Cảnh báo văn bản giả mạo, lừa đảo du học Nhật Bản

Mỹ Hà

(Dân trí) - Sáng nay (16/12), Trường đại học FPT phát đi cảnh báo văn bản giả mạo, thông báo chương trình học bổng Chính phủ Nhật Bản.

Theo thông báo này, căn cứ thông báo của Đại sứ quán Nhật bản tại TP Hà Nội về việc Chính phủ Nhật Bản cấp các suất học bổng ngắn hạn. Số lượng ứng viên sơ tuyển: 120 suất gồm, sau đại học (80 suất), đại học (30 suất), cao đẳng (5 suất) và trung học chuyên nghiệp 5 suất.

Đối tượng tuyển: Công dân Việt Nam có phẩm chất chính trị đạo đức tốt; thực sự mong muốn sang Nhật Bản du học; có đủ sức khỏe để học tập tại nước ngoài; không trong thời gian thi hành kỷ luật hoặc trong thời gian cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý kỷ luật.

Cũng theo thông báo này, chương trình học bổng Chính phủ Nhật Bản đài thọ 100% vé máy bay quốc tế khứ hồi, học phí, chi phí suốt thời gian học.

Cảnh báo văn bản giả mạo, lừa đảo du học Nhật Bản - 1

Thông báo giả mạo du học để lừa đảo (Ảnh: Tr. Tùng).

"Để tham gia chương trình, nhà trường yêu cầu các học sinh phải chứng minh khả năng tài chính, cụ thể cần có số tiền 120 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng để lấy biên bản sao kê nộp cho nhà trường", thông báo này ghi rõ.

Theo TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch hội đồng trường, Trường đại học FPT, thông báo trên hoàn toàn giả mạo. Đối tượng giả mạo văn bản đưa Trường Đại học FPT về… Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Cũng theo TS Lê Trường Tùng, thời gian qua, nhiều thông tin lừa đảo liên quan đến môi giới du học, tuyển dụng, tuyển sinh gắn với tên của các đơn vị.

Đối với các cơ sở giáo dục của FPT, ứng viên cần nắm nguyên tắc: Các thông tin chính thống đều phải được công bố trên các cổng thông tin chính thức của nhà trường.

Liên quan đến tài chính, FPT Edu áp dụng triệt để việc không dùng tiền mặt, mọi khoản nộp nếu có đều qua tài khoản đứng tên trường, không đứng tên các cá nhân hoặc các đơn vị khác.

Trước đó, nhiều đối tượng lừa đảo lập tài khoản Facebook giả mạo du học sinh hoặc người đi làm, định cư ở nước ngoài, kết bạn với bạn bè, người thân của họ, sau đó nhắn tin lừa chuyển tiền từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng.

Một số đối tượng không có chức năng tư vấn đi du học nhưng vẫn lập trang web giả, công ty "ma" rồi giới thiệu trên mạng xã hội nhằm lừa đảo tiền của nhiều người.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm