Bộ sách Cánh diều có thực sự mang bài học vào cuộc sống?
(Dân trí) - Với triết lý "Đưa cuộc sống vào bài học, mang bài học vào cuộc sống", bộ sách được các chuyên gia đánh giá đã đi đúng tinh thần đổi mới của Chương trình GDPT 2018.
Chiều 22/2, các đơn vị biên soạn, xuất bản bộ sách giáo khoa Cánh Diều tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Giới thiệu sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10 - Bộ sách Cánh Diều".
Với triết lý "Đưa cuộc sống vào bài học, mang bài học vào cuộc sống", bộ sách được các chuyên gia đánh giá đã đi đúng tinh thần đổi mới của Chương trình GDPT 2018, Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, để hướng tới việc "thực học, thực nghiệp", không còn việc thầy đọc trò chép, hay học rập khuôn, máy móc.
Sẽ khắc phục hiện tượng học sinh chỉ chép lại văn mẫu
Tiếp nối bộ SGK Cánh Diều dành cho lớp 1, lớp 2, lớp 6, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Huế, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TPHCM và Công ty CP Đầu tư xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam đã tiếp tục biên soạn và cho ra mắt bộ SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10 với đầy đủ các môn học trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Bộ sách đã được Hội đồng quốc gia thẩm định thông qua, được Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt, là một trong những bộ sách được đưa vào sử dụng trong nhà trường từ năm học tới.
Chia sẻ về những điểm mới của bộ sách so với SGK hiện hành, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình GDPT 2018; Tổng chủ biên, kiêm chủ biên SGK tiếng Việt lớp 3 - Bộ sách Cánh Diều - cho biết, điểm chung cho tất cả các SGK mới là viết theo hướng không dạy theo lý thuyết nữa, để phù hợp với việc đổi mới chương trình GDPT, hướng đến một nền giáo dục "thực học, thực nghiệp", học đi đôi với hành. Nghĩa là, học sinh học theo SGK mới sẽ không phải ngồi nghe lí thuyết thầy cô giảng nữa mà các em được thực hành, tự đánh giá mình.
"Tôi ví dụ với môn Tiếng Việt của bộ sách Cánh Diều, các bài học có thể trình bày qua hình thức tranh, tình huống giả định, tình huống thực tế nào đó. Mình hướng dẫn học sinh hoạt động để phân tích tình huống đó. Sau đó rút ra bài học. Cuối cùng, chúng tôi mới kết thúc bằng hoạt động sáng tạo giúp học sinh áp dụng. Đấy cũng là cách khơi gợi sự sáng tạo của học sinh. Sau phần sáng tạo có phần bài tập tự đánh giá mình"- GS.TS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ
Còn với môn Ngữ văn, theo chia sẻ của PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, SGK lớp 7 và lớp 10 môn Ngữ văn sẽ thay đổi cách tiếp cận. SGK cũ chạy theo nội dung, theo thể loại, hết dân gian, đến trung đại rồi đến hiện đại, còn SGK mới sẽ tổ chức theo trục kỹ năng, giúp giáo viên và học sinh hình dung được các kỹ năng cần đạt được.
"Sách mới của chúng tôi khắc phục hiện tượng học sinh chỉ chép lại văn mẫu cho thi cử. Theo đó, chúng tôi quán triệt không cung cấp văn mẫu, chỉ cung cấp ví dụ. Ví dụ thế nào là phân tích, thế nào là đánh giá để học sinh biết. Đặc biệt quan trọng thay đổi cách đánh giá thi cử, tư tưởng học hằng ngày nhưng lúc thi phải có văn bản, ngữ liệu mới. Như vậy mới đo được suy nghĩ của các em. Chúng tôi ủng hộ chủ trương của Bộ trưởng Bộ GDĐT đang phát động về việc không sử dụng văn mẫu trong học Văn"- PGS.TS Đỗ Ngọc Thống khẳng định.
Học Toán sẽ không khó như giải mật mã Da Vinci
Với môn Toán, lâu nay không ít học sinh vẫn có tâm lý cho rằng đây là môn học vừa khô, vừa khó. Nhưng theo GS.TSKH Đỗ Đức Thái - Chủ biên chương trình GDPT 2018 môn Toán, Tổng chủ biên SGK Toán - bộ sách Cánh Diều, SGK mới sẽ giúp học sinh hứng thú và thích học môn Toán.
"Có 2 cách viết SGK. Một cách là viết cho giáo viên cầm sách dạy, áp đặt lên đầu học sinh. Học sinh không có cơ hội để tự trải nghiệm, khám phá kiến thức, chưa nhắc đến chuyện phát triển năng lực. Viết như vậy thì dễ. Lối viết thứ 2 là cho học sinh, vì học sinh, bắt đầu từ học sinh, hiểu học sinh để viết cho học sinh để học sinh có cơ hội tự học, tự tạo kiến thức thì mới phát triển năng lực được. Đây là cách rất gian khổ.
Sách Toán Cánh Diều chúng tôi động viên, cố gắng bảo nhau viết theo kiểu 2 đó. Tôi hay nói với các tác giả khác là nếu không làm được thì đừng làm nữa, bỏ đi làm việc khác. SGK cũng phải để giáo viên cầm là có thể dạy được. Nó không thể nào là quyển sách mà giáo viên và tổ chuyên môn ngồi giải mã như mật mã Da Vinci được. Xây dựng giáo án dạy những quyển SGK như thế thì không dùng được"- GS Đỗ Đức Thái nói.
Không chỉ thuận lợi cho việc học, theo GS Thái, SGK lớp 3, lớp 7, lớp 10 môn Toán của Cánh Diều sẽ giúp giáo viên dễ dàng đổi mới phương pháp dạy học. Đặc biệt, bộ sách có kho học liệu điện tử vô cùng phong phú đi kèm sẽ giúp giáo viên giảm nhẹ gánh nặng trong mỗi giờ lên lớp trong việc soạn giáo án, tăng cường tương tác, từ đó nâng cao hiệu quả dạy học.
Cũng chia sẻ tại tọa đàm, PGS.TS Mai Sỹ Tuấn - Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông môn Khoa học tự nhiên 2018 - Tổng Chủ biên SGK Khoa học tự nhiên lớp 7, Tổng chủ biên SGK Sinh học lớp 10 - đã dành thời gian nói về những điểm mới của môn KHTN - một môn học mới ở cấp THCS.
Theo PGS Tuấn, trước đây, các thầy cô dạy Vật Lý, Sinh học, Hóa học riêng rẽ thì bây giờ dạy 1 môn KHTN thôi. Qua thời gian triển khai ở lớp 6, cũng còn có những ý kiến tranh luận, hoặc cũng có kiến cho rằng kiến thức đó chưa chính xác và khó dạy… "Chúng tôi vẫn rất kiên trì giải thích, tập huấn để giáo viên có thể dạy tốt môn học mới này. Với SGK môn KHTN ở lớp 7, các hoạt động học tập sẽ rất sáng tạo và linh hoạt, thể hiện việc lấy học sinh làm trung tâm, tính dân chủ trong giờ học"- PGS.TS Mai Sỹ Tuấn nói thêm.
Giải đáp mọi ý kiến của giáo viên khi dạy thực nghiệm
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 100% SGK của mỗi môn học đều phải tổ chức dạy thực nghiệm để lấy ý kiến giáo viên, từng bước hoàn thiện sách và hạn chế sai sót.
Chia sẻ với quá trình này, các tác giả của bộ SGK lớp 3, lớp 7, lớp 10 của Cánh Diều cho biết, trong quá trình viết sách, việc tổ chức dạy thực hiện được thực hiện thường xuyên, tại nhiều tỉnh thành, vùng miền khác nhau và nhận được nhiều ý kiến đánh giá của giáo viên.
"Ngoài việc tổ chức dạy thực nghiệm, sau khi hội đồng thẩm định phê duyệt, chúng tôi còn đã đưa bản thảo cho các giáo viên, cơ quan giáo dục toàn quốc để góp ý. Qua đó, cũng nhận được sự góp ý của 63 tỉnh thành và rất nhiều thầy cô. Chúng tôi xem xét giải trình từng ý kiến, cái nào sửa thì sửa, cái nào chưa được thì xem xét giải trình. Riêng môn Toán, bản giải trình còn kéo dài cả trăm trang. Những bản giải trình này sẽ làm cho bộ SGK không mắc phải sạn trong quá trình biên soạn"- GS.TSKH Đỗ Đức Thái nhấn mạnh.
Chọn SGK cho năm học mới - cần tôn trọng ý kiến giáo viên
Cũng chia sẻ trong buổi tọa đàm, rất nhiều ý kiến chuyên gia đã bày tỏ quan điểm về việc cần phải tôn trọng ý kiến giáo viên trong việc chọn sách. Theo quy định, sau khi Bộ GDĐT phê duyệt danh mục SGK lớp 3, lớp 7, lớp 10, các địa phương sẽ tiến hành chọn sách. Thay vì các cơ sở giáo dục được chọn SGK theo Nghị quyết 88 thì từ năm 2021, việc triển khai chọn SGK lại theo quy định của Luật Giáo dục, UBND cấp tỉnh sẽ phê duyệt việc chọn sách.
Thông qua hoạt động giám sát, bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cho biết, thời gian qua vẫn có những nơi chọn sách còn máy móc. Tức là chỉ chọn một bộ sách. Theo quan điểm xã hội hóa và khi xác định SGK là tài liệu thì không nên chỉ chọn một bộ mà cần tôn trọng đăng ký từ các cơ sở giáo dục.
Cũng nêu quan điểm về vấn đề này, theo cô giáo Phan Hồng Hạnh - giáo viên Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), việc tôn trọng ý kiến giáo viên trong lựa chọn sách giáo khoa mới là vô cùng quan trọng. Bởi giữa các vùng miền có sự khác nhau về điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện kinh tế, giáo viên là người hiểu rõ. Đặc biệt, giáo viên là người nắm rõ các đặc điểm, năng lực của học sinh; giáo viên là người trực tiếp tiếp cận nội dung, chọn lọc nội dung để truyền tải đến học sinh trong quá trình giảng dạy. Vì vậy, giáo viên chính là kênh tham mưu rất tốt cho cơ sở giáo dục, UBND tỉnh, vì mục tiêu chọn được bộ sách chất lượng nhất cho học sinh.