Thanh Hóa:
Nữ sinh thiếu cha, vắng mẹ giành điểm 10 môn Sử
(Dân trí) - Sinh ra không được nhìn thấy mặt cha, mẹ đi bước nữa, em Nguyễn Thị Ngần được ông bà ngoại nuôi nấng từ nhỏ. Dù khó khăn, thiếu thốn tình cảm, nhưng em đã vượt lên hoàn cảnh, giành những thành tích xuất sắc trong học tập. Trong kỳ thi vừa qua, em đạt 27,25 điểm khối C, trong đó môn Lịch sử được điểm 10.
Em Nguyễn Thị Ngần sinh năm 1999, là học sinh lớp 12B9, trường THPT Đào Duy Từ, thành phố Thanh Hóa. Hiện Ngần sống với ông bà ngoại ở phố Mật Sơn, phường Đông Vệ, TP. Thanh Hóa.
Trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Ngần đã giành được điểm số cao 3 môn xét tuyển đại học khối C, trong đó môn Ngữ văn 8 điểm, môn Lịch sử 10 điểm, môn Địa lý 9,25 điểm. Đặc biệt, Ngần là thí sinh duy nhất của Thanh Hóa giành điểm tuyệt đối môn thi Lịch sử.
Ngần đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 vào Học viện An ninh Nhân dân và nguyện vọng 2 vào trường Đại học Luật Hà Nội.
Ngần vốn thiệt thòi về tình cảm khi cha mẹ li dị từ lúc em chưa sinh ra trên đời. Rồi mẹ đi bước nữa, em ở với ông bà ngoại từ lúc còn bé. “Em thấy mình thiệt thòi vì thiếu thốn tình cảm cha mẹ, nhiều lúc thấy tủi thân vì không được cha mẹ chăm sóc, động viên như các bạn. Em xác định rồi, nếu sau này ra Hà Nội nhập học, em sẽ tìm cho mình một công việc làm thêm”.
Ước mơ lớn nhất của Ngần là được theo học trường An ninh, trước hết là vì em mong muốn mang lại niềm tự hào cho gia đình, đặc biệt là ông bà ngoại. Hơn nữa, cũng vì hoàn cảnh khó khăn nên sẽ đỡ vất vả về mặt tài chính.
Ông bà ngoại em năm nay 60 tuổi, nhưng vì lo cho cháu nên vẫn phải lao động chân tay. Bà thì đi làm thêm ở cửa hàng bán phở, còn ông đi làm phụ hồ.
Mặc dù khó khăn, thiếu thốn tình cảm, nhưng Ngần là một học sinh giàu nghị lực, khi suốt 12 năm học, em luôn là học sinh giỏi và giành một số giải cao trong cuộc thi học sinh giỏi.
Chia sẻ niềm vui khi giành điểm cao và môn Lịch sử đạt điểm tuyệt đối, Ngần cho biết: "Trong quá trình dạy, thầy cô có phương pháp dạy cách sơ đồ hóa kiến thức, luôn truyền cảm hứng và thường ra nhiều bài tập để em rèn luyện kỹ năng cũng như tích lũy kiến thức."
Đồng thời, Ngần tìm hiểu các kiến thức nâng cao. Cùng với đó là sự chăm chỉ, tự tìm tòi, học hỏi các kiến thức ngoài sách giáo khoa đã giúp em có được kết quả cao trong học tập.
“Trước hết, theo em đó là phải có lòng yêu thích và đam mê, trong quá trình học phải có sơ đồ tư duy. Thầy cô chỉ hướng dẫn, còn các sơ đồ hóa kiến thức em tự viết ra. Mỗi giai đoạn hay sự kiện lịch sử..., em đều có sơ đồ hóa. Trên lớp em thấy phương pháp dạy của thầy cô dễ nhớ và dễ tiếp thu”, Ngần chia sẻ.
Với Ngần, môn Sử là môn học hay, nhiều ý nghĩa, qua đó giúp em thêm hiểu, thêm yêu lịch sử Việt Nam cũng như lịch sử Thế giới. Lịch sử còn giúp Ngần thêm yêu quê hương, Tổ quốc, nhớ về cội nguồn của dân tộc...
Khi nói về chặng đường tiếp theo, Ngần cúi gầm mặt xuống, tâm sự: “Em khá lo lắng vì ông bà già rồi, không lao động được nhiều. Em chỉ còn cách đi làm thêm để có thu nhập”.
Cô Đỗ Hương Quỳnh, giáo viên chủ nhiệm em Ngần, chia sẻ: “Với tôi, em Ngần là một học sinh có nhiều sự gắn bó, bởi hoàn cảnh của em khó khăn nhất trong những học sinh mà tôi từng dạy. Ông bà ngoại khó khăn, bố mẹ thì thiếu vắng, nhưng Ngần là một học sinh gương mẫu tiêu biểu, em vô cùng siêng học và học rất tốt”.
Những lúc ốm nặng phải đi viện điều trị, với gia đình bình thường cũng đã khó khăn, vất vả rồi, nhưng đằng này, em Ngần lại không có bố mẹ bên cạnh. Sau khi điều trị xong, em quay lại và bắt nhịp rất nhanh. Là lớp phó học tập, Ngần luôn biết cách truyền cảm hứng và có ảnh hưởng, lan tỏa rất tốt đối với phong trào học tập của lớp.
“Nói về hoàn cảnh của Ngần, khi tôi đề đạt với nhà trường thì ngay lập tức, toàn trường đã đồng lòng hỗ trợ, giúp đỡ em. Nhà trường hết sức tạo điều kiện, miễn giảm các khoản đóng góp cho em. Ngần thực sự là niềm tự hào của lớp, của trường. Bản thân tôi rất mong muốn em sẽ được các tổ chức, cá nhân giúp đỡ để có thể tiếp bước trên con đường học tập của mình”, cô Quỳnh chia sẻ thêm.
Duy Tuyên