẹ phải nhìn lại chính mình, thay đổi chính mình. Có thể bố mẹ không có hành vi như vậy, nhưng cảm xúc, sự bất an, căng thẳng của bố mẹ đã ảnh hưởng đến các con. Trẻ chính là người thầy của người lớn, mỗi người hãy nắm lấy cơ hội để "tu thân", uốn nắn mình.
Hoài Nam