Bộ Nội vụ yêu cầu Hà Tĩnh báo cáo vụ cắt hợp đồng hơn 200 giáo viên
(Dân trí) - Trao đổi với Dân trí chiều 11/9, Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Trần Anh Tuấn cho biết: Bộ đã có văn bản yêu cầu Hà Tĩnh báo cáo việc cắt hợp đồng hơn 200 giáo viên của huyện Kỳ Anh. Dự kiến tuần sau, đoàn công tác của Bộ Nội vụ sẽ làm việc trực tiếp với Hà Tĩnh về vụ việc này.
Liên quan đến vụ việc hơn 200 giáo viên của huyện Kỳ Anh sau nhiều năm công tác bị cắt hợp đồng trước thềm năm học mới, phóng viên báo Dân trí tại Hà Tĩnh đã có loạt bài phản ánh cũng như gặp các đơn vị liên quan.
Theo phản ánh của các giáo viên, vào cuối tháng 5/2015, tất cả các giáo viên hợp đồng trên huyện Kỳ Anh chính thức nhận được thông báo của Hiệu trưởng nhà trường nơi công tác với nội dung: “UBND huyện và phòng giáo dục yêu cầu Hiệu trưởng các trường chấm dứt hợp đồng đối với giáo viên đang hợp đồng tại trường”. Sau đó UBND Huyện lại có thông báo về việc tiếp tục hợp đồng cho đến ngày 30/09/2015.
Đến chiều ngày 25/8/2015, giáo viên hợp đồng lại được triệu tập đến tại hội trường UBND huyện Kỳ Anh và Thị xã Kỳ Anh để nghe UBND huyện đọc thông báo quyết định của UBND tỉnh về việc “Yêu cầu xử lý giáo viên dôi dư, hợp đồng tại huyện Kỳ Anh và Thị xã Kỳ Anh”. Với cuộc họp này thì 214 giáo viên của huyện Kỳ Anh bị chấm dứt hợp đồng sau nhiều năm công tác. Trong số này có giáo viên từng đã hợp đồng đến 12 năm.
“Tôi đã công tác tại đây được 4 năm rồi. Trong thời gian đó, chúng tôi đã luôn nỗ lực, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Giờ huyện chấm dứt hợp đồng cũng không hứa hẹn gì cả. Với bằng sư phạm, chúng tôi rất khó để mà xin một công việc khác” - một giáo viên cho biết.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trần Huy Liệu, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh cho hay, tỉnh Hà Tĩnh chưa bao giờ cho hợp đồng đối với lao động trong khối cơ quan hành chính.
Tuy nhiên, theo tư liệu của phóng viên Dân trí có trong tay thì nhiều năm qua UBND huyện Kỳ Anh lúc đó (bây giờ chia tách thành thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh) vẫn ra Quyết định ký kết hợp đồng giảng dạy có thời hạn đối với hàng loạt giáo viên. Như vậy đây không phải là hợp đồng lao động tuân thủ theo quy định của Luật lao động mà đây gần như là một Quyết định “ký nháy” để trở thành viên chức giáo dục.
Để làm cơ sở pháp lý cho Bộ Nội vụ vào cuộc làm sáng tỏ, báo Dân trí đã cung cấp toàn bộ tài liệu của vụ việc cho lãnh đạo Bộ.
Trước đó, trao đổi với Dân trí trong cuộc họp báo thường kỳ tháng 5/2015, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho rằng: Trường hợp này giống như trường hợp các giáo viên ở huyện Yên Phong (Bắc Ninh). Có thể UBND huyện Kỳ Anh đã được phân cấp cho tổ chức tuyển dụng viên chức nhưng họ không làm mà chỉ ký hợp đồng lao động với các giáo viên. Những giáo viên đã làm việc 5 năm, 10 năm nay bị cắt hợp đồng lao động và nếu tổ chức thi tuyển có thể sẽ không trúng tuyển.
Việc phát hiện ra UBND huyện Kỳ Anh thực hiện sai quy định nên UBND tỉnh yêu cầu Sở Nội vụ ra văn bản chấn chỉnh là điều cần thiết. Trước đây, khi phát hiện ra sai phạm ở vụ việc huyện Yên Phong (Bắc Ninh), Bộ Nội vụ cũng đã có văn bản gửi các địa phương yêu cầu hằng năm phải tuyển dụng viên chức theo quy định của pháp luật chứ không được ký hợp đồng lao động.
Thứ trưởng Tuấn cũng khẳng định: Việc chấm dứt hợp đồng giáo lao động với các giáo viên là điều cần thiết vì đây là biện pháp bảo vệ quyền lợi lâu dài cho họ. Nếu ký hợp đồng lao động thì giáo viên chịu nhiều sức ép, mức lương không đảm bảo theo quy định, cấp trên nói gì thì phải là nghe theo... Khi họ trở thành viên chức (trúng tuyển sau khi thi tuyển) thì quyền lợi sẽ được đảm bảo, được tăng lương theo định kỳ, được hưởng quyền lợi dành cho nhà giáo...
Được biết, ngày 16/5/2014, Bộ Nội vụ cũng đã có văn bản gửi các Bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý công tác tuyển dụng công chức, viên chức. Trong văn bản có nêu: "Theo quy định của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức, việc tuyển dụng công chức, viên chức được thực hiện thông qua phương thức thi tuyển xét tuyển. Đối với các trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức quy định tại Điều 19 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP và xét tuyển đặc cách viên chức quy định tại Điều 14 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP chỉ thực hiện để tuyển dụng những người có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm công tác đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng và do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng công chức, viên chức đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật.
Các Bộ, ngành, địa phương không áp dụng quy định về các trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức, xét tuyển đặc cách đối với viên chức hoặc chỉ ký hợp đồng lao động để thay hoàn toàn cho việc tuyển dụng thông qua phương thức thi tuyển và xét tuyển"
Như vậy, nếu căn cứ văn bản này thì những giáo viên của huyện Kỳ Anh hoàn toàn vẫn có cơ hội trở thành viên chức giáo dục thông qua việc xét tuyển đặc cách (nếu đáp ứng được các tiêu chí, tiêu chuẩn). Đây cũng là giải pháp của huyện Yên Phong năm 2014 khi mà cũng quyết định cắt hợp đồng đối với hàng trăm giáo viên hợp đồng sau khi họ không trúng tuyển sau kì thi tuyển viên chức.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin diễn biến tiếp theo của vụ việc này.
Nguyễn Hùng
(Email hungns@dantri.com.vn)