Cận cảnh chen chúc khổ sở tại trường "nức tiếng" đông học sinh

(Dân trí) - Trước giờ vào học chính thức 15 phút, theo tiếng loa báo hiệu, học sinh xếp hàng ở sân trường rồi rồng rắn nối nuôi nhau vào lớp. Ngày vài cữ như vậy, mỗi lần lên xuống, cô trò đều phải xếp hàng do số lượng học sinh quá đông.

Khang trang mà vẫn khổ

Chúng tôi đến Trường tiểu học An Hội (Q. Gò Vấp, TPHCM) - ngôi trường tiểu học "nức tiếng" về số lượng học sinh - đúng giờ ra chơi. Hàng ngàn học sinh (HS) vui chơi kín sân trường, ở mọi ngóc ngách, hàng lang.

Ngôi trường với nhiều dãy nhà khang trang, sạch sẽ, cây xanh đầy lý tưởng nhưng lại quá bức bí do khi số HS của trường đông khủng khiếp. Kéo theo đó, việc sinh hoạt, vui chơi, dạy học của thầy trò đều bị ảnh hưởng.

Học sinh Trường tiểu học An Hội trong giờ ra chơi. 
Học sinh Trường tiểu học An Hội trong giờ ra chơi. 

Giờ chơi hôm nay của các em phải “cắt” hơn 15 phút để tập trung theo hiệu lệnh, chuẩn bị các thao tác như xếp hàng, đứng chờ đến lượt nối đuôi nhau vào lớp. Ngôi trường1 trệt 3 tầng, để các em vào được lớp là cả hành trình. Nhất là những ngày đầu năm, học trò chưa vào nề nếp.
 

Năm học 2009 - 2010, Trường Tiểu học An Hội (quận Gò Vấp, TPHCM) đạt kỷ lục 103 lớp với hơn 5.000 học sinh. Với con số này, trường dẫn đầu cả nước về số học sinh trong trường, được mệnh danh là "trường tiểu học đông học sinh nhất nước". Năm học 2012 - 2013, Trường tiểu học An Hội có 94 lớp với 4.400 học sinh và vẫn được xem là trường tiểu học đông học sinh nhất nước.

Tại lớp 1/8, bàn học xếp dày đặc từ trên đến cuối lớp. 48 học trò len lỏi giữa lối đi nhỏ hẹp là khoảng cách giữa các bàn để vào chỗ. Tại ngôi trường này, sĩ số 45 - 48 HS/lớp được xem là lớp ít HS vì nhiều lớp đều trên 50 em, thậm chí có lớp lên đến… 55 HS/lớp.

Cô Phương Lan - giáo viên chủ nhiệm lớp 4/1, có 51 HS, cho biết: “Lớp đông, việc tổ chức dạy học hay các hoạt động hiển nhiên phức tạp hơn nhiều”.

Trong giờ dạy, cũng như nhiều giáo viên ở các lớp khác, cô Lan liên tục nhắc nhở HS giữ yên tĩnh. Cũng có thể mới đầu năm học học nên các em cũng còn nhộn nhạo. Trong lớp thật khó để nhìn thấy khoảng trống nhỏ nhoi nào trừ phần bục giảng.

Các em xếp hàng ở sân trường...
Các em xếp hàng ở sân trường...

Rồi ở hành lang để chờ đến lượt vô lớp. 
Rồi ở hành lang để chờ đến lượt vào lớp. 

Chen chúc ở cầu thang để lên các tầng trên
Chen chúc ở cầu thang để lên các tầng trên

Trường đã bố trí lệch giờ tan học cho từng khối lớp để tránh kẹt đường. Vậy nhưng con đường Phạm Văn Chiêu trước cổng vẫn phải “gồng mình” để gánh số lượng HS và phụ huynh khổng lồ. Vậy nên con đường này thường xuyên trong tình trạng kẹt cứng vào đầu và cuối giờ học, còn do trường THCS sát cạnh đó cũng có trên... 3.000 HS.

Trường “khủng” sắp hết khổ

Bà Huỳnh Thị Thủy Ngân - hiệu trưởng nhà trường cho hay tổng số HS của trường năm nay trên 4.400 HS với 94 lớp học, ít hơn năm trước vài chục HS do mùa tuyển sinh đầu cấp năm nay trường được giảm tải, chỉ còn… 22 lớp 1. Thời điểm trước năm 2010 tổng số HS tại trường còn trên 5.000 HS với 103 lớp học do trường nằm ở địa bàn có dân nhập cư đông.

Về hoạt động bán trú, trường phải từ chối nhu cầu của nhiều phụ huynh do chỉ đáp ứng được cho 550 em, chỉ trên 12% tổng số HS.

Bàn học ken kín trong lớp. 
Bàn học ken kín trong lớp. 

Học sinh len lỏi để vào chỗ ngồi
Học sinh len lỏi để vào chỗ ngồi

Bà Ngân chia sẻ, giáo viên ở trường đã quen với công việc dạy học và quản lý học trò đông từ nhiều năm nay, thậm chí biến hạn chế thành lợi thế. Trường lớp đông nên việc tổ chức các phong trào, hoạt động mệt nhưng lại rất sôi nổi, náo nhiệt. Ngoài ra, để mọi hoạt động có khuôn khổ, ổn định thì nhà trường phải lên kế hoạch quản lý chặt chẽ, tập trung nhiều cho việc rèn ý thức cho HS, dạy các em tính tự phục vụ, giữ vệ sinh chung.

Điều bà hiệu trưởng trăn trở là sự thiệt thòi của chính các em HS khi phần lớn các em không được tham gia học hai buổi, nhiều gia đình phải tìm đủ cách cho con học thêm bên ngoài.

“Một điều đáng ngại nữa là phụ huynh của trường đông dân nhập cư, điều kiện gia đình khó khăn. Họ nặng gánh mưu sinh nên cũng không quan tâm đến con cái được nhiều”, bà Ngân cho biết thêm.

Niềm vui lớn nhất với thầy trò nơi đây là sau nhiều năm chờ đợi, sang học kỳ 2 năm nay, khoảng 700 em HS của trường sẽ chuyển về học tại địa điểm Trường THCS Tân Sơn (đang trong giai đoạn hoàn thành).

Một số hình ảnh ở trong những lớp học đông nghịt học trò

Một số hình ảnh ở trong những lớp học đông nghịt học trò

Một số hình ảnh ở trong những lớp học đông nghịt học trò
Một số hình ảnh ở trong những lớp học đông nghịt học trò.
Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm