Buổi học đầu tiên của học sinh lớp 1 mới ra sao?
(Dân trí) - "Với tiết học hôm nay, tôi đã thay đổi nhiều về phương pháp dạy học, tổ chức nhiều hoạt động cho học sinh tự khám phá kiến thức, làm quen với bạn, tự tin giao tiếp".
Trên đây là ý kiến của một giáo viên tại Thái Bình, khi đoàn của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ dẫn đầu kiểm tra thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (CT GDPT 2018) mới vào ngày 9/9.
Bài học đầu năm của học sinh lớp 1 mới
Tại trường Tiểu học Đông La (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình), Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã kiểm tra việc chuẩn bị đội ngũ cán bộ, giáo viên; cơ sở vật chất; xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường và dự giờ giáo viên lớp 1 dạy CT GDPT mới.
Sáng 9/9, trong buổi học của lớp 1A, trường Tiểu học Đông La, học sinh được hướng dẫn làm quen với các chữ cái thông qua việc tổ chức nhiều hoạt động giáo dục.
Cô giáo viết lên bảng các chữ cái để học sinh nhận diện, đọc theo. Sau đó cô cho các em chơi trò chơi tìm chữ cái trong tranh; thảo luận theo nhóm để học sinh cùng nhau tìm câu trả lời rồi lên bảng trình bày trước cả lớp và bạn ở dưới nhận xét đúng - sai.
Việc học viết các nét cong trái (Ɔ), cong phải (c), cong kín (o), sau khi được giáo viên cầm tay hướng dẫn viết bảng, các học sinh lại được đứng tạo tư thế giống các nét này.
Lớp có 33 học sinh, tất cả đều hào hứng tham gia sôi nổi các hoạt động giáo viên hướng dẫn.
Phần “giải lao” giữa tiết học, cả lớp được ca hát, hoạt động theo đề xuất.
Lớp học cứ thế diễn ra rất tự nhiên, giáo viên linh hoạt với bài học của mình và hoàn toàn làm chủ được tiết dạy.
“Với tiết học hôm nay, tôi đã thay đổi nhiều về phương pháp dạy học là tổ chức nhiều hoạt động cho học sinh tự khám phá kiến thức, làm quen với bạn và tự tin giao tiếp.
Qua những buổi dạy đầu tiên theo CT GDPT 2018, tôi thấy học sinh rất vui vẻ, thích thú học tập”, cô giáo Đặng Thị Thu Lan nói.
Nữ giáo viên 20 năm kinh nghiệm dạy học và thường xuyên chủ nhiệm lớp 1 này cho biết, để dạy được học sinh chuyển từ việc “học xong biết cái gì” sang “học xong biết làm gì” theo yêu cầu của CT GDPT 2018, bản thân cô và các đồng nghiệp cũng phải thay đổi nhiều điều trong cách dạy học so với trước đây.
“Các hướng dẫn trước đây của Bộ GD&ĐT về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, hướng dẫn triển khai thực hiện phương pháp Bàn tay nặn bột và các phương pháp dạy học tích cực khác, cơ bản đã giúp tôi làm quen với việc dạy học thông qua các hoạt động giáo dục.
Do đó, khi thực hiện CT GDPT 2018, tôi không bị bỡ ngỡ và dễ bắt nhịp đổi mới để đáp ứng yêu cầu của chương trình”, cô Thu Lan cho biết.
Để học sinh được nói nhiều hơn
Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình - Nguyễn Viết Hiển cho biết, để triển khai CT GDPT 2018, tỉnh đã tăng cường đầu tư mạnh về cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy - học.
Từ năm 2018 đến nay, địa phương này đã xây mới và bàn giao đưa vào sử dụng hơn 1.400 phòng học, 145 phòng học bộ môn, 276 công trình phụ trợ.
Có 100% giáo viên dạy lớp 1 năm học 2020-2021 của Thái Bình hoàn thành bồi dưỡng về chương trình và sử dụng sách giáo khoa mới.
Đơn vị này đang tiếp tục các hoạt động bồi dưỡng cho cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, giáo viên theo các yêu cầu và lộ trình Bộ GD&ĐT đã đề ra.
“Chúng tôi đã thành lập các tổ chuyên môn gồm giáo viên cốt cán theo từng môn học để hỗ trợ và tháo gỡ những khó khăn giúp giáo viên đại trà khi triển khai bài dạy.
Các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, tổ chuyên môn cũng sinh hoạt đều đặn hàng tháng và xây dựng chuyên đề dạy học cho học sinh”, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hưng Hà - Đinh Bá Khải nói.
Còn Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thái Thuỵ cho biết, mạng lưới tổ chuyên môn liên trường của huyện Thái Thụy vẫn thường xuyên sinh hoạt, trao đổi chuyên môn và hỗ trợ nhau cùng nâng cao chất lượng giáo dục với mục tiêu thực hiện tốt CT GDPT 2018.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đề nghị, địa phương tiếp tục phát huy và triển khai hiệu quả những hoạt động này, đồng thời nâng cao hơn nữa chất lượng phổ cập giáo dục.
Thứ trưởng dẫn lời của cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu: “Mong thầy cô giáo nói ít đi để học sinh được nói nhiều hơn”, với hàm ý thầy cô nên dành nhiều thời gian cho học sinh suy nghĩ, nghiên cứu bài học và đưa ra ý kiến của bản thân, tự chiếm lĩnh kiến thức.
Ông Nguyễn Hữu Độ cũng cho rằng, đây cũng là điểm mới trong CT GDPT 2018 khi yêu cầu giáo viên tổ chức dạy học thông qua các hoạt động giáo dục để khuyến khích sự chủ động, tích cực, sáng tạo của học trò.
Giáo viên khi đó chỉ là người hỗ trợ, định hướng cho các em tự tìm hiểu, khám phá các bài học.
“Việc triển khai CT GDPT 2018 phải đặc biệt chú ý đổi mới phương pháp tổ chức dạy học và quản trị nhà trường để phát triển được phẩm chất, năng lực cho học sinh.
Với lớp 1 năm nay, là lớp đầu tiên áp dụng chương trình mới, các thầy phải ưu tiên những gì tốt nhất từ đội ngũ nhà giáo đến cơ sở vật chất cho lớp học mở màn sự đổi mới này”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Do CT GDPT 2018 có nhiều đổi mới so với chương trình hiện hành nên trong công tác thanh - kiểm tra, Thứ trưởng lưu ý phải chọn những người hiểu về chương trình mới để có nhận định đúng đắn, tránh dùng tư duy và hiểu biết cũ để làm cản trở những đổi mới, sáng tạo tích cực của giáo viên, cơ sở giáo dục phổ thông.
Các lớp học còn lại của cấp Tiểu học, Thứ trưởng lưu ý 4 yêu cầu cần đổi mới: xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường; đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá; tăng cường chỉ đạo, quản lý hoạt động dạy học, giáo dục.
Đối với các lớp đang học chương trình hiện hành nhưng ngay khi chuyển cấp sẽ áp dụng CT GDPT 2018 (lớp 5 và 9), Bộ GD&ĐT sẽ có kế hoạch chỉ đạo việc bổ trợ cho học sinh để các em để các em không bị bỡ ngỡ khi tiếp cận chương trình mới.