Quảng Nam:

Ước mơ thành bác sĩ còn xa của cô học trò nghèo đạt 29,1 điểm

(Dân trí) - Trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, em Lương Thị Phương Thanh đạt 29,1 điểm xét tuyển đại học khối B nhưng cánh cửa vào ngành Y và trở thành bác sĩ của cô học trò có hoàn cảnh khó khăn ở TP Tam Kỳ, Quảng Nam dường như còn rất xa vì điều kiện gia đình quá khó khăn.

Tìm đến nhà em Lương Thị Phương Thanh trong con hẻm sau lưng Trung tâm Thanh thiếu niên Miền Trung ở TP Tam Kỳ, chúng tôi không chịu nổi cái nóng giữa tháng 7 trong ngôi nhà cấp 4 lợp tôn.

Phương Thanh là cô học trò lớp 12/1 Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Tam Kỳ) đã đạt tổng 29,1 điểm khối B, trong đó Toán được 9,6 điểm; Sinh 9,5 điểm và Hóa 10 điểm.


Em Phương Thanh với góc học tập đơn giản ở nhà.

Em Phương Thanh với góc học tập đơn giản ở nhà.

Lúc chúng tôi đến nhà, em Thanh cùng bố là ông Lương An (SN 1967) đang phụ mẹ là bà Lâm Lệ Ngọc (SN 1978) hấp vội nồi sắn (khoai mì) để kịp giờ đi bán buổi chiều.

Bà Ngọc chia sẻ: “Nhà chỉ có một mình tôi là lao động chính với chiếc xe đẩy đi bán sắn hấp. Mỗi ngày lời chỉ có khoảng một trăm rưỡi nghìn mà lo cho cả gia đình chi tiêu, khó khăn lắm, còn tiền ăn học của cháu nữa…”.

Ông An, chồng bà không có việc làm, chỉ quanh quẩn ở nhà phụ bà hấp sắn để đi bán, nhà có chiếc xe máy, ai kêu chạy xe ôm thì ông chạy, thu nhập cũng không đáng là bao. Hàng ngày, ông cùng con gái Phương Thanh phụ giúp vợ đi mua sắn rồi về hấp, để 3 giờ chiều hàng ngày bà đẩy đi bán khắp phố phường của Tam Kỳ.

Em Thanh và bố mẹ
Em Thanh và bố mẹ

Bố mẹ Thanh có hai anh em, người anh lớn đã có gia đình ra riêng, chỉ còn lại Thanh. Là con gái út trong gia đình khó khăn, ngay từ nhỏ Thanh đã hiểu được những vất vả khi hằng ngày chứng kiến cảnh bố mẹ phải thức khuya dậy sớm, đi mua sắn về hấp rồi đẩy bộ hàng chục cây số đi bán dạo. Khó khăn là vậy, nhưng suốt 12 năm học qua Thanh luôn là học sinh giỏi.

Nhà nghèo, không có tiền đi học thêm, Thanh chọn cho mình cách tự học và hiểu bài ngay trên lớp. Khoảng thời gian ở nhà, Thanh phụ mẹ làm hấp sắn và nạo dừa.

Trong đợt thi THPT Quốc gia vừa qua, Thanh đạt tổng 29,1 điểm khối B, em đăng ký xét tuyển vào ngành Y đa khoa - Trường ĐH Y Dược TP HCM nhưng xem ra con đường trở thành bác sĩ với Thanh trở nên gập ghềnh khi điều kiện gia đình quá khó khăn.


Hàng ngày, em Thanh phụ giúp mẹ nấu sắn đi bán để nuôi sống gia đình.

Hàng ngày, em Thanh phụ giúp mẹ nấu sắn đi bán để nuôi sống gia đình.

Bà Ngọc chia sẻ: “Cháu vào TPHCM học chắc tốn kém lắm, nếu đóng học phí mỗi năm cũng phải mấy chục triệu đồng, còn tiền ăn ở, sinh hoạt cũng mấy triệu nữa. Tôi làm nghề này kiếm sống qua ngày đã khó, giờ cháu đi học xa nhà, không biết lấy tiền đâu lo cho cháu đây”.

Bà cũng tâm sự, rất muốn cho cháu theo học ngành Y như nguyện vọng của con nhưng lo không đủ sức vì mọi chi tiêu trong nhà đều nhờ vào chiếc xe sắn bán dạo đã khó khăn, giờ thêm tiền ăn, tiền học cho con sợ sẽ không đủ điều kiện để lo.

Bà Ngọc trao đổi với PV về hoàn cảnh gia đình

Còn em Thanh chia sẻ, ước mơ thành bác sĩ đã theo em từ năm lớp 10 vì nghề bác sĩ phù hợp với tính cách của em nhưng gia đình khó khăn quá. Muốn đi học tiếp nhưng nghĩ hoàn cảnh gia đình khó khăn, không biết có lo nổi cho em không.

“Em ước mơ đơn giản có cái máy vi tính cũ để học bài vì cái máy ví tính để bàn cũ quá, cứ hư hỏng liên tục nhưng cũng không dám nói bố mẹ mua vì em biết kinh tế của gia đình”, Thanh nói.

Trao đổi với PV Dân trí, thầy Nguyễn Thanh Thiên (giáo viên chủ nhiệm em Thanh 3 năm THPT ở trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm) cho biết, trong 3 năm THPT, em Thanh là học sinh giỏi của lớp, tính tình em hiền lành, sống hòa đồng với mọi người.

“Gia đình em rất khó khăn nhưng ước mơ trở thành bác sĩ đã theo em từ năm lớp 10. Nếu có nhà hảo tâm hay mạnh thường quân hỗ trợ em để em theo đuổi ước mơ thì tốt quá”, thầy Nguyễn Thanh Thiên chia sẻ.

Công Bính