Bộ GD&ĐT "bác" tin giả về đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo môn toán 2025

Mỹ Hà

(Dân trí) - Chiều 16/11, mạng xã hội lan truyền một số văn bản được cho là đề thi tham khảo môn toán kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.

Sáng 17/11, Bộ GD&ĐT "bác" thông tin đề thi này. Theo đó, Bộ GD&ĐT khẳng định, đây không phải là đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.

Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 và sẽ được công bố trong thời gian tới.

Trước đó, mạng xã hội lan truyền một số văn bản được cho là đề thi tham khảo môn toán, kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Đánh giá về văn bản này, một số chuyên gia cho rằng, dạng thức câu hỏi khá tương đồng với đề thi đánh giá tư duy của một trường đại học trên địa bàn Hà Nội.

Bộ GDĐT bác tin giả về đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo môn toán 2025 - 1

Văn bản được cho là đề thi tham khảo môn toán kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 lan truyền trên mạng xã hội (Ảnh: Bộ GD&ĐT).

Ở 4 phương án đúng/sai, câu hỏi mở yêu cầu trả lời ngắn. Hoàn toàn có thể triển khai thi trên máy tính và cũng tránh được tranh cãi xem có cần thêm tự luận vào hay không.

"Nếu thực sự đây là đề thi thật thì khá căng thẳng với thí sinh bởi đề thi phân hóa khá mạnh", một chuyên gia nhận xét.

Được biết ngày 14/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ ba phương án thi tốt nghiệp THPT 2025. Trong đó, phương án thi bắt buộc hai môn toán, văn kết hợp hai môn tự chọn được nhiều chuyên gia lựa chọn.

Đặc biệt, Bộ GD&ĐT lấy ý kiến 10 chuyên gia tại cuộc họp do Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực phối hợp với Cục Quản lý chất lượng hôm 5/10.

Kết quả, sáu chuyên gia chọn phương án thi hai môn bắt buộc, 3 ý kiến chọn phương án thi ba môn bắt buộc và một ý kiến khác.

Dựa trên kết quả này cùng ý kiến góp ý và căn cứ theo các nguyên tắc cốt lõi trong quá trình xây dựng phương án thi, Bộ GD&ĐT kiến nghị kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 gồm hai môn bắt buộc và hai môn lựa chọn.

Theo Bộ GD&ĐT, phương án thi 2+2 có ưu điểm giảm áp lực thi cử cho học sinh và giảm thực sự chi phí cho gia đình học sinh và cả xã hội (thí sinh chỉ thi 4 môn, hiện nay 6 môn). Số buổi thi ba buổi, giảm số buổi thi so với hiện nay.

Phương án này cũng không gây nên sự mất cân bằng giữa các tổ hợp tuyển sinh, phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em. Tạo điều kiện cho các học sinh dành thời gian học các môn lựa chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em.

Tuy nhiên phương án này, nhược điểm làm ảnh hưởng đến việc dạy và học môn lịch sử và ngoại ngữ, hai môn này hiện nay đang là môn bắt buộc học.

Ngoài phương án 2+2, có hai phương án khác được Bộ GD&ĐT trình Chính phủ trong cuộc họp sáng 15/11 gồm: phương án thi ba môn bắt buộc (ngữ văn, toán, ngoại ngữ) và hai môn tự chọn (phương án 3+2); phương án thi bốn môn bắt buộc (ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử) và hai môn tự chọn (4+2).

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm