Cần một cuộc “cách mạng” cho SGK Lịch sử
(Dân trí) -Cần làm rõ vị thế của môn Lịch sử trước khi bàn đến chuyện cải cách môn học. Nếu không coi Lịch sử là môn học cơ bản, bắt buộc thì dù có đổi mới chương trình và SGK như thế nào thì rất khó để khắc phục học sinh “chán” học môn Lịch sử.
Đó là phần lớn những ý kiến tại hội thảo về sách giáo khoa lịch sử ở trường phổ thông diễn ra sáng nay (10/5) tại Hà Nội do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) đứng ra tổ chức.
GS Phan Huy Lê: "Cần phải làm rõ vị thế của môn Lịch sử trước khi bàn đến chuyện cải cách môn học".
Phần lớn các thảo luận sáng nay đều tập trung giải mã các vấn đề như quan niệm về SGK; Phân bổ môn Lịch sử theo các cấp học của hệ thống giáo dục phổ thông; Cấu trúc SGK Lịch sử; Bố cục và trình bày SGK; Tổ chức biên soạn SGK.
Lịch sử: Môn học coi bị coi thường nhất!
Minh chứng cho nhận định “chua xót” này, GS Phan Huy Lê nhắc lại câu chuyện “xé” đề cương môn Lịch sử của học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền (TPHCM).
Đồng cảm với với GS Lê, PGS.TS Đỗ Bang - Phó Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam phân tích thêm: “Sự kiện “vỡ bờ” này tuy không phản ánh đích thực về tình hình học sinh học môn Lịch sử trên cả nước và không thể gọi là đại diện cho tập thể học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Hiền, nhưng đã gây “sốc” cho xã hội, làm đau đớn các thầy cô giáo vốn tâm huyết với môn Lịch sử trên cả nước và làm đồng nghiệp ở nước ngoài hết sức ngỡ ngàng”.
Ví von một cách khá “hài hước”, PGS.TS Nghiêm Đình Vì chia sẻ: “Chẳng biết Bộ GD-ĐT bốc thăm như thế nào mà 5 năm trở lại đây đều có môn Địa còn môn Lịch sử thì lại hay bị “trượt”. Nếu như Lịch sử được thi tốt nghiệp như môn Địa thì SGK Lịch sử cũng làm học sinh ít chán hơn”.
PGS Vì cho biết, cấu trúc SGK của các nước được thiết kế đa dạng, phân môn hoặc có sự tích hợp liên môn. Nhiều nước đã và đang sử dụng cùng lúc nhiều bộ SGK phổ thông khác nhau do nhóm tác giả biên soạn và do nhiều NXB tổ chức biên soạn và xuất bản. Số lượng sách của mỗi bộ SGK của từng nước cũng rất khác nhau. Điều quan trọng là SGK của họ rất đẹp, nhiều tranh ảnh, nhiều màu sắc hấp dẫn…
Trong khi đó ở Việt Nam, chỉ dùng duy nhất một bộ SGK. Đối với môn lịch sử phổ thông hiện hành gần như tóm tắt sách sử của người lớn để cho học sinh học; chương trình chưa đồng tâm của môn Lịch sử chưa sâu, chưa thực sự nâng cao về nhận thức, trình độ HS mà lên THPT các em lại phải học lại những nội dung đã học ở THCS. Mặc dù có phần chuẩn kiến thức, kỹ năng nhưng vẫn chưa thể hiện được rõ các mức độ cần đạt.
Kênh hình, tư liệu lịch sử còn rất khiêm tốn, các trình bày kênh hình và kênh chữ đôi khi chưa bám quyện vào nhau, nhiều kênh hình chưa thay được cho kênh chữ, đôi khi còn mang tính chất minh họa…
“Nếu như ở SGK môn Địa dùng đến 7 kênh màu để minh họa cho hình ảnh thì ở môn Lịch sử chỉ dùng có hai kênh đen và trắng. Qua đây cho thấy sự “bất công” đối với môn Lịch sử” - PGS Vì nhấn mạnh.
Đổi mới phải gắn liền với cải cách
Theo GS.TS Đỗ Thanh Bình - khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, muốn thay đổi chất lượng dạy - học môn lịch sử ở phổ thông hiện nay, cần phải có một biện pháp đồng bộ mang tính cách mạng, trong đó có SGK. Phải có một bộ SGK lịch sử tốt cả về nội dung và cách thể hiện đáp ứng với kì vọng đổi mới giáo dục hiện nay, cho dù SGK chỉ là một khâu của quá trình dạy học.
Thầy Trần Trung Hiếu chia sẻ về bất cập của bộ môn Lịch sử.
Liên quan đến việc biên soạn SGK mới, thầy Hiếu chia sẻ: “Giáo viên là người trực tiếp triển khai chương trình chính vì thế khi viết sách nên có giáo viên tham gia biên soạn và thẩm định SGK. Bên cạnh đó, SGK mới cần đề cập đến những con số thiệt hại của quân ta (sách hiện hành chỉ chủ yếu đề cập đến thiệt hại của quân địch - PV) để cho học sinh thấy giá trị của việc giành độc lập tự do”.
“Dù chúng ta thay đổi chương trình, SGK thế nào đi nữa nhưng nếu bộ môn Sử được đánh giá là môn phụ, bị đánh giá thấp thì chắc chắn không thể làm thay đổi được những bất cập hiện nay” - thầy Hiếu nhấn mạnh.
Dưới góc độ khác, TS Tưởng Phi Ngọ - khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho rằng, để xây dựng chương trình và SGK mới được thành công thì Bộ cần tiến hành cuộc đổi mới căn bản và toàn diện chương trình giáo dục phổ thông, trong đó chương trình THPT, rồi đến chương trình học của từng bộ môn trong đó có môn Lịch sử. Bên cạnh đó, xuất phát từ thực tiễn giáo dục nước ta, đồng thời tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, nên dành cho môn Lịch sử vị trí quan trọng và quỹ thời gian xứng đáng, đồng thời trở thành một môn thi cố định trong kì thi tốt nghiệp hàng năm ở THPT.
Sau khi lắng nghe các ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo, GS Phan Huy Lê mổ xẻ thêm: “Với cách ra đề thi lịch sử ở kì thi tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ như hiện nay thì chỉ khuyến khích cho học sinh học thuộc lòng. Dạng câu hỏi để cho học sinh tư duy và suy nghĩ là không khó”.
Cũng theo GS Lê, một trong những vấn đề cần phải cấp bách đưa vào SGK Lịch sử hiện nay đó là vấn đề biển Đông, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Tuy nhiên, sau nhiều lần Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam kiến nghị thì Bộ GD-ĐT vẫn chưa có ý kiến chính thức về việc này.
Các chuyên gia tham dự hội thảo cũng đồng ý với việc tới gian tới sẽ thử viết lại một số bài học theo quan điểm mới để thử nghiệm dạy thử. Qua đó đánh giá tính hiệu quả cũng như đưa ra sự điều chỉnh cần thiết.
Chốt lại các vấn đề, GS Phan Huy Lê nhấn mạnh: “Hội sẽ tổng hợp các ý kiến đề xuất sau đó sẽ có văn bản chính thức gửi Bộ GD-ĐT và các cấp cao hơn. Thời gian tới sẽ tiếp tục có những cuộc hội thảo mở rộng hơn để tiếp thu thêm các ý kiến đóng góp”.
S.H