Bí thư Hà Nội nói về sự cố của bộ sách Cánh Diều lớp 1
(Dân trí) - “Tại kỳ họp, Bộ GDĐT đã thuyết minh giải trình và đã nhận trách nhiệm về vấn đề này. Bộ GDĐT đang rà soát để chỉnh sửa trên tinh thần tiếp thu, cầu thị các ý kiến”, Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ nói.
Chiều ngày 21/11, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ tiếp xúc cử tri quận Hà Đông sau kỳ họp Quốc hội. Phát biểu tại đây, cử tri tập trung đề nghị đại biểu TP Hà Nội làm rõ những vấn đề liên quan đến sự cố sách giáo khoa lớp 1 và tiến độ khai thác thương mại tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Mong Bộ GDĐT và hội đồng thẩm định sách giáo khoa (SGK) chuyên tâm hơn
Là người được mời phát biểu đầu tiên, trước khi cho ý kiến chính thức, cử tri Nguyễn Vân Thanh (phường Văn Quán) giới thiệu bà là người trong ngành giáo dục. Theo bà Thanh, chủ trương một chương trình nhiều bộ sách của ngành giáo dục vừa qua là đúng đắn. Điều này tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh có nhiều lựa chọn trong quá trình học tập.
Tuy nhiên, theo cử tri Vân Thanh, trong năm đầu tiên bộ sách này bộc lộ nhiều thiếu sót, nhất là sách Tiếng Việt lớp 1 thuộc nhóm Cánh Diều có những nội dung không phù hợp, tạo dư luận không tốt trong xã hội suốt thời gian dài.
“Tôi được biết năm học tới, sách lớp 2 và lớp 6 cũng được thay đổi. Cử tri chúng tôi mong Bộ GDĐT cũng như hội đồng chuyên môn làm việc chuyên tâm hơn nữa để tránh những sai sót đáng tiếc như vừa qua” - bà Thanh nói.
Cử tri Nguyễn Vân Thanh cũng dành nhiều thời gian nói về sách tham khảo. Theo bà, những bộ sách này là cần thiết, nhưng hiện nay quá nhiều lại được bán tràn lan nên gây nhiễu loạn, làm các thầy cô và phụ huynh học sinh khó lựa chọn đầu sách phù hợp với học sinh.
“Nhiều đầu sách có nội dung gần giống nhau, thậm chí có cuốn sách sai sót về nội dung. Những người làm trong ngành giáo dục như chúng tôi còn phải đau đầu để lựa chọn được sách tham khảo huống chi là phụ huynh học sinh” - cử tri Nguyễn Vân Thanh nói.
Trả lời cử tri, ông Vương Đình Huệ - Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết: Sách Tiếng Việt lớp 1, đặc biệt là bộ sách Cánh Diều được cử tri và Đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm trong kỳ họp thứ 10 vừa qua. “Tại kỳ họp Bộ GDĐT cũng đã có thuyết minh giải trình và đã nhận trách nhiệm về vấn đề nay. Bộ GDĐT đang rà soát để chỉnh sửa trên tinh thần cầu thị nghiêm túc các ý kiến” - Bí thư Vương Đình Huệ nói.
Về vấn đề giá sách giáo khoa năm nay đắt đỏ hơn, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội trước đây bộ sách lớp 1 có giá hơn 70 nghìn đồng, còn hiện nay vào khoảng 200 nghìn đồng. Bí thư Hà Nội cho biết, Bộ GDĐT thông tin giá sách cao hơn trước vì nhiều trang hơn, giấy in tốt hơn, nhiều màu hơn và công biên soạn được xã hội hóa.
“Những hộ nghèo và bà con ở vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn khi mua bộ sách với giá 200 nghìn đồng. Quốc hội cũng đã thảo luận để làm sao có bộ sách tốt nhưng giá phải hợp lý” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chia sẻ. Với những bộ sách tham khảo cũng cần phải quản chặt hơn - Bí thư Vương Đình Huệ cho biết thêm.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông dự kiến chạy trước tháng 1/2021
Cử tri Bùi Văn Tiến (phường Phú Lãm) cho biết, kể từ ngày khởi công đến nay (năm 2011), tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông nhận được nhiều kỳ vọng của nhân dân trên địa bàn. “Thời điểm đó, nhân dân chúng tôi hi vọng tuyến đường này sớm đi vào hoạt động để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn”, ông Tiến nói.
Tuy nhiên, gần 10 năm trôi qua, đến nay tuyến đường sắt vẫn chưa đưa vào khai thác thương mại. “Cử tri chúng tôi mong Chính phủ, Bộ GTVT và TP Hà Nội sớm đưa dự án vào vận hành thương mại. Chúng tôi kính mong đồng chí Vương Đình Huệ cùng các bộ ngành tháo gỡ những vướng mắc để tuyến đường sắt phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân Thủ đô” - cử tri quận Hà Đông kiến nghị.
Trả lời ý kiến cử tri, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, trước đây TP cùng Bộ GTVT rất mong muốn đưa tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông khai thác thương mại trong tháng 10/2020. Tuy nhiên, do dịch Covid-19, các chuyên gia của Pháp và Trung Quốc không thể sang Việt Nam để hoàn thiện các hạng mục còn lại của dự án.
Theo đó, với các chuyên gia Pháp thì không có đường bay sang Việt Nam. Với các chuyên gia Trung Quốc, các bên liên quan đã tính đến việc để họ di chuyển bằng đường bộ sang Việt Nam, sau đó cách ly theo quy định. Tuy nhiên, kế hoạch này cũng không thực hiện được vì thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, các chuyên gia cũng không thể di chuyển theo kế hoạch.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, đến nay các chuyên gia đã sang Việt Nam để hoàn thiện các hạng mục còn lại của dự án. “Đến thời điểm này, 12/13 chứng nhận để vận hành tuyến đường sắt đã đạt. Chỉ còn chạy thử lần cuối là đưa tuyến đường sắt này vào vận hành thương mại”, ông Vương Đình Huệ nói.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, tất cả các nội dung TP được giao để chuẩn bị tiếp nhận, vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã được thực hiện trọn vẹn. TP Hà Nội cũng mong muốn tuyến đường này sớm đưa vào khai thác thương mại (dự kiến là trước Đại hội Đảng toàn quốc diễn ra trong tháng 1/2021) để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên trục đường từ Hà Đông vào nội thành.