Giáo sư phân tích vì sao nên thi tốt nghiệp THPT bắt buộc 2 môn toán, văn
(Dân trí) - Theo GS.TS Phạm Hồng Quang (Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên), việc thi hai môn bắt buộc toán và văn là phù hợp, giảm áp lực, chi phí, tinh gọn, hiệu quả.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, GS Quang cho rằng, nếu lấy tham số tinh gọn và giảm áp lực, trong 3 phương án thi mà Bộ GD&ĐT đưa ra, với tư cách nghiên cứu khoa học giáo dục, cá nhân ông ủng hộ phương án thi 2+2 (thi hai môn bắt buộc toán, văn cùng hai môn tự chọn). Tinh thần "việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm..." theo tư tưởng Bác Hồ.
Giảm áp lực nếu thi hai môn bắt buộc
Theo GS Quang, sở dĩ ông chọn phương án này bởi phù hợp với tham chiếu từ quy định của Đảng, nghị quyết của Trung ương và định hướng của Chính phủ, đó là tổ chức kỳ thi phải đảm bảo tinh gọn, hiệu quả, tiết kiệm chi phí cho người dân và Chính phủ.
Ông cho hay, trong chương trình nền tảng của giáo dục phổ thông, không nên quan niệm đâu là môn chính, môn phụ, tất cả các môn đều có giá trị như nhau bởi kiến tạo năng lực cơ bản cho người học sau trung học.
Vì vậy, nếu lựa chọn môn toán bởi đây là nền tảng cho khối khoa học tự nhiên, đảm bảo tư duy logic, nội dung cơ bản cho ứng dụng công nghệ và kỹ thuật cao còn môn văn là nền tảng cho khối ngành xã hội còn lại.
Việc lựa chọn hai môn này đảm bảo nền tảng tự nhiên và xã hội cho tất cả học sinh sau THPT. Đúng tinh thần phổ thông là học vấn cơ bản, nền tảng.
Cụ thể sau khi tốt nghiệp THPT, học sinh sẽ phân ra hai nhánh, một nhánh đi làm, một nhánh tiếp tục học lên.
Nhóm đi làm, dựa trên việc hoàn thành hai môn toán, văn và 2 môn tự chọn phù hợp, với giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT, học sinh có thể đi làm, đồng thời vẫn có cơ hội quay lại việc học tiếp sau phổ thông nếu muốn.
Ở nhóm vào cao đẳng, đại học, các em vẫn dựa trên hai môn nền tảng này, cùng với tổ hợp môn của từng trường để xét chọn.
Chẳng hạn nhóm học sinh theo khối khoa học kỹ thuật, có thể chọn ngoại ngữ và vật lý, hoặc sinh, hóa…
Nhóm theo khối xã hội nhân văn, luật…, có thể chọn ngoại ngữ, sử, địa. Như vậy, nếu chọn 2 môn toán, văn bắt buộc cùng với các môn tự chọn, vừa đảm bảo nền tảng kiến thức cơ bản, vừa có tự chọn nhưng lại giảm chi phí hơn so với chọn 3 môn hay 4 môn bắt buộc.
Khó giao kỳ thi tốt nghiệp THPT cho địa phương
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc không đưa môn ngoại ngữ vào bắt buộc có phù hợp với xu thế hội nhập? GS Quang cho rằng, việc chọn môn ngoại ngữ hoặc môn bất kỳ đều có giá trị như nhau.
Thực tế, nhiều học sinh đã tự tìm đến nhiều môi trường học ngoại ngữ để các em vươn xa, chứ không chờ đợi quy định thi bắt buộc hay tự chọn.
"Tuy nhiên, chúng ta lấy tham số để tinh gọn và giảm áp lực, phương án chọn hai môn văn, toán bắt buộc là phù hợp.
Để phù hợp với xu thế hội nhập, đó là cả quá trình học tập lâu dài và đánh giá là quá trình, không chỉ riêng ở một kỳ thi. Các em vẫn có thể tự học để thêm các chứng chỉ khác nếu muốn theo đuổi con đường học thuật xa hơn.
Còn đối với học sinh phổ thông, chúng ta chỉ lấy mặt bằng chung các em có thể đạt trình độ phổ thông cơ bản để một số em đi vào cuộc sống còn một số em đi tiếp sau THPT, chúng ta không nên tìm giải pháp thỏa mãn cùng lúc hai mục tiêu.
Tôi kỳ vọng đã là kỳ thi, trước hết phải công bằng, khách quan, an toàn và hiệu quả", GS Quang nói.
Cũng theo chuyên gia này, thực chất chương trình giáo dục phổ thông để xác nhận quá trình học tập, thúc đẩy hoạt động tiếp theo của học sinh.
Trước đây có ý kiến giao kỳ thi tốt nghiệp THPT về các địa phương, nhưng nếu vậy, độ lệch chuẩn hoặc khó của đề sẽ khó kiểm soát.
Việc sử dụng đề thi chung của quốc gia ở kỳ thi như hiện nay, đảm bảo công bằng, tạo đồng thuận cho xã hội.
Trừ một số đơn vị tổ chức thi riêng, các cơ sở giáo dục đại học có độ tin cậy khi lấy kết quả này để xét tuyển.
"Ở một số nước trên thế giới, việc thi tốt nghiệp THPT theo nhiều cách thức khác nhau.
Thậm chí một số nước không thi tốt nghiệp THPT bởi độ chuẩn của trình độ giáo viên và trình độ học sinh giữa các vùng miền không quá lớn.
Chúng ta phấn đấu theo hướng đó nhưng về cách thức dạy học, môi trường, trình độ giáo viên còn chưa đồng đều nên khó giao kỳ thi này cho các địa phương.
Đặc biệt, đề thi tốt nghiệp THPT không nên gây áp lực nặng nề nhưng không quá dễ dãi.
Sau năm 2025, dự kiến chúng ta sẽ thí điểm thi trên máy tính nhưng nên chuẩn bị từng bước.
Ban đầu có thể thi ở một số vùng trung tâm, các thành phố. Tất nhiên, một khi con người cố tình can thiệp, cho dù thi trên giấy hay máy tính đều có khả năng xảy ra tiêu cực", GS Quang nêu quan điểm.
Bộ GD&ĐT trình Chính phủ phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với 3 phương án:
Phương án 4 + 2: Thí sinh học chương trình THPT phải thi 6 môn gồm 4 môn bắt buộc: ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.
Phương án 3 + 2: gồm 3 môn bắt buộc: ngữ văn, toán, ngoại ngữ và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.
Phương án 2 + 2: thí sinh phải thi 4 môn gồm 2 môn bắt buộc ngữ văn, toán và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.