Quảng Nam:
Cậu bé 10 tuổi chế tạo đèn từ… vỏ bút bi
(Dân trí) - Nhìn những chiếc vỏ bút bi bị ném đi khi hết mực, em Lê Trung Nguyên, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học số 1 Duy Phước (xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) đã thu gom vỏ bút và chế tạo thành công sản phẩm "Đèn bút trang trí".
Dùng bút bi làm đèn trang trí
Với sản phẩm "Đèn bút trang trí", em Lê Trung Nguyên đã vinh dự giành giải Nhì huyện Duy Xuyên và giải Nhì toàn tỉnh Quảng Nam trong cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng lần thứ VII, năm 2014. Tiếp đó, vào tháng 10 năm nay, sản phẩm của Nguyên tiếp tục nhận giải Khuyến khích cuộc thi cấp Trung ương.
Mô tả về sản phẩm đèn bút độc đáo này, Nguyên cho biết: "Để có sản phẩm như thế này, em phải thực hiện nhiều công đoạn, mỗi công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ. Đầu tiên là tạo mảnh ghép, rồi đến nắp đèn, thân đèn, cuối cùng là lắp thiết bị đèn sáng".
Trong đó, công đoạn khó nhất là tạo mảnh ghép, Nguyên phải dùng hơn 200 vỏ bút bi để thực hiện sản phẩm bằng cách đặt que tre dài 9cm nằm ngang; dặt từng vỏ bút xếp dọc theo thanh tre; dùng dây chỉ buộc cố định vỏ bút vào thanh tre, mỗi mảnh ghép gồm 9 vỏ bút bi. Tương tự cho các phần ghép thân, nắp đèn.
Đèn thiết kế hình lục giác, bên trong sử dụng 2 bóng đèn điện hình hoa sen nhiều màu sắc, lắp vào phần thân đèn và nắp đèn. Sau đó, em bắt dây điện và công tắc cho đèn. Điều đặc biệt là đèn khi phát sáng sẽ chuyển đổi nhiều màu sắc, có đến 7 màu khi đèn sáng.
Về lý do tạo sản phẩm này, Nguyên cho biết: "Tết Trung thu năm ngoái, bố mẹ dẫn em đi chơi phố cổ Hội An. Hôm ấy, trông thấy những chiếc đèn lồng đủ màu sắc, đủ hình dạng treo ở các dãy phố, em rất thích. Thế là trong em nảy nở ước mơ làm chiếc đèn lồng theo ý tưởng của mình".
Khi được hỏi về chọn vật liệu vỏ bút bi, Nguyên nói: "Hàng ngày, cắp sách đến trường, em nhìn thấy các bạn vứt bỏ những vỏ bút bi đã hết mực. Trong khi vỏ bút bi là loại rác thải không thể phân hủy được, em nghĩ mình sẽ làm một sản phẩm nào đó từ phế thải rắn ấy".
Được biết, Nguyên đã nhờ sự giúp đỡ của mẹ - cô giáo Hồ Thị Mai Huyền, hiện dạy tại Trường THCS Kim Đồng (xã Duy Phước huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) vận động học sinh thu gom bút bi hết mực.
Cha em, anh Lê Trung Quyên, là một tài xế lái xe, cũng hỗ trợ em về kết nối thiết bị đèn điện.
Nguyên cũng thật lòng chia sẻ những khó khăn khi thực hiện sản phẩm, em đã phải thất bại ít nhất 4 lần, ban đầu em dùng bút chữ A, nhưng vỏ bút trơn, không thể dán bằng keo 502 được. Sau nhiều lần thử nghiệm, em quyết định sử dụng bút bi vỏ không màu, tiếp tục em đem ngâm vỏ bút với thuốc tẩy để tẩy trắng và thực hiện ý tưởng.
Như vậy, chiếc đèn bút bi này đã được tạo nên từ 18 mảnh ghép với hơn 200 vỏ bút bi.
Vượt khó học giỏi
Sinh ra tại một vùng quê nghèo ở xã Duy Phước (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam), ngay từ nhỏ, cậu bé Nguyên đã bộc lộ khả năng sáng tạo của mình.
Nguyên nhớ lại, năm em học mẫu giáo, khi các bạn cùng lớp tổ chức trò chơi tạo sản phẩm, em cùng với một người bạn làm ngôi nhà bằng bút bi. Em nói: "Ngôi nhà đó có 2 tầng, có cầu thang, còn có người đứng trên cầu thang và cũng được làm bằng bút bi".
Được biết, Nguyên đã phải “chiến đấu” với bệnh tật của mình để cố gắng học tập đạt kết quả cao.
Cậu bé đam mê sáng tạo này suýt phải nghỉ đường học giữa chừng khi vào năm lớp 1, Nguyên đột nhiên đổ bệnh, ba mẹ phải chuyển thẳng ra bệnh viện đa khoa Đà Nẵng, khi phát hiện con trai mình bị ứ nhiệt nước ở thận và phải phẫu thuật.
"Thế giờ còn tái phát không?", tôi hỏi em, Nguyên trả lời:"Đôi lúc vẫn còn, có khi em đang học thì cơn đau đến, em phải xuống trạm y tế gần trường để lấy thuốc giảm đau".
Cô giáo Hồ Thị Như Lê, người trực tiếp hướng dẫn Nguyên, cho biết: "Gia đình khó khăn, thỉnh thoảng bệnh lại tái phát, nhưng em Nguyên luôn kiên trì học tập. Từ năm lớp 1 đến lớp 4, em đều là học sinh giỏi".
Chia sẻ về sản phẩm đèn bút trang trí của cậu bé Nguyên, cô Như Lê nói: "Để thực hiện sản phẩm này, cô trò phải mất đến gần 5 tháng để thu gom, phân loại bút bi. Dựa trên ý tưởng đèn cổ Hội An, Nguyên đưa ý tưởng này đến cho tôi cùng nhà trường. Đây cũng là lần đầu tiên Trường Tiểu học số 1 Duy Phước có một học sinh đoạt giải toàn quốc".
Về những dự tính sắp đến, Nguyên cho biết, em đang ấp ủ một sản phẩm mang tên "Mẹ Thứ" và cũng sẽ thực hiện bằng cách tận dụng các sản phẩm không sử dụng.
Nguyễn Trang