Đồng Tháp:
Cảm phục hai bậc cao niên hết lòng với công tác khuyến học
(Dân trí) - Cụ Nguyễn Thị Liên 85 tuổi nhưng vẫn tiết kiệm trong chi tiêu, để dành tiền nuôi heo đất, giúp học trò nghèo hơn 5 năm qua. Thầy giáo Nguyễn Văn Mốt đã 77 tuổi nhưng hàng ngày vẫn cùng các thành viên “thổi lửa” nấu ăn, giúp hàng trăm học trò nghèo có bữa trưa no bụng, đủ chất.
Hai tấm lòng thơm thảo ấy như hai hoa sen đẹp ở xứ sen hồng Đồng Tháp trong công tác khuyến học, khuyến tài tại địa phương này.
Kiệm chi tiêu… nuôi heo đất giúp trò nghèo
Chúng tôi biết đến cụ Nguyễn Thị Liên (xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh) nuôi heo đất giúp trò nghèo cách đây 2 năm. Hôm nay tình cờ gặp lại cụ vẫn nụ cười hiền khô và mái tóc bạc phơ. Nhiều người đi trong đoàn gọi vui cụ là bà tiên của học trò nghèo xã Phú Mỹ.
Cụ Liên sống trong căn nhà cấp 4 giản đơn nhưng rất sạch sẽ và gọn gàng. Nhiều người lần đầu đến thăm cụ, nghĩ rằng cụ sống với con cháu. Cụ Liên chia sẻ: Ông bà mình nói “nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”, dù tuổi lớn tuối nhỏ, sống một mình hay nhiều người thì phải cố gắng sống sạch sẽ, vừa giúp “nhà mát”, vừa có lợi cho sức khỏe của mình”.
Ông Trưởng ấp 4 vừa nhắc đến câu chuyện nuôi heo đất giúp học trò nghèo, cụ Liên nói ngay: "Chuyện nhỏ mà có gì đâu ghi chép. Cả xã này bây giờ gần như nhà nào cũng nuôi heo đất giúp học trò nghèo, chứ không riêng mình tôi. Nói thật, phong trào lớn mạnh như hôm nay tôi rất phấn khởi về điều này, vì giúp các cháu không thể một hai người như tôi hay ông trưởng ấp, ông Chủ tịch Hội Khuyến học… mà lo được. Sự thật là cần cả xã hội vào cuộc thì công tác khuyến học, khuyến tài mới đạt hiệu quả cao”.
Theo cụ Liên cho biết, 5 năm qua cụ Liên tự nguyện nuôi hai con heo đất, trong đó một con cụ góp vốn với Chi bộ Đảng bộ ấp 4, tổ chức đám giỗ cho Bác Hồ vào 2/9 hàng năm. Con heo đất còn lại, cụ Liên dành (400.000 - 600.000 đồng) cấp 1 suất học bổng cho một em học sinh nghèo, hiếu học trong xã.
Hỏi thăm về số tiền nuôi heo đất, cụ Liên cho biết: “Những chi tiêu trong ngày, phần nào mình tiết kiệm được thì toàn bộ số tiền đó tôi bỏ vào heo đất. Đến khi mổ heo, số tiền không đủ như dự định thì rút lương bù vào. Hoặc gặp những trường hợp các cháu khó khăn, cần tiền ngay để mua sách vở, đóng tiền gì đó… thì tôi rút lương, không đợi đến ngày mổ heo”.
Ông Bùi Văn Nhỏ - Bí thư Chi bộ Đảng ấp 4 chia sẻ: “Cụ Liên thật sự là một tấm gương cho anh em Đảng viên trong Chi bộ ấp 4 và bà con noi theo. Nhiều năm qua, cụ Liên luôn đi đầu trong các công tác xã hội từ thiện, nhất là công tác khuyến học, khuyến tài… ở địa phương. Cụ thể, ngoài việc cụ nuôi hai con heo đất thì trong các công tác xây cầu đường, xây nhà cho hộ nghèo…, cụ Liên luôn góp phần từ 200.000 - 500.000 đồng”.
Chủ tịch Hội Khuyến học xã Phong Mỹ, ông Đặng Văn Chính cho biết: “Toàn xã hiện nay đã nuôi được 1.500 con heo đất khuyến học. Trong số cả ngàn con heo đất dành cho công tác khuyến học thì bản thân tôi và nhiều đồng chí khác rất cảm phục, quý trọng con heo đất mà cô Liên nuôi để giúp học trò nghèo. Việc làm của cô Liên vừa tiếp sức cho học trò nghèo, vừa tiếp thêm sức cho những người làm công tác khuyến học, khuyến tài như chúng tôi. Nhắc chúng tôi không được trùng bước, tiếp tục là chiếc cầu nối kết các nhà hảo tâm, doanh nghiệp với học trò, sinh viên nghèo”.
Ông giáo già lập bếp ăn khuyến học
Thầy giáo Nguyễn Văn Mốt (sinh năm 1939) hiện là Chủ tịch Hội Cựu giáo chức, Ủy viên thường trực BCH Hội Khuyến học TP Sa Đéc. Nhớ lại ngày đầu lập bếp ăn, thầy Mốt chia sẻ: “Chứng kiến các em ăn mì gói, xôi, bánh mì… thương quá nên tôi về bàn với các đồng nghiệp trong Hội Cựu giáo chức phải lập bếp ăn, giúp học trò nghèo, vì hiện nay nhiều trường học trên đại bàn TP. Sa Đéc tổ chức dạy hai buổi. Từ thực tế này, các thành viên trong Hội đều nhất trí lập bếp ăn. Nếu tính đến nay Bếp ăn Khuyến học đã “đỏ lửa” hơn 5 năm qua, phục vụ cả 1.000 suất ăn miễn phí cho các em học sinh khó khăn trong và ngoài địa bàn TP. Sa Đéc.
Theo thầy Mốt, sau khi có giấy phép hoạt động, đến công đoạn xây dựng cơ sở bếp ăn cũng gặp không ít khó khăn về mặt tài chính, tuy nhiên khi nghe BCH Hội Cựu giáo chức cho biết việc lập bếp ăn khuyến học, giúp học trò nghèo nên các mạnh thường quân, công ty… ai nấy đều nhất trí ủng hộ. Đến 10/2010 bếp ăn Khuyến học của Hội Cựu giáo chức TP. Sa Đéc bắt đầu “đỏ lửa”.
Em Trần Nhật Quyên - lớp 11 Sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Đình Chiểu chia sẻ: “Gia đình em thuộc diện khó khăn, cha mẹ em đi làm thuê, do vậy việc nuôi hai đứa con ăn học đối với cha mẹ em rất vất vả. Tuy nhiên, từ khi có bếp ăn này, mỗi ngày giúp em tiết kiệm được 15.000 đồng, tính ra cả tháng cũng tiết kiệm gần 500.000 đồng. Do vậy, chính nhờ bếp ăn này giảm bớt một phần khó khăn cho em và gia đình. Em tự bảo phải cố gắng học tốt để không phụ lòng cha mẹ và nhất là các giáo viên về hưu, phục vụ tại bếp ăn”.
Năm học 2011 - 2012, bếp ăn phục vụ 212 suất ăn/buổi; Năm học 2012 - 2013 là 240 suất ăn…và đến năm học 2015 - 2016, suất ăn tiếp tục tăng lên hơn 400 phần (trong đó có 192 phần dành cho người cơ nhỡ - PV). Thầy Mốt cho biết, nguyên nhân giảm số lượng không phải do bếp ăn không đủ sức phục vụ cho các em học sinh mà do một số trường học trên địa bàn TP. Sa Đéc sửa chữa phòng lớp nên không tổ chức dạy hai buổi/ngày.
Chia sẻ với PV Dân trí, bà Trần Lan Phương - Chủ tịch Hội Khuyến học TP. Sa Đéc cho biết: “Thời gian qua, chính nhờ bếp ăn khuyến học của Hội Cựu giáo chức TP. Sa Đéc mà thầy Mốt là người khởi xướng đã giúp rất nhiều cho hàng trăm em học sinh khó khăn, xa nhà có buổi cơm trưa ngon lành, đủ chất. Ngoài ra, hàng năm thầy Mốt còn kết hợp với Hội Khuyến học tặng trên 10.000 quyển vở cho các em học sinh nghèo, khó khăn trên địa bàn TP. Sa Đéc. Theo tôi đây là những việc làm hết sức ý nghĩa, nhất là trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng một xã hội học tập theo chỉ đạo của Chính phủ”.
Sau khi bếp ăn hoạt động vào nề nếp, năm 2011, thầy giáo Mốt cùng BCH Hội Cựu giáo chức TP. Sa Đéc tiếp tục hỗ trợ dụng cụ học tập cho các em có hoàn cảnh khó khăn, như: sách, vở, viết… Đặc biệt là mô hình tủ sách giáo khoa khuyến học tại bếp ăn này. Tính đến 10/2014, tủ sách giáo khoa khuyến học Hội đã quyên góp và hỗ trợ được trên 750 bộ sách giáo khoa (từ cấp 1 đến cấp 3), tặng 1.500 quyển tập và 1.200 cây viết cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. đến nay tủ sách có đầy đủ các bộ sách từ cấp 1 đến cấp 3.
Tại bếp ăn, Thầy Mốt cùng các thành viên xây dựng tủ sách khuyến học cho các em học sinh.
Cụ Liên, thầy giáo Mốt có nhiều điểm chung, hai bậc cao niên này từng khoác áo lính, bước ra từ chiến trường… Hòa hình lập hai, mỗi người mỗi việc nhưng tất cả cùng chung một mục đích là chung tay xây dựng quê hương, đất nước văn minh, giàu đẹp. Dù đãi về hưu, cụ Liên, thầy giáo Mốt vẫn chưa cho mình ngơi nghỉ, vẫn nhiệt huyết với công tác khuyến học, khuyến tài tại địa phương.
Nguyễn Hành