Góp ý dự thảo chương trình GDPT tổng thể:

Bỏ kỳ thi THPT quốc gia hay câu chuyện về nền giáo dục công bằng?

(Dân trí) - Bàn về hướng tiến tới bỏ kỳ thi THPT Quốc gia và giao cấp trường xét tốt nghiệp, TS. Ngô Anh Văn (Đại học Calgary, Canada) cho rằng, bài toán khó được đặt ra là đảm bảo sự đánh giá công bằng giữa các vùng miền trong bối cảnh nền giáo dục còn tồn tại các vấn nạn xin điểm, dạy – học thêm và lạm phát điểm…

Đổi mới hình thức đánh giá kết quả giáo dục, tiến tới bỏ kỳ thi THPT Quốc gia là điểm mới đáng chú ý trong Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mà Bộ GD&ĐT vừa công bố lấy ý kiến. Theo đó, việc xét cấp bằng tốt nghiệp THPT sẽ được giao cho cấp trường. Học sinh hoàn thành các môn học, tích lũy đủ kết quả đánh giá năng lực theo quy định của Bộ GD&ĐT được cấp bằng tốt nghiệp mà không phải trải qua kỳ thi THPT Quốc gia như hiện nay. Tuy nhiên, từ nay đến năm 2020, Bộ GD&ĐT sẽ giữ ổn định hình thức thi THPT Quốc gia và xét tốt nghiệp như hiện nay.


Để bỏ kỳ thi THPT Quốc gia, chúng ta cần có phương án mới để giải bài toán công bằng trong đánh giá giáo dục.

Để bỏ kỳ thi THPT Quốc gia, chúng ta cần có phương án mới để giải bài toán công bằng trong đánh giá giáo dục.

Học sinh vùng quê sẽ được đánh giá thế nào so với thành phố?

Bây giờ chúng ta hãy thử so sánh giữa kì thi THPT quốc gia với việc xét tốt nghiệp giao cho cấp trường, như là một bước đệm cho học sinh xét tuyển đại học/cao đẳng.

Việc so sánh này là quan trọng vì số liệu cho thấy tới 90% học sinh phổ thông sẽ vào đại học/cao đẳng, nên sự công bằng tương đối thể hiện trong hồ sơ xét tuyển của các em cũng phải được đưa vào đánh giá.

Liệu xét tuyển tốt nghiệp của các trường có đảm bảo được tính thống nhất, để các em được đánh giá hợp lý và đầy đủ về mặt kiến thức và năng lực và các trường đại học có căn cứ để xem xét hồ sơ của các em từ các địa phương, các trường khác nhau.

Ví dụ, các em ở vùng quê được đánh giá thế nào khi so với các em ở thành phố? Việc này đưa tới câu hỏi rằng: nền giáo dục của chúng ta đã có được sự công bằng về cơ sở vật chất giữa các vùng miền hay chưa? Các em ở các vùng miền khác nhau có được sự tiếp cận như nhau đối với giáo dục hay không?

Nếu không thì việc đánh giá năng lực của các em cũng phải có sự cân nhắc cẩn thận!. Hơn nữa, mối quan hệ giữa giáo viên và gia đình còn nhiều vấn đề như chuyện xin điểm, dạy thêm, thì liệu việc đánh giá mang tính địa phương/cấp cơ sở có bị ảnh hưởng và ở mức độ như thế nào?

Để các tổ chức/ cơ quan độc lập tham gia đánh giá học sinh

Một vấn nạn nữa mà chúng ta cũng phải tính đến là lạm phát điểm, hàm ý xu hướng cho điểm cao một cách tuỳ tiện. Vấn đề này thường xảy ra ở trường chuyên, lớp chọn so với trường thường, lớp thường; giữa thành phố so với nông thôn. Vấn đề này không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà ở cả Bắc Mỹ nữa. Việc này đưa tới đánh giá sai lệch và thiếu công bằng đối với các em học sinh, nếu chúng ta chỉ dựa trên đánh giá của giáo viên, nhà trường và phụ huynh.

Để giúp đánh giá tốt hơn năng lực và kiến thức của học sinh khi nộp vào các trường đại học, đặc biệt là ở Bắc Mỹ, chúng ta có thể phải căn cứ vào điểm thi chuẩn, dựa trên việc hoàn thành các kì thi do các cơ quan quốc gia hoặc tổ chức độc lập khởi xướng như: hệ thống bài thi kiểm tra IQ (SB5, WAIS, WISC, WPPSI, WJ), hệ thống bài thi kiểm tra thành tích (WIAT, KTEA, WJ, PIAT-R), bài thi đánh giá Tiến bộ giáo dục Quốc gia (NAEP), các bài thi chuẩn hóa (SAT, ACT, ITBS, ELPT).

Bài kiểm tra về Phát triển Giáo dục Tổng quát (GED) sẽ đánh giá liệu học sinh có được cấp bằng tốt nghiệp trung học hay không, có thể được diễn ra độc lập hàng quý để các em tự đánh giá năng lực của mình và lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai.

Nếu Việt Nam bỏ kỳ thi THPT quốc gia, thì việc tạo điều kiện cho các cơ quan/tổ chức độc lập tham gia đánh giá năng lực của học sinh khi nộp hồ sơ vào đại học là điều cần thiết vì có tới 90% học sinh vào học đại học, nên không thể bỏ qua được các bài thi mang tính thống nhất, chuẩn như vậy.

Việc đưa ra nhưng bài thi chuẩn thường xuyên hơn (thay vì một năm một lần) cũng giúp nhà trường, gia đình và các em có sự trao đổi nhiều hơn để xem xét những định hướng dài hạn cho tương lai của mình. Nó cũng thu hút nhiều nguồn lực khác trong xã hội tham gia vào giáo dục, dạy nghề và tư vấn.

Bỏ kỳ thi THPT Quốc gia: cần chính sách đồng bộ

Theo ý kiến riêng của tác giả, dù việc xét tuyển tốt nghiệp bằng kì thi THPT quốc gia hay không, vẫn không giải quyết tận gốc được vấn nạn dạy thêm, học thêm, xin điểm và thiếu công bằng trong giáo dục Việt Nam hiện nay.

Vấn đề này nằm ở chính sách: thứ nhất, lương bổng cho giáo viên còn thấp, không tạo được động lực tốt cho họ để đánh giá một cách khách quan đối với từng học sinh; thứ hai, cơ sở vật chất giữa thành phố và nông thôn, các vùng miền còn khác nhau quá lớn, tạo ra sự mất cân đối trong tiếp cận giáo dục của các em.

Chưa kể, việc đánh giá năng lực của học sinh từ phía giáo viên là điều rất khó chính xác, cần rất nhiều thông số được ngụ ý trong các bài thi chuẩn hay thể hiện trong bài tự luận của các em, hoặc thư giới thiệu của người có chuyên môn, cơ quan tổ chức mà các em làm nghiên cứu hay thiện nguyện.

Nhiều khi vấn đề lại nằm ở tài chính của gia đình các em. Chính sách của chúng ta cũng phải tính đến hỗ trợ tài chính lẫn tiếp cận công bằng hơn cho các em ở nông thôn hay vùng miền khó khăn. Vì đó là đầu tư dài hạn để chính những em học sinh này sẽ đóng góp vào vùng miền của họ.

Hiện tại các trường đại học vẫn ưu tiên điểm cho các em ở vùng miền dựa trên kỳ thi quốc gia, nhưng vẫn cho có đánh giá đầy đủ về năng lực lẫn ý nguyện của các em này. Khi không có kỳ thi quốc gia, các trường đại học rất có thể sẽ xét tuyển đánh giá ưu tiên các em tốt nghiệp ở thành phố hơn, thì các em ở vùng miền, nông thôn, có ít cơ hội vào đại học/cao đẳng hơn, cho nên giải quyết vần đề khác biệt trong xã hội về vùng miền sẽ khó khăn hơn.

Tóm lại về vấn đề bỏ kỳ THPT quốc gia và đẩy việc đánh giá/xét tuyển cho các trường địa phương hiện nay có thể là một bước đi hợp lý về mặt dài hạn, nhưng rất cần có số liệu so sánh giữa những năm khác nhau về mức độ dạy thêm, học thêm, và đánh giá mức độ mất công bằng trong tiếp cận giáo dục và đánh giá trên cả nước (vốn đầu tư, hỗ trợ tài chính, cơ sở vật chất, sự minh bạch, tài liệu, trình độ giáo viên).

Nếu bỏ kỳ thi THPT, thì chính sách cũng phải đồng bộ: tăng lương giáo viên và đầu tư giống nhau hay công bằng cho các cơ sở giáo dục trong cả nước, không phân biệt vùng miền hay thành phố, nông thôn. Nếu không, chúng ta sẽ không có được một nền giáo dục công bằng, và một đánh giá công bằng đối với các em học sinh.

Tôi cho rằng vai trò của Bộ GD&ĐT không chỉ là đánh giá “trên diện rộng ở cấp quốc gia” nhằm đưa ra những thông kê có chất lượng, khách quan, mà phải đặt giáo dục phổ thông trong một bức tranh lớn hơn với các trường đại học nghiên cứu/giảng dạy và với xã hội: như tạo cơ hội cho các em có tiếng nói về các vấn đề xã hội với nhiều học bổng nghiên cứu, đào tạo kĩ năng lãnh đạo, tham gia giải quyết khó khăn trong xã hội.

Có nghĩa, chúng ta phải kiến thiết một môi trường dân chủ hơn và đa chiều hơn để giúp các em học sinh/sinh viên cùng gia đình/nhà trường ở mọi vùng/mọi miền có được nền giáo dục tốt nhất, công bằng nhất để hoạch định tốt hơn cho tương lai.

TS. Ngô Anh Văn

(Đại học Calgary, Canada)