GS. NGND Phan Huy Lê:

Sử phải được coi là môn học cơ bản

(Dân trí)-Trong GD phổ thông, Sử phải được coi là môn cơ bản, bắt buộc. Chức năng môn Sử không phải chỉ trang bị một số kiến thức lịch sử cần thiết mà cơ bản hơn là bồi dưỡng tinh thần yêu mến lịch sử dân tộc, trân trọng giá trị lịch sử...-GS.NGND Phan Huy Lê nhận định.

Giáo sư, nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê
Giáo sư, nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê.
 
Nhận xét về câu chuyện học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11, TPHCM) xé tài liệu ôn tập môn Sử gây xôn xao dư luận vừa qua, GS Phan Huy Lê - vị giáo sư hàng đầu của ngành sử học Việt Nam cho hay: “Qua hiện tượng này, điều tôi quan tâm là môn Sử chưa được đặt đúng vị thế của nó trong nền giáo dục phổ thông và chế độ thi cử nặng nề đã tác động đến động cơ học tập của học sinh theo chiều hướng tiêu cực. Nhắc lại chuyện này, tôi càng quý mến và đánh giá cao số học sinh THPT tham gia kỳ thi quốc gia môn Sử và nhất là các em đoạt giải. Đó là chứng cứ cho thấy không phải tất cả học sinh đều ghét bỏ môn Sử và nếu dạy tốt, học tốt, môn sử có đầy đủ khả năng tạo nên sự hứng thú trong học sinh và hoàn thành chức năng của nó trong nhiệm vụ giáo dục thế hệ trẻ”.
 
Theo GS Phan Huy Lê, trong tình hình chung, giáo dục môn Lịch sử trong các trường phổ thông chưa được cải cách và phần lớn học sinh vẫn chưa tìm thấy hứng thú trong học sử thì những học sinh tự nguyện thi môn Sử và đạt kết quả cao rất đáng biểu dương. Đó là nỗ lực lớn của các em. Đó cũng là sự quan tâm của một số thầy cô giáo đầy tâm huyết trong cải tiến phương pháp giảng dạy, tìm tòi mọi cách để dẫn dắt học sinh đi vào thế giới sử học một cách hấp dẫn, khơi dậy tinh thần học Sử một cách chủ động, thông minh. Kết quả trên cho thấy, học sinh không thích môn Sử, thậm chí chán môn Sử, hoàn toàn không phải do học sinh, không phải do bản thân môn Sử hay nói cách khác là nội dung lịch sử mà là do sách giáo khoa và phương pháp dạy Sử hiện nay”.
 
Nhiều trường đại học chưa hấp dẫn học sinh giỏi Sử
 
Theo thống kê chưa đầy đủ của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam ở một số trường đại học, trong số 211 học sinh đoạt giải môn Lịch sử kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia năm 2012 được miễn thi và được tuyển thẳng vào các khoa có môn Sử (khối C), thì vào khoa Lịch sử ĐH Sư phạm Hà Nội có 9 học sinh, ĐH Sư phạm Đà Nẵng có 3, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TPHCM có 1, tổng cộng 13, tỷ lệ chưa đến 1%.
 
Qua thống kê trên, GS Phan Huy Lê cho rằng, ông cảm thấy buồn vì ngay các trường đại học cũng chưa tạo nên sự hấp dẫn, sự lựa chọn của học sinh giỏi môn Sử các trường phổ thông.

Nhận định về tầm quan trọng của môn Lịch sử ở bậc phổ thông, GS Phan Huy Lê cho biết: “Xét trong toàn bộ hệ thống giáo dục thì cần phân biệt rạch ròi giữa yêu cầu giáo dục môn Sử phổ thông với việc đào tạo chuyên ngành Lịch sử bậc đại học. Trong giáo dục phổ thông, như kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới, môn Sử phải được coi là môn cơ bản, bắt buộc. Chức năng của môn Sử không phải chỉ trang bị một số kiến thức lịch sử cần thiết, chọn lọc mà cơ bản hơn là bồi dưỡng tinh thần yêu mến lịch sử dân tộc, trân trọng các giá trị lịch sử và văn minh nhân loại, rèn luyện tư duy sử học, giáo dục các truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tức bồi dưỡng năng lực và phẩm chất con người. Sau bậc phổ thông, hầu hết học sinh sẽ đi vào các ngành nghề rất khác nhau và hầu như không được tiếp tục học sử. Vì vậy, kết quả giáo dục phổ thông cho thế hệ trẻ là bộ phận tạo thành hành trang đi theo mọi người trong suốt cả cuộc đời”.

Tuy nhiên, GS Phan Huy Lê cho rằng, số học sinh đoạt giải kỳ thi quốc gia môn Sử phản ánh tình hình và hiệu quả học tập môn Sử bậc phổ thông. Trong số này, nhiều em sẽ chọn nhiều ngành nghề phù hợp và số đi vào ngành Sử chỉ là một bộ phận rất nhỏ. Đó là chuyện bình thường, hơn nữa trong yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển đất nước hiện nay.

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm