DNews

Bí mật về cô thợ cắt tóc riêng của Bộ trưởng GD&ĐT đầu tiên thời kỳ đổi mới

Hoài Nam

(Dân trí) - "Tôi chỉ là người bình dân nhưng tôi có cô thợ cắt tóc riêng. Hơn 20 năm nay chỉ có cô thợ tài hoa dịu dàng đó cắt tóc cho tôi. Và tôi là khách hàng duy nhất của cô, tuyệt nhiên không còn ai khác...".

Bí mật về cô thợ cắt tóc riêng của Bộ trưởng GD&ĐT đầu tiên thời kỳ đổi mới

Những lát cắt về gia đình, đời tư được cố GS.TS Trần Hồng Quân (sinh năm 1937, mất năm 2023), vị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đầu tiên của thời kỳ đổi mới, cải cách bộc bạch trong cuốn hồi ký "Đã là thuyền phải ra khơi" của ông vừa ra mắt tại TPHCM.

Bí mật về cô thợ cắt tóc riêng của Bộ trưởng GDĐT đầu tiên thời kỳ đổi mới - 1

Lễ ra mắt hồi ký "Đã là thuyền phải ra khơi" của GS.TS Trần Hồng Quân (Ảnh: Hoài Nam).

"Chiêu trò" của người bố trước nỗi lo con nhỏ khát sữa

Một đời gắn bó với giáo dục, nhiều người biết đến ông là vị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đầu tiên của thời kỳ đổi mới, cải cách đã đưa đến những quyết sách được đánh giá là mới mẻ, táo bạo "cởi trói" giáo dục đại học, xây dựng nền móng cho giáo dục đại học tư thục và chính sách xã hội hóa... 

Cuốn hồi ký là những trang viết mộc mạc, giản dị, chân thành của GS.TS Trần Hồng Quân hồi tưởng lại tuổi thơ mồ côi cha khi mới lên 4 tuổi, giai đoạn đi tập kết cho đến quá trình phát triển sự nghiệp ở thời kỳ đổi mới nhiều sóng gió.

Bí mật về cô thợ cắt tóc riêng của Bộ trưởng GDĐT đầu tiên thời kỳ đổi mới - 2

Bộ trưởng Trần Hồng Quân đến thăm một trường mẫu giáo (Ảnh chụp từ tư liệu).

Ít ai biết, ở vị tư lệnh giáo dục ấy, trong vai trò là một người chồng, người cha, ông sống  cùng với đủ tâm trạng lo lắng, yêu thương, hạnh phúc đong đầy về vợ, về con. Những trang viết của ông dành cho vợ, cho con thấm đẫm tình cảm.

Đó là câu chuyện hơn 40 năm về trước, khi ông còn là hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TPHCM, vợ ông vừa sinh đứa thứ 2, đứa con háu ăn nhưng mẹ ít sữa...

Ngày ấy, ông tiết lộ muốn đăng ký mua sữa thì bà mẹ phải chấp nhận vạch ti ra cho y tế nặn kiểm tra. Nặn ti thấy ít sữa mới được cấp phiếu mua 2 hộp sữa đặc Ông Thọ.

Dịp ấy, khi được mời sang thăm Trường Đại học Bách khoa Leningrad, Liên Xô cũ, ông gom hết số tiền tằn tiện từ công tác phí để dành mua sữa cho con.

Khi ra sân bay, hành lý của ông bị thừa cân theo quy định, buộc phải bỏ bớt. Ông mở vali ra, phân trần "ở nhà có con nhỏ" nhưng không có hiệu quả. Lúc này ông là một người bố, trước mắt là cảnh đứa nhỏ đêm hôm hì hục bú mẹ mà không ra sữa...

Ông thầm xin lỗi lãnh tụ Lenin vì đã phải "phiền đồng chí trong việc nhỏ nhặt này". Ông lôi bức tượng Lenin đúc bằng đồng nặng đến 4-5kg - bức tượng ông được tặng ở Leningrad - ra đặt bên ngoài rồi từ từ làm động tác vờ đóng vali. Cô nhân viên hàng không bất ngờ rồi khoát tay nói: "Được rồi, anh mang tất cả đi!".

Ông mỉm cười trước chiêu trò của mình, nghĩ vui: "Cô đúng là một tín đồ ngoan đạo, còn tôi đúng là một ông bố tốt".

Chiêu trò chỉ là chiêu trò! Còn thật tâm cách gì ông cũng không bỏ bức tượng lại không chỉ vì lý do ngoại giao mà còn bởi ông cũng là một tín đồ ngoan đạo như cô nhân viên nọ.

Bí mật về cô thợ cắt tóc riêng của Bộ trưởng GDĐT đầu tiên thời kỳ đổi mới - 3

PGS.TS Trần Mai Đông (áo đen), con trai của GS.TS Trần Hồng Quân chia sẻ về bố (Ảnh: Hoài Nam).

Đó còn là sự trăn trở của người đàn ông trụ cột gia đình khi thấy nhà mình nghèo khổ, vợ con thiếu thốn quá.

"Mình có dốt nát gì đâu mà không biết cách làm ăn", từ lời tự trách này, ông và vợ  bàn nhau bán căn nhà vốn được hóa giá của nhà nước để lấy vốn mua đất. Mảnh đất ấy ngâm một thời gian, bán lại lãi được tận gấp 4.

Cứ vậy, thời khó khăn, vợ chồng ông mấy lần đổi nhà, hoán đổi chỗ ở ngày càng xa trung tâm để có thêm tiền tích lũy giúp đời sống dễ thở hơn.

Có lần ông đi mua nhà, đã ngụy trang ra dáng "hai lúa" nhưng vị chủ nhà vẫn nhìn ông, ngờ ngợ hỏi: "Anh có phải là anh Trần Hồng Quân không?".

Ông tỏ ra thản nhiên: "Chẳng biết tôi giống ông Quân ấy cỡ nào mà khá nhiều người nhầm tôi với ông ấy vậy".

Bí mật về cô thợ cắt tóc riêng

Trong cuốn hồi ký, GS.TS Trần Hồng Quân khoe mình chỉ là người bình dân nhưng có hẳn thợ cắt tóc riêng.

Bí mật về cô thợ cắt tóc riêng của Bộ trưởng GDĐT đầu tiên thời kỳ đổi mới - 4

Cô thợ cắt tóc riêng của GS.TS Trần Hồng Quân (Ảnh chụp từ tư liệu).

"Hơn hai mươi năm nay, chỉ có cô thợ tài hoa dịu dàng đó cắt tóc cho tôi. Và tôi cũng là khách hàng duy nhất của cô, tuyệt nhiên không còn ai khác. Có lần vì những lý do bất khả kháng nào đó tôi đành ra hiệu cắt tóc thì sau đó cả tuần vài tuần tôi khó chịu với mái đầu của mình", ông viết.

Cái cảnh cắt tóc của ông và cô thợ riêng cũng khác lạ. Có khi ông dùng một tờ báo lớn xé thủng một lỗ ở giữa vừa đủ chui đầu qua là đã thành chiếc khăn choàng tránh cho tóc rơi lên người.

Cô thợ cắt tóc riêng đó chính là bà xã của GS.TS Trần Hồng Quân, bà Mai Thị Năm, hai người từng có thời gian đi học ở Budapet, Hungary.

Với ông, từ khi rời chốn quan trường là được trở về nơi bình yên chim hót bên vợ con, cảm nhận sự dịu êm khi được vợ chăm sóc. Ông dùng cái đầu của mình để luyện cho vợ cắt tóc cho mình mà ông ví như thể các nhà điêu khắc ban đầu cần phải dùng đến cục đất sét tập tạc tượng.

Thật ra, ông đào tạo thợ cắt tóc cũng có căn nguyên. Thời trẻ, những năm lang thang ở các làng quê trong kháng chiến, ông thường hay lận lưng một chiếc kéo nhỏ, đến đâu cũng có thể hớt tóc cho lũ trẻ lam lũ ở các vùng quê.

Các bà má khuyến khích cứ hớt đi, miễn mát là được. Rồi sau đó ông được tín nhiệm cắt tóc cho bạn học, anh em trong cơ quan...

Bởi vậy ông tin, mình đủ trình độ đào tạo "cán bộ kế cận" dù chỉ một người duy nhất và người đó chỉ phục vụ cho riêng mình.

Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT viết ngọt ngào : "Ít ai biết tôi có một niềm vui dịu êm và ấm áp như thế".

Bí mật về cô thợ cắt tóc riêng của Bộ trưởng GDĐT đầu tiên thời kỳ đổi mới - 5
Bí mật về cô thợ cắt tóc riêng của Bộ trưởng GDĐT đầu tiên thời kỳ đổi mới - 6

GS.TS Trần Hồng Quân cùng vợ, bà Mai Thị Năm, người đưa đến cho ông "niềm vui dịu êm và ấm áp" (Ảnh chụp tư liệu).

Tại buổi ra mắt cuốn hồi ký của cha, PGS.TS Trần Mai Đông, con trai cố GS Trần Hồng Quân chia sẻ, trong những năm gần đây, dù không muốn kể về đời mình nhưng nhờ sự động viên, khích lệ từ người thân, đồng nghiệp nên cha anh đã viết về tuổi thơ, gia đình, quê hương và quá trình công tác của mình.

Người thân gợi ý có thể nhờ người chấp bút viết hồi ký nhưng ông từ chối, muốn tự mình viết. Ông viết mọi lúc mọi nơi, viết ở bất cứ thứ gì có thể viết từ giấy, đến máy tính, máy tính bảng hay viết trên điện thoại…

Nói về cha, PGS.TS Trần Mai Đông nói: "Cha chính là lý tưởng sống của anh em tôi".

Hồi ký "Đã là thuyền phải ra khơi" của cố GS.TS Trần Hồng Quân gồm 3 phần.

Phần 1 là hồi ký Đã là thuyền phải ra khơi; phần 2 là Tiếng lòng và phần 3 là những bài nói, viết của GS.TS Trần Hồng Quân.

Bí mật về cô thợ cắt tóc riêng của Bộ trưởng GDĐT đầu tiên thời kỳ đổi mới - 7

Phần 1 mang đến cái nhìn rõ nét về cuộc đời đầy thăng trầm, từ thời thơ ấu ở quê nhà với gia đình, rồi lớn lên đi tập kết ra Bắc, phấn đấu học tập để trở thành một giảng viên Đại học Bách Khoa, đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài rồi trở về phục vụ, gắn bó gần như trọn đời với sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước nhà, với những trọng trách khác nhau, nhất là với vị trí "tư lệnh" ngành trong giai đoạn đất nước bắt đầu công cuộc đổi mới đầy khó khăn và thử thách.

Phần 2 là những bài thơ, bản nhạc đậm chất trữ tình do chính giáo sư sáng tác, thể hiện rõ "Tiếng lòng" của một chính khách, nhà quản lý, nhà khoa học đầy lãng mạn như GS Nguyễn Bá nhận xét "GS Trần Hồng Quân là một chính khách có tâm hồn thơ".

Phần 3 với 21 bài viết và các bài phát biểu xuyên suốt cuộc đời hoạt động giáo dục của Giáo sư. Đây là những quan điểm, tầm nhìn, những điều tâm huyết và cả những trăn trở, ưu tư của Thầy; thể hiện tư duy cấp tiến, đi trước thời đại của nhà giáo tài đức.