Quảng Nam:
Bí quyết học giỏi môn Sử của cô học trò nơi làng chài nghèo
(Dân trí) - Ngôi nhà ở một làng chài nghèo ven sông Trường Giang (xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) mấy hôm nay rộn ràng hơn những ngày thường bởi những người thân, bạn bè của cô học trò đến chúc mừng khi hay tin cô đạt điểm 10 môn Sử trong kỳ thi THPT quốc gia.
Đó là em Mai Thị Tuyết, học sinh lớp 12/1 trường THPT Duy Tân, TP Tam Kỳ, Quảng Nam.
Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, Tuyết đạt tổng điểm 25,75 khối C, trong đó môn Địa 8,5 điểm; Ngữ văn 7,25 và đặc biệt môn Lịch sử đạt điểm 10 tuyệt đối. Tuyết cũng là thí sinh duy nhất ở tỉnh Quảng Nam đạt điểm tuyệt đối môn Sử. Mong muốn của Tuyết sẽ được vào học tại Trường ĐH Xã hội và Nhân văn TP HCM, chuyên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành.
>> TRA CỨU ĐIỂM THI THPT QUỐC GIA 2017 TẠI ĐÂY <<
Tuyết sinh ra trong một gia đình nghèo ven sông Trường Giang, gia đình có đến 7 anh chị em, các anh chị em trong nhà không được đi học đến nơi đến chốn nhưng cô học trò với thân hình nhỏ nhắn đã không ngừng phấn đấu để vươn lên; suốt 12 năm học liền, Tuyết luôn là học sinh giỏi của trường.
Tuyết chia sẻ, em đến với môn Sử như một “cái duyên”, vì khi học THPT, mỗi khi nói đến môn Sử, ai cũng "ngán" vì nó khô khan, lượng kiến thức lại quá nhiều nên khó có thể nhớ hết. Khi lên lớp 12, Tuyết được học thầy Ca Tâm, người dạy chuyên môn Sử của trường giúp đỡ nên yêu môn Sử từ đó.
“Chính thầy đã truyền cảm hứng để em có niềm đam mê với môn Sử. Nhờ thầy, em đã lĩnh hội được nhiều thứ, cũng từ đó em tìm ra phương pháp học nên em không “ngán” môn Sử nữa mà yêu nó nhiều hơn”, Tuyết chia sẻ.
Tuyết chia sẻ phương pháp học môn Sử: “Thay vì học miên man thì cứ mỗi ngày dành khoảng 1 - 2 giờ đồng hồ để tập trung học. Bên cạnh đó, em chọn những lúc mình có cảm hứng, tâm trạng thoải mái để học bài chứ không học khi căng thẳng. Đặc biệt, em luôn áp dụng lịch sử qua từng giai đoạn vào thực tế xã hội hiện nay nên dễ nhớ.
Mẹ Tuyết chia vui cùng con.
Để lĩnh hội thêm kiến thức môn Sử, Tuyết thường tìm những đề thi của các năm trước trên mạng rồi tải về giải. Chính cách học này giúp em khái quát, lĩnh hội được nhiều kiến thức.
“Để có được kết quả cao, bản thân mình phải thực sự yêu thích và đam mê môn học đó. Trong quá trình học, em luôn đặt ra cho mình những so sánh như vì sao thời xưa khi điều kiện còn khó khăn mà ông cha ta vẫn làm được những điều vĩ đại”, Tuyết tâm sự.
Để có được những thành quả như hôm nay, cô học trò nghèo đã không ngừng nỗ lực. Năm học 12 vừa rồi, Tuyết đạt giải nhất môn lịch sử cấp tỉnh. Tuy nhiên, con đường phía trước của Tuyết rất dài, bản thân Tuyết cho rằng mình không nên tự mãn mà tiếp tục phấn đấu.
“Để đạt được điểm thi cao như hôm nay, em rất cảm ơn các thầy cô, đặc biệt là thầy Tâm đã chỉ dạy cho phương pháp học và truyền cảm hứng để em học chứ không phải “nhồi nhét” kiến thức để đi thi”, Tuyết cho biết.
Mẹ Tuyết, bà Võ Thị Hân (55 tuổi) cùng chồng làm nghề đánh cá trên sông Trường Giang nuôi con ăn học. Ngày 5/7, khi điểm thi được công bố, ba mẹ Tuyết đang đánh cá nghe tin con được điểm 10 môn Sử, hai vợ chồng vui mừng trông cho mau gỡ hết lưới để về nhà chia vui với con.
“Nghe tin con được điểm 10 môn Sử, ông nhà tui cứ cười một mình suốt. Đến sáng hôm sau thì chèo ghe về nhà chia vui với con”, bà Hân chia sẻ.
Tuy rất vui khi con chắc chắn sẽ đỗ đại học nhưng bà Hân cũng có chút lo lắng: “Con đỗ đại học là mừng nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sợ con đi học không bằng được bạn bè, con lại tủi thân, tội cho nó”.
Bà tâm sự, đời bà đã khổ rồi, Tuyết là niềm hy vọng duy nhất của gia đình; dù khó khăn, vất vả nhưng vợ chồng bà cũng sẽ lo cho con được đi học đến nơi đến chốn.
Trao đổi với PV Dân trí, thầy Ca Tâm - giáo viên dạy môn Lịch sử tại trường THPT Duy Tân, cũng là người trực tiếp bồi dưỡng môn Sử cho Tuyết - cho biết: “Tuyết là một học sinh ngoan và học giỏi, dù gia đình khó khăn nhưng em luôn phấn đấu để vươn lên. Tôi tin rằng dù ở môi trường nào Tuyết sẽ phát huy được năng lực, tiếp tục gặt hái được nhiều thành tích cao trong trong học tập”.
Thầy Ca Tâm chia sẻ, môn Lịch sử là một môn học khô khan nhưng nếu biết cách truyền đạt thì nó có thể truyền cảm hứng rất cho các em. Học Sử cũng là cách để giúp các em biết được về quá trình đấu tranh của ông cha, để các em biết rằng cội nguồn của mình là ở đâu.
Công Bính