Đề thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ thay đổi ra sao?
(Dân trí) - Một số chuyên gia cho rằng, đề thi tốt nghiệp THPT 2025 nên thay đổi theo hướng đánh giá năng lực. Bộ GD&ĐT cần sớm "chốt" phương án thi để các trường, phụ huynh học sinh đỡ mông lung.
Đề thi theo hướng đánh giá năng lực
Chia sẻ với phóng viên Dân trí ngày 30/11, ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết, mỗi phương án thi đều có ưu nhược điểm, vấn đề cần chuẩn bị kỹ theo lộ trình và công bố sớm để phụ huynh, nhà trường, giáo viên đỡ mông lung.
Theo thầy Bình, vài năm trở lại đây, đề thi tốt nghiệp THPT đã có nhiều thay đổi. Đặc biệt, đến năm 2025, khi chương trình mới đã phủ toàn bộ các khối lớp theo hướng phát triển và đánh giá năng lực, đề thi tốt nghiệp THPT cần giảm bớt học thuộc, tăng cường vận dụng để phù hợp định hướng chương trình giáo dục mới.
"Theo tôi, Bộ GD&ĐT cần lựa chọn cẩn thận đội ngũ chuyên gia, giáo viên, làm công tác ra đề.
Hiện nay các trường phổ thông học nhiều bộ sách giáo khoa. Dĩ nhiên học sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức, mọi đề thi đều làm tốt nhưng tôi cho rằng, đội ngũ ra đề thi cần được tập huấn, định hướng sao cho đảm bảo khoa học, theo mục tiêu đánh giá năng lực của chương trình 2018", thầy Bình cho hay.
Cũng theo chuyên gia này, không nên thay đổi đề thi đột ngột mà từng bước thay đổi theo lộ trình để phù hợp với các vùng miền.
"Mọi thay đổi đều có khó khăn nhưng nếu chuẩn bị kỹ càng, có cơ sở thực tiễn, thực hiện theo lộ trình sẽ tốt hơn", thầy Bình nói.
Thầy Phạm Văn Giềng, giáo viên lịch sử ở một trường phổ thông của Hà Nội cho rằng, ở Chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh sẽ thi để đánh giá 3 năng lực cụ thể.
Nhưng để đánh giá 3 năng lực cụ thể đó, không thể bằng phương pháp thi trắc nghiệm. Như vậy, dạng đề thi đưa ra vừa trắc nghiệm vừa phải có cả tự luận.
Theo đó, việc phân hóa khi ra đề thi phải khác, đồng thời yêu cầu thầy cô phải thay đổi cách dạy.
Thêm môn thi, thêm tổ hợp xét tuyển vào đại học
Theo kết quả lấy ý kiến về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 mà Bộ GD&ĐT vừa công bố, khoảng 26-30% người khảo sát ủng hộ phương án lựa chọn phương án 4+2, tức thi tốt nghiệp THPT 6 môn (4 môn thi bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ, lịch sử và hai môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12).
Ở phương án 3+2, tức 3 môn bắt buộc là ngữ văn, toán, ngoại ngữ và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (bao gồm cả môn lịch sử), có đến 70% người khảo sát lựa chọn.
Trên thực tế ở nhiều diễn đàn, phần lớn phụ huynh, học sinh lựa chọn phương án thi 3+2 bởi theo truyền thống lâu nay, 3 môn toán, văn, ngoại ngữ đều chiếm trọng tâm lớn cả trong dạy học và các kỳ thi cử.
Theo thầy Bình, hiện còn nhiều tranh cãi về số môn thi tốt nghiệp THPT. Cơ bản phụ huynh học sinh ở trường này chọn phương án thi hai môn toán, văn bắt buộc và hai môn tự chọn để giảm tải.
Việc thêm quá nhiều môn thi, theo thầy giáo này, sẽ gây quá tải cho học sinh, đồng thời việc xét tuyển đại học cũng cần thêm nhiều tổ hợp sao cho phù hợp.
Hiệu trưởng một trường THPT trên địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, ở trường mình hiện nay có nhiều học sinh lựa chọn tổ hợp có môn lịch sử nên nếu môn này đưa vào thi chính thức thì học sinh không quá bất ngờ.
Điều hiệu trưởng này quan tâm nhất là việc xét tuyển đại học sẽ thêm tổ hợp có môn sử hay không? Như vậy mới công bằng với học sinh, để các em có thêm nhiều cơ hội xét tuyển giống các môn học khác.