Càng chậm di dời các trường ĐH, giao thông càng tắc

(Dân trí) - Giao thông ở Hà Nội cũng như TPHCM sẽ ngày càng tắc bởi việc chậm di dời các trường ĐH ra khỏi nội đô, trong khi nhu cầu mua nhà ở thành phố cho con học đại học của các gia đình lại ngày càng tăng.

Càng chậm di dời các trường ĐH, giao thông càng tắc  - 1
Giao thông tắc nghẽn có nguyên nhân lớn từ việc tập trung quá nhiều các trường ĐH, CĐ trong nội đô.

Khoảng 1 triệu sinh viên đang học tại Hà Nội và TPHCM

Không khó để nhận ra rằng việc tắc nghẽn giao thông tại các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM là do dân số cơ học tăng nhanh, trong đó có nguyên nhân chính là do quy mô sinh viên (SV) trong các trường ĐH, CĐ trên địa bàn tăng mạnh.

Điển hình như tại Hà Nội, nếu như năm 1976, chỉ có khoảng 150 nghìn SV trong các trường ĐH, CĐ thì đến năm 2011, con số này đã tăng hơn gấp 3 lần. Hay như ở TPHCM, năm 1978 chỉ có khoảng 170 nghìn SV thì đến nay cũng đã lên tới hơn 516 nghìn SV (hơn gấp 3 lần).

Tình trạng này gây sức ép lên hạ tầng xã hội như điện, nước, nhà ở, đường xá… vốn đã quá tải lại càng trầm trọng hơn. Đấy là chưa nói đến các dịch vụ ăn theo các trường ĐH, CĐ cũng làm tăng dân số ở các khu vực này.

Theo thống kê mới nhất của Bộ GD-ĐT, hiện chưa đến 20% lượng SV toàn quốc được đáp ứng nhà ở ký túc xá cho SV, mà chủ yếu là tập trung ở các thành phố lớn.

Cụ thể, trong 885 ngàn SV thuộc 196 trường ĐH, CĐ công lập trên toàn quốc mới chỉ có 158 ngàn SV được đáp ứng chỗ ở. Chính vì vậy, phần lớn các SV buộc phải ra ngoài thuê nhà trọ.

Điều này không chỉ gây sức ép về nhà ở trong các thành phố mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới giao thông đô thị do việc đi lại hàng ngày của cả triệu SV trên địa bàn hai thành phố Hà Nội, TPHCM.

Chậm gỡ khó - càng ngày càng tắc

Theo chỉ đạo mà Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đưa ra trong buổi họp trực tuyến đầu tháng 6 năm 2011 với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành trong cả nước về “Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ, dạy nghề và Đề án xây dựng di dời các trường ĐH, CĐ vùng Hà Nội và TP.HCM”, khoảng 80 trường ĐH, CĐ trong nội thành Hà Nội và TPHCM sẽ được di dời ra ngoại thành.

Càng chậm di dời các trường ĐH, giao thông càng tắc  - 2
Giai đoạn 2011-2015 mới chỉ có 5 trường thí điểm di dời tại mỗi thành phố Hà Nội và TPHCM. (Ảnh minh họa)

Trong đó, các trường ĐH, CĐ đang nằm trong nội thành thuộc diện di dời ra ngoại thành gồm: trường không đủ chỉ tiêu đất trên 25m2/SV hoặc diện tích đất khuôn viên hiện có dưới 2 hecta; trong trường không đảm bảo hạ tầng cho các công trình về thể chất theo quy chuẩn và hạ tầng bên ngoài trường không đảm bảo, hoặc gây ảnh hưởng đến sự quá tải của hạ tầng đô thị;…

Tháng 6 năm nay, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, lộ trình di dời các trường ĐH, CĐ sẽ được thực hiện theo 3 giai đoạn từ nay cho đến năm 2030. Trong đó, giai đoạn 1 (2011 - 2015), mỗi thành phố sẽ di dời 5 trường thí điểm; giai đoạn 2 (2015 - 2020), mỗi thành phố di dời 10 - 15 trường; giai đoạn 3 (2020 - 2030), các trường còn lại sẽ được di dời hết ra ngoại thành.

Thực tế, không phải bây giờ việc di dời các trường ĐH, CĐ ra khỏi nội đô mới được nhắc đến. Vấn đề là bao giờ thì điều này mới trở thành hiện thực. Dự án xây dựng Đại học quốc gia Láng - Hòa Lạc là một minh chứng điển hình cho thấy sự chậm trễ của việc này.

Còn đối với các trường ĐH nằm trong “tầm ngắm” phải di dời thì theo họ, thiếu quỹ đất sạch và kinh phí trầm trọng đang là trở ngại lớn cho việc thực hiện nhiệm vụ này.

Trong khi đó, một thông tin đáng chú ý khác là thống kê đơn đăng ký mua nhà tại “ngày hội mua nhà giá gốc” đang diễn ra tại Hà Nội thì có một tỷ lệ lớn là những người đang sinh sống tại các tỉnh lẻ có nhu cầu mua nhà cho con học đại học ở thủ đô. Bởi họ tin rằng, việc di dời các trường ĐH, CĐ tại thủ đô vẫn còn là câu chuyện quá xa vời.

Chính bởi vậy, nhiều chuyên gia khẳng định, nếu những khó khăn trên không khẩn trương tháo gỡ thì việc di dời các trường ĐH, CĐ sẽ ngày càng nan giải kéo theo hạ tầng giao thông cũng sẽ không bao giờ được cải thiện - một thực trạng đã trở thành vấn nạn xã hội trong suốt nhiều năm qua.

Lan Hương