“ Bệnh khoe” của bố mẹ và áp lực trút lên đầu con trẻ

(Dân trí) - Tâm lí chung của các ông bố bà mẹ là thường khoe về con cái. Sáng nay bé con cất tiếng gọi mẹ đầu tiên, mẹ hớn hở khoe khắp. Trưa nay cậu nhóc chập chững bước mấy bước, bố hào hứng gặp ai cũng kể. Chiều về cháu chạy lại bật mí chuyện cô giáo khen, bà tủm tỉm cười rồi lân la kể với hàng xóm…

Khi tình yêu thương dành cho ai đó lớn dần, lớn dần thì người ấy bỗng đẹp hơn, đáng yêu hơn trong mắt ta. Tất nhiên con cái là trung tâm của vũ trụ của bố mẹ. Và như một bản năng, khi có điều gì “mới lạ”, bố mẹ lập tức khoe về con. Đó là niềm tự hào, là niềm vui bất tận của bậc sinh thành. Lòng lâng lâng, xúc cảm dào dạt như thôi thúc họ phải nói, phải kể, phải khoe. Điều đó rất đáng trân quí!

Khi “khoe con” trở thành bệnh…

Một căn bệnh khá khó chữa của xã hội hiện đại xuất hiện như một điều tất yếu của cuộc sống số, của thế giới công nghệ. Chưa lúc nào các trang mạng xã hội lại đầy rẫy những cảnh khoe con, những "chiêu" khoe con từ ngộ nghĩnh đến kệch cỡm như thế.

Đầu tiên là chưng ảnh con với tần số xuất hiện dày đặc. Từ em bé còn nằm nôi đến các cô bé biết làm điệu, các cậu bé biết tạo dáng và cả những ảnh những cậu ấm cô chiêu tuổi teen. Rất nhiều bức ảnh dễ thương khiến chúng ta trầm trồ khen ngợi vẻ ngây thơ, xinh tươi, đáng yêu, nhí nhảnh của các con. Nhưng không ít khung hình làm ta giật mình: Một nhóc tì trần như nhộng. Một bé con đang mè nheo với nước mắt nước mũi tùm lum. Ngay đến một cô nàng tiểu học điệu đà tạo dáng khi đầu đang vấn vành khăn trắng trong đám tang người thân cũng được hí hửng đăng lên.

Con cái là của để dành, ghi lại dấu ấn từng khoảnh khắc trưởng thành của con là niềm hạnh phúc của chúng ta. Nhưng bố mẹ đừng tự cho mình cái quyền công khai hình ảnh của con trẻ. Chỉ một phút bồng bột đưa những tấm hình “độc” của con đổi lấy những nụ cười hài hước, bâng quơ, có khi chúng ta vô tình đẩy con vào vô số bi kịch. Chuyện bắt cóc, xâm hại hơi xa vời với người Việt, nhưng đó chỉ là chuyện của hiện tại, tương lai chưa ai dám khẳng định điều gì. Còn thỉnh thoảng chúng ta vẫn bắt gặp những câu bình luận ác ý, châm biếm của vô số người dưng. Dẫu biết mạng xã hội là thế giới ảo, nhưng tâm hồn con trẻ non nớt lắm. Tâm trí con sẽ bị ám ảnh, trái tim con sẽ bị trầy xước. Mỗi ngày một ít, đến lúc nào đó, chúng ta giật mình nhìn thấy đứa con yêu thu mình lại, co rúm trong thế giới riêng thì đã quá muộn…

Tiếp đến là khoe tài năng, thành tích của con. Con biết cầm điện thoại bi bô chuyện trò, vội quay clip. Con cất giọng ca véo von, hào hứng ghi hình. Con tập múa, đánh võ, lăng xăng cầm điện thoại chạy theo. Con mới nhận giấy khen, phần thưởng cầm chưa kịp nóng tay đã thấy nó xuất hiện trên “phây”… Nếu chỉ dừng lại ở việc khoe con và nhân lên niềm tự hào thì chúng ta rất cảm thông với tấm lòng của bố mẹ.

Nhưng không ít ông bố bà mẹ ảo tưởng về con cái. Một chút tài của con, mình đã vội ca tụng lên tận mây xanh. Những mĩ từ “thần đồng”, “nhân tài” vội vàng gán lên con. Chúng ta sống ảo tưởng, vô tình truyền một nhân sinh quan có chút viển vông cho con. Tự phụ, ỷ lại và chủ quan đã khiến không ít con trẻ đánh mất những kiến thức nền tảng, những kĩ năng bước đệm để rồi trượt dài lúc nào chẳng biết…

Và cái khoe này bị biến tướng đến mức kéo theo một cuộc chạy đua ngầm về thành tích của con. Nhà nhà rộn ràng chưng giấy khen, người người rầm rộ đưa phần thưởng lên trang cá nhân… Đó là phong trào nở rộ như nấm mọc sau mưa mỗi lần kết thúc học kì, tổng kết năm học. “Con người ta như vậy, con mình cũng phải giỏi!”. Lối suy nghĩ lệch lạc ấy trút vô vàn áp lực lên đầu con trẻ. Người có con giỏi giang hợm hĩnh khoe. Người có con thua kém ấm ức, trút bực dọc lên con, mắng nhiếc đủ điều rồi đặt ra chỉ tiêu phải đạt, vạch ra kế hoạch học thêm, học kèm, học đủ thứ hòng vớt vát sĩ diện vào mùa sau.

Cái bệnh “sĩ” của bố mẹ đẩy con em mình vào vô số bi kịch. Có thể là một khuôn mặt lờ đờ với cặp kính cận dày cộm mãi cắm cúi vào trang sách. Có thể là sự nơm nớp lo sợ, hốt hoảng đến tột cùng ngày báo điểm thi, ngày nhận giấy báo họp phụ huynh. Và cũng có thể là tìm đến cái chết, tìm một lối thoát sau bao ngày dằn vặt vì không thực hiện được kì vọng, mong ước của bố mẹ.

Khoe là bản năng của con người, nhưng đừng để khoe trở thành căn bệnh nan y của bố mẹ. Những áp lực vô hình sẽ đè lên vai con trẻ và nỗi đau sẽ day dứt mãi…

Thùy Mai

 

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!