Hà Tĩnh: Giáo viên, nhân viên bị chấm dứt hợp đồng tiếp tục cầu cứu

(Dân trí) - Ngày 2/10, nhiều giáo viên, nhân viên hợp đồng của thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã tập trung trước cổng UBND tỉnh với mong muốn gặp lãnh đạo tỉnh này để trình bày tâm tư, nguyện vọng trước việc họ chính thức bị chấm dứt hợp đồng lao động.

Trước đó, báo Dân trí đã có loạt bài phản ánh việc trong năm 2105, hơn 200 giáo viên (GV), nhân viên thuộc diện hợp đồng lao động của thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh đã bị chấm dứt hợp đồng và những bất cập liên quan đến vấn đề này.

Tính đến nay, những lao động này đã chính thức nghỉ việc được 2 ngày.


Rất nhiều giáo viên đã đến UBND tỉnh Hà Tĩnh để tiếp tục cầu cứu.

Rất nhiều giáo viên đã đến UBND tỉnh Hà Tĩnh để tiếp tục cầu cứu.

Trước việc làm “đem con bỏ chợ” này, trong ngày hôm qua (2/10), rất nhiều GV, nhân viên hợp đồng này đã đến tập trung trước cổng UBND tỉnh xin được gặp lãnh đạo tỉnh để trình bày tâm tư, nguyện vọng, cũng như được nghe câu trả lời từ phía lãnh đạo tỉnh.

Cô Dương Thị Hải (một GV thuộc diện bị chấm dứt hợp đồng) tâm sự: “Chúng tôi đã chính thức mất việc. Điều mâu thuẫn là hiện nay ở huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh đang thiếu GV rất nhiều. Chúng tôi mong muốn ngày hôm nay sẽ gặp được lãnh đạo tỉnh để trình bày tâm tư, cũng như nói lên thực trạng GV hiện nay”.

“Chúng tôi mong muốn được lãnh đạo tỉnh giải thích một cách thấu đáo. Đồng thời, mong lãnh đạo tỉnh xem xét, tạo điều kiện cho chúng tôi tiếp tục được cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, đó có thể là hợp đồng lao động với trường”, cô Hải mong muốn.

Đó cũng là tâm tư, mong muốn của 200 GV, nhân viên thuộc diện hợp đồng vừa mới bị chấm dứt hợp đồng.

Thế nhưng, cả ngày hôm qua (2/10), những GV này đành phải ngậm ngùi ra về vì không thể gặp được lãnh đạo tỉnh.

“Chúng tôi đã tới trụ sở UBND tỉnh Hà Tĩnh, vào làm việc với bộ phận tiếp dân. Tại đây ông Phan Thế Long, cán bộ thường trực tại phòng tiếp dân cho biết, lãnh đạo tỉnh đang bận công việc. Các GV phải làm theo quy trình, có văn bản kiến nghị gửi lên mới có thể làm việc về các nội dung đề xuất và cũng như các ý kiến”, một GV cho biết.

Điều bất cập là ngay sau khi chấm dứt hợp đồng với 214 lao động này, huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh lại rơi vào thực trạng thiếu GV trầm trọng. Có trường bị cắt tới 8 đến 9 lao động.


Trước việc trong thời gian ngắn chấm dứt hợp đồng với nhiều lao động đã dẫn tới việc thiếu giáo viên trầm trọng. Trước thực trạng trên, Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Anh đã phải ra văn bản để điều chuyển giáo viên từ trường thiếu ít sang trường thiếu nhiều.

Trước việc trong thời gian ngắn chấm dứt hợp đồng với nhiều lao động đã dẫn tới việc thiếu giáo viên trầm trọng. Trước thực trạng trên, Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Anh đã phải ra văn bản để điều chuyển giáo viên từ trường thiếu ít sang trường thiếu nhiều.

Trước vấn đề này, ngày 31/8, Phòng GD-ĐT huyện Kỳ Anh liền có văn bản số về việc “điều động giáo viên”. Theo đó, sẽ luân chuyển GV, nhân viên ở những trường thiếu ít về trường thiếu nhiều!

Văn bản nêu “Thực hiện công văn 4101/UBND về việc yêu cầu xử lý GV dôi dư, hợp đồng tại các trường MN, Tiểu học và THCS trên địa bàn huyện Kỳ Anh. Sau khi chấm dứt hợp đồng, nhiều trường đang thiếu GV trầm trọng không thể tự khắc phục được. Để khắc phục một phần việc thiếu GV một số trường, Phòng GD-ĐT tham mưu UBND huyện thực hiện phương án điều chuyển số GV đang dôi dư, GV nơi thiếu ít đến nơi thiếu nhiều theo hình thức bắc cầu về quãng đường, điều chuyển có thời hạn”.

Mặt khác, hiện huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh lại chưa có chủ trương tuyển mới GV nên việc này sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Xuân Sinh

(phamxuansinh@dantri.com.vn)