Các trường đại học dừng tăng học phí sau chỉ đạo của Chính phủ
(Dân trí) - Ngay sau khi Chính phủ yêu cầu không tăng học phí năm học 2023-2024, một số trường đại học tại TPHCM đã lên phương án giữ nguyên mức thu trong năm học mới.
Không tăng học phí năm học 2023-2024
Ngày 2/8, PGS.TS Nguyễn Xuân Phương - Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM - đã ký thông báo không tăng học phí năm học 2023-2024.
Trường giữ nguyên mức học phí với chương trình đào tạo chuẩn 354.000 đồng/tín chỉ, chương trình chất lượng cao 770.000 đồng/tín chỉ.
Đây là năm thứ tư liên tiếp trường giữ nguyên, không tăng học phí. Trước đó trong đề án tuyển sinh năm 2023, đơn vị này đưa ra học phí dự kiến tăng so với năm học trước. Cụ thể, chương trình đào tạo chuẩn 530.000 đồng/tín chỉ, chương trình chất lượng cao giữ nguyên.
Trường ĐH Công thương TPHCM trước đó cũng dự kiến tăng khoảng 10% học phí nhưng với thông tin này sẽ phải điều chỉnh lại kế hoạch.
Ông Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp - cho biết, học phí giữ nguyên 3 năm liên tiếp khiến trường phải cắt các khoản chi cho giảng viên như thưởng, du lịch.... Trường này cũng dự kiến phải chi thêm gần 20 tỷ đồng một năm khi lương cơ sở tăng, kéo theo phụ cấp tăng.
Lãnh đạo một trường ĐH khác lĩnh vực công nghiệp cũng "nín thở" chờ quyết định bởi mọi kế hoạch đã được tính toán từ sớm.
"Bây giờ đã là tháng 8 rồi nên các trường sẽ gấp rút phải điều chỉnh kế hoạch của mình", vị này chia sẻ.
Quyết định trên được đưa ra sau khi Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 300/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GD&ĐT khẩn trương tiếp thu ý kiến các đại biểu dự họp, thống nhất với các Bộ có liên quan để hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.
Nội dung sửa đổi theo hướng quy định rõ một số điều khoản về việc chưa triển khai, chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và không tăng học phí năm học 2023-2024; trình Chính phủ trước ngày 8/8.
Trường đại học phải hoàn trả hàng chục tỷ đồng thu vượt học phí
Gần đây, Học viện Hàng không Việt Nam bị yêu cầu có kế hoạch hoàn trả hơn 56 tỷ học phí cho học sinh do "thu lố" trong hai năm qua.
Theo kết luận thanh tra của Bộ Giao thông vận tải hồi giữa tháng 7, số này gồm học phí năm học 2021-2022 (5 tỷ đồng) và 2022-2023 (51 tỷ đồng).
Cụ thể, tháng 4/2021, Bộ GD&ĐT đề nghị các bộ, ngành, địa phương giữ ổn định mức thu học phí như năm học trước. Bộ Giao thông vận tải sau đó yêu cầu các đơn vị trực thuộc thực hiện đề nghị nói trên. Tuy nhiên, Học viện Hàng không Việt Nam lại thu tăng khoảng 10%.
Mức thu này cũng vượt trần học phí năm học 2021-2022 theo Nghị định 81 năm 2021 của Chính phủ, nhưng đơn vị trên không điều chỉnh.
Năm học 2022-2023, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM điều chỉnh lại về mức học phí cũ cho năm học 2022-2023. Quyết định của nhà trường được thực hiện theo Nghị quyết 165/NQ-CP của Chính phủ về việc không tăng học phí ở các cơ sở giáo dục, đào tạo công lập.
Sinh viên đã nộp học phí theo mức thu mới sẽ cấn trừ vào khoản học phí học kỳ II hoặc có thể liên hệ trường để nhận lại.
Trường ĐH Luật TPHCM cũng thông báo giữ ổn định mức học phí năm 2022-2023 như năm 2021-2022, dao động từ 18 triệu đồng đến cao nhất là 199,7 triệu đồng/năm. Mức này giảm khá mạnh so với thông báo trước đó của trường.
Điều này tương tự xảy ra với Trường ĐH Tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Y Dược TPHCM, Khoa Y - ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch...