Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội soạn thảo văn bản thi hành Luật Giáo dục nghề nghiệp
(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định ban hành Danh mục và phân công soạn thảo các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật giáo dục nghề nghiệp năm 2014. Theo đó, Chính phủ giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội soạn thảo văn bản thi hành.
Theo lịch trình thực hiện, vào tháng 2 – 5/ 2015, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ trình lần lượt các văn bản như Quyết định về chính sách hỗ trợ người học là phụ nữ, lao động nông thôn khi tham gia các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp và chương trình đào tạo dưới 3 tháng; Quyết định về chính sách nội trú đối với người học nghề nghiệp; Quyết định phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm ưu tiên, tập trung bố trí đủ nhân lực và kinh phí cho việc nghiên cứu, soạn thảo các văn bản, bảo đảm chất lượng và đúng thời hạn trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Theo danh mục phân công, ngoài sự phối hợp với Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH còn phối hợp với Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ trong quá trình soạn thảo, tùy từng loại văn bản.
Luật Giáo dục nghề nghiệp, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015.
Theo Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định, trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp gồm: Sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm: Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp và trường cao đẳng. Trường cao đẳng được tách ra khỏi giáo dục đại học, trở thành một cơ sở của giáo dục nghề nghiệp.
Về chính sách đối với người học, người học được Nhà nước miễn học phí trong các trường hợp: Người học các trình độ trung cấp, cao đẳng là người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về người có công; người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; người mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa;
Người tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trình độ trung cấp; Người học các trình độ trung cấp, cao đẳng đối với các nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu theo danh mục do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương quy định; người học các ngành nghề chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.
Người học là phụ nữ, lao động nông thôn khi tham gia các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo dưới 03 tháng được hỗ trợ chi phí đào tạo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Học sinh tốt nghiệp trường trung học cơ sở dân tộc nội trú, trường trung học phổ thông dân tộc nội trú, kể cả nội trú dân nuôi được tuyển thẳng vào học trường trung cấp, cao đẳng công lập.
Người học là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật; người học là người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc là người khuyết tật mà có hộ khẩu thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo; học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú khi tham gia chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng được hưởng chính sách nội trú theo quy định của Thủ tướng Chính phủ…
Những kiến thức, kỹ năng mà người học tích lũy được trong quá trình làm việc và kết quả các mô-đun, môn học người học đã tích lũy được trong quá trình học tập ở các trình độ giáo dục nghề nghiệp được công nhận và không phải học lại khi tham gia học các chương trình đào tạo khác.
Người học sau khi tốt nghiệp được hưởng chính sách: Được tuyển dụng vào các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, lực lượng vụ trang theo quy định; ưu tiên đối với những người có bằng tốt nghiệp loại giỏi trở lên;
Được hưởng tiền lương theo thỏa thuận với người sử dụng lao động dựa trên vị trí việc làm, năng lực, hiệu quả làm việc nhưng không được thấp hơn mức lương cơ sở, mức lương tối thiểu hoặc mức lương khởi điểm đối với công việc hoặc chức danh có yêu cầu trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo quy định của pháp luật.
Hồng Hạnh