Cậu học trò đam mê sáng tạo sản phẩm từ tre
(Dân trí) - Hồi nhỏ đã được tiếp xúc với các sản phẩm từ tre, lớn lên, Phan Văn Đông đam mê sáng tạo nhiều sản phẩm từ chất liệu mộc mạc này. Sản phẩm thân thuộc nhất với cậu học trò lớp 11, Trường THPT Trần Hưng Đạo, TP Hội An, Quảng Nam) là chiếc xe đạp tre mà cậu hàng ngày đạp đến trường.
Vừa qua, Phan Văn Đông đã giành giải Nhì toàn tỉnh Quảng Nam và giải Ba toàn quốc trong cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng năm 2014 với sản phẩm “Cây cầu có nhịp nâng lên”.
Giành hai giải thưởng với “Cây cầu có nhịp nâng lên”
Điều đặc biệt của sản phẩm “Cây cầu có nhịp nâng lên” chính là được làm hoàn toàn thủ công bằng tre qua đôi bàn tay khéo léo của Đông. Mô hình “Cây cầu có nhịp nâng lên” được thiết kế dựa trên ý tưởng của cây cầu Tower Brigde của Anh, mô hình có chiều dài 1m45, rộng 20cm, cao gần 50cm.
Đông cho biết, vốn sinh ra lại làng dừa nước xã Cẩm Thanh (TP Hội An), ngay từ nhỏ đã tiếp xúc với tre, dừa nước nên Đông đã quyết định làm cầu bằng tre.
Chia sẻ về phương pháp chế tạo mô hình, Đông nói: “Tre Cẩm Thanh có đặc điểm thẳng, dễ làm, lại có độ đàn hồi cao nên thích hợp chọn làm vật liệu chính. Đồng thời áp dụng thêm các nguyên lý động cơ học để giúp chiếc cầu tre có thể nâng lên, hạ xuống thông qua hệ thống ròng rọc”.
Theo đó, các mảnh tre được đẽo thành nhiều mảnh nhỏ, hình chữ nhật ghép lại với nhau bằng keo 502 tạo nên đường dẫn cầu, các dây treo được tạo nên từ các tăm tre dài vót thành sợi.
Nói về phương thức hoạt động, Đông cho biết: “Khi có tàu chạy qua thì nhịp giữa của cây cầu sẽ được nâng lên nhờ hệ thống ròng rọc bên trong một cách từ từ. Tùy theo trọng lượng và độ lớn của cầu mà ta thiết kế hệ thống ròng rọc phù hợp”.
Theo Đông, ưu điểm của mô hình này là giúp cho những con tàu có chiều cao lớn hơn chiều cao cầu có thể lưu thông dễ dàng. Tuy nhiên Đông cũng nhận định rằng: “Thực tế, việc dùng ròng rọc sẽ làm cây cầu mất nhiều thời gian nâng lên, chi phí vận hành lớn và cần phải lắp biển báo chỉ dẫn giúp các phương tiện khác không đi sát mép sông khi cầu hoạt động”.
Đông cho biết: “Trong thời gian đến, mô hình này sẽ tiếp tục được thiết kế riêng biệt hệ thống ròng rọc tự động nhận biết để giúp cho thời gian nâng cầu nhanh hơn và đảm bảo an toàn các phương tiện đi lại”.
Anh Trương Quốc Đại - Bí thư đoàn Trường THPT Trần Hưng Đạo cho biết: “Ba tháng Đông cặm cụi làm, còn về phần báo cáo thì tôi và em chỉ có 1 ngày viết 4 trang giấy gửi đi. Khó nhất là gói sản phẩm, chúng tôi tìm 2 chiếc thùng tủ lạnh ghép lại mới cho được cây cầu vào”.
Sáng tạo nhiều sản phẩm từ tre
Không chỉ làm sản phẩm “Cây cầu có nhịp nâng lên”, Đông còn là chủ nhân sáng tạo của nhiều sản phẩm từ tre.
Đông cho biết, ngay từ khi còn nhỏ, Đông đã được ba dạy cách vót tre, hàng ngày nhìn thấy rất nhiều sản phẩm được ba làm như bàn ghế, cho đến nhà tre.
Cho đến năm lớp 6, Đông quyết định “thử tài” và sản phẩm đầu tiên trình làng là “Nhà ba gian”. Năm lớp 7, cậu học trò tiếp tục làm “Nhà rông” bằng tre và với sản phẩm này Đông may mắn đoạt giải Khuyến khích cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn tỉnh.
Năm lớp 8, cậu cho ra mắt “Nhà chống nhiệt” sử dụng tre là vật liệu làm mát, cách nhiệt, năm lớp 9, cậu thực hiện “Nhà chống lụt”, tuy nhiên sản phẩm này chỉ thực hiện trên mô hình. Đông cho biết: “Cẩm Thanh là vùng ngập lụt, lại gần sông biển, nên việc tạo nhà chống lụt là rất cần thiết”.
Sản phẩm thân thuộc nhất với Đông chính là chiếc xe đạp tre mà cậu vẫn hàng ngày đi học, Đông cho biết: “Để làm chiếc xe đạp này, em mất gần 1 tháng, phải rất kiên nhẫn vót từng khúc tre hình chữ nhật, dán chặt lại vào khung xe đạp đã cũ, sau đó, thiết kế thêm cho xe một giỏ đựng đồ dùng bên cạnh yên xe. Bàn yên được làm bằng gốc tre mài nhẵn”.
Theo đó, để giúp các mảnh tre ghép không bị rơi ra khỏi khung xe, Đông đã dùng dầu bóng quét một lớp nhẹ, làm các thanh tre dính chặt vào nhau, có thể chịu được các kiểu thời tiết khác nhau.
Điều khó nhất khi làm sản phẩm từ tre, Đông cho rằng đó chính là sự kiên nhẫn, mỗi sản phẩm phải thật tỉ mỉ và cần rất nhiều thời gian.
Đông nói, sau giờ học, em thường đến nhà thầy Mười hoặc ở phòng một mình tự làm các mảnh tre, có đôi khi chỉ để làm…cất trong tủ.
Nghệ nhân Võ Tấn Mười ở xã Cẩm Thanh (TP Hội An) cho biết: “Đông là một học trò xuất sắc, cậu nắm khá vững cách làm sản phẩm từ tre. Các sản phẩm của cậu đều mang tính ứng dụng cao, điều mà ngay cả chúng tôi cũng rất khó làm”.
Nguyễn Trang