Bộ công an tiếp tục mở rộng điều tra vụ lộ đề thi tốt nghiệp THPT

Mỹ Hà

(Dân trí) - Theo Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an, đơn vị này đang tiếp tục mở rộng điều tra các đối tượng móc nối với hai thí sinh "tuồn" đề thi ra ngoài.

Chỉ có "lộ", không có "lọt"

Trước câu hỏi của phóng viên về việc xác định tính chất hai hình ảnh đề văn, toán kỳ thi tốt nghiệp THPT bị "tuồn" ra ngoài là "lộ" hay "lọt" đề, Thiếu tướng Trần Đình Chung giải thích, từ "lộ" được sử dụng trong Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước.

Hiện nay đã có Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, trong đó sử dụng từ "lộ". Như vậy, căn cứ vào luật chỉ có khái niệm "lộ" chứ không có "lọt".

Theo quy chế thi, việc hai thí sinh phát tán hình ảnh đề thi ra bên ngoài trong thời gian làm bài thi sẽ bị xử lý ở mức "đình chỉ".

Vấn đề dư luận đặt ra, Bộ công an đã điều tra ra đối tượng móc nối với hai thí sinh "tuồn" đề ra ngoài như thế nào?

Bộ công an tiếp tục mở rộng điều tra vụ lộ đề thi tốt nghiệp THPT - 1

Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an (Ảnh: Thế Đại).

Thiếu tướng Trần Đình Chung cho biết, Bộ Công an đã phối hợp xác minh và xác định được các đối tượng móc nối.

"Chúng tôi tiếp tục xác minh, điều tra. Qua lời khai của các đối tượng, xác định xem sau khi đề phát tán ra ngoài, có lời giải chuyển vào bên trong phòng thi hay không nhưng chưa phát hiện thấy việc này. Do vậy, việc phát tán đề không ảnh hưởng đến kết quả kỳ thi", Thiếu tướng cho hay.

Cũng theo Thiếu tướng Trần Đình Chung, đơn vị này đã xác định được đối tượng mà hai thí sinh kết nối ở bên ngoài, đồng thời đang tiếp tục xác minh, mở rộng điều tra tới các đối tượng có liên quan.

Thiếu tướng cho biết thêm, ngoài trường hợp 2 thí sinh làm lộ đề thi, trước đó, Cục An ninh chính trị nội bộ cũng phát hiện, triệt phá được 90 cá nhân ở 28 địa phương có hành vi mua bán và sử dụng thiết bị công nghệ cao. 

Việc này đã góp phần kịp thời ngăn chặn, giúp đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho thí sinh, gia đình.

Ông Chung cho hay, trong tương lai, việc những đối tượng gian lận sử dụng thiết bị công nghệ cao chắc chắn vẫn có.

Để phòng tránh việc này, thời gian tới, chúng ta nên nghiên cứu phương án chủ động phát hiện thiết bị công nghệ cao trong các kỳ thi.

Cùng với đó, cần đẩy cao tuyên truyền để cảnh báo, răn đe để các thí sinh, gia đình thí sinh biết đó là việc làm vi phạm pháp luật. Đồng thời, các đơn vị cần chú trọng công tác tập huấn cán bộ coi thi hơn nữa.

Bộ công an tiếp tục mở rộng điều tra vụ lộ đề thi tốt nghiệp THPT - 2

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023 (Ảnh: Hải Long).

Có thể xử lý hình sự

Về câu hỏi phương án xử lý hai đối tượng phát tán đề ra sao, có nên tăng nặng mức độ xử lý thay vì chỉ dừng lại ở mức đình chỉ theo như quy chế thi?

Thiếu tướng cho hay, Công an đang tiếp tục xác minh, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để xác định mức độ vi phạm.

Trong trường hợp phải xử lý hình sự, sẽ xử lý hình sự theo quy định pháp luật của Nhà nước.

Nếu sau quá trình xác minh, các đối tượng này chỉ dừng lại ở mức độ vi phạm xử lý hành chính, sẽ theo quy định xử lý hành chính.

"Tuy nhiên, trước khi xử lý cần tính đến yếu tố nhân văn. Chúng tôi tiếp tục thẩm tra xác minh về việc thí sinh chụp ảnh đề thi chuyển ra bên ngoài. Khi có kết quả, sẽ được thông tin tới báo chí", Thiếu tướng Trần Đình Chung nói.

Tại buổi họp báo nhanh sau khi kết thúc kỳ thi, một số người cho rằng, vấn đề chống gian lận công nghệ cao đã được đặt ra rất nhiều ở các kỳ thi nhưng hai thí sinh vẫn mang điện thoại vào phòng thi chụp ảnh đề nhưng không ai phát hiện ra, liệu công tác coi thi vẫn còn lỗ hổng?

PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT cho biết, công tác phòng chống gian lận công nghệ cao đã được quán triệt tại Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và là một trong những nội dung trọng tâm được tập huấn từ Trung ương đến địa phương.

Tuy nhiên, trong quá trình coi thi, cá biệt còn một số thí sinh cố tình vi phạm quy chế sử dụng điện thoại trong phòng thi và một số giáo viên chưa thực hiện đúng, đủ quy trình quy định khi coi thi.

Trong đó có việc hai thí sinh tại Cao Bằng và Yên Bái sử dụng điện thoại di động chụp ảnh đề thi gửi cho người thân nhờ giải đề thi. Hình ảnh sau đó bị lan truyền trên mạng xã hội và báo chí.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Bộ GD&ĐT đã đề nghị Cục An ninh chính trị nội bộ xác minh làm rõ và đình chỉ hai thí sinh trên.

Hiện Cục An ninh chính trị nội bộ đang tiếp tục làm rõ những vấn đề khác có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật. Hai sự việc trên không ảnh hưởng đến kết quả tổ chức kỳ thi.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, TS.LS Đặng Văn Cường, đoàn luật sư Hà Nội, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết:

Trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy, người làm lộ lọt đề thi này ra bên ngoài là thí sinh thì sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật, mức cao nhất đình chỉ thi, hủy bỏ kết quả thi.

Còn trường hợp kết quả xác minh cho thấy người làm lộ lọt đề thi này ra bên ngoài là người có chức vụ quyền hạn (cán bộ coi thi hoặc các cán bộ khác có liên quan đến kỳ) thì hành vi này là làm trái công vụ, gây thiệt hại cho nhà nước và có thể bị xử lý hình sự về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo quy định tại Điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm