Choáng học phí hơn nửa tỷ đồng, vẫn phải đóng phụ phí... xếp thời khóa biểu

Hoài Nam

(Dân trí) - Ngoài học phí hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng, phụ huynh tại các trường quốc tế còn phải đóng hàng loạt "phụ phí", trong đó có cả chi phí xếp lớp, sắp xếp thời khóa biểu.

Chi phí học tập tại các trường quốc tế, song ngữ thường được nhiều người quan tâm trong dịp đầu năm học. Trên thực tế, bên cạnh học phí hàng trăm triệu đồng, thậm chí gần tỷ đồng/năm, tại nhiều trường còn có hàng loạt phụ phí đi kèm phải đóng. 

Ngoài tiền ăn, đồng phục, sách vở, xe đưa đón còn nhiều khoản "phụ phí" như phí ghi danh, giữ chỗ, phí bổ trợ tiếng Anh, tiền hoạt động trải nghiệm... có thể lên đến cả trăm triệu đồng. 

Tại Trường Quốc tế Saigon Pearl, nơi có mức học phí từ 323,3 đến 539,5 triệu đồng, phụ huynh phải đóng phí ghi danh 25 triệu đồng. 

Choáng học phí hơn nửa tỷ đồng, vẫn phải đóng phụ phí... xếp thời khóa biểu - 1

Phí ghi danh tại Trường Quốc tế Saigon Pearl (Ảnh chụp lại màn hình).

Theo thông báo từ trường, khoản này gồm chi phí cho các thủ tục hành chính cần thiết để xử lý đơn xin nhập học như các buổi phỏng vấn, xem xét học bạ, xếp lớp, phân bổ môn học và sắp xếp thời khóa biểu.

Học sinh hiện tại cần đóng phí giữ chỗ đăng ký học tiếp 22,5 triệu đồng để giữ chỗ cho năm học tiếp theo vào khoảng tháng 3 hàng năm. Phí đặt cọc giữ chỗ này là không hoàn lại, sẽ được khấu trừ vào phần tổng học phí cần phải thanh toán.

Trường này cũng có dịch vụ trông trẻ sau giờ học áp dụng từ 3h15 đến 5h15 chiều với chi phí 150.000 đồng/giờ. 

Trường Quốc tế Renaissance Sài Gòn có mức học phí từ 180-726,5 triệu đồng/năm thu phí tuyển sinh 2-4 triệu đồng, phí nhập học 25-55 triệu đồng tùy khối lớp. Cả hai khoản này đều không hoàn lại. 

Choáng học phí hơn nửa tỷ đồng, vẫn phải đóng phụ phí... xếp thời khóa biểu - 2

Phí đăng ký và phí nhập học tại Trường Quốc tế Renaissance Sài Gòn (Ảnh chụp lại màn hình).

Bên cạnh đó, trường thu phí đặt cọc 22 triệu đồng sau khi học sinh vượt qua các bài kiểm tra đầu vào và xác nhận nhập học.

Phí này được hoàn trả khi học sinh rời trường và có văn bản thông báo tới trường trước 90 ngày so với ngày học cuối cùng của học sinh tại trường. Số tiền này không được hoàn lại hoặc chuyển nhượng trong trường hợp phụ huynh quyết định không cho con nhập học từ đầu sau khi đã đặt cọc. 

Trường thu phí tiếng Anh tăng cường 60-99 triệu đồng tùy cấp độ. Ngoài ra, còn có các khoản phí câu lạc bộ ngoại khóa có thu phí, dã ngoại. 

Tại Trường Quốc tế Úc (AIS) nơi có mức học phí 271-774 triệu đồng, phí ghi danh có 3 mức gồm các 25-35-45 triệu đồng, cao nhất khối mầm non và tiểu học. Chi phí này không hoàn lại, phải đóng  trong vòng 7 ngày sau khi học sinh nhận thư thông báo chấp nhận việc học từ trường. 

Ngoài ra, trường thu phí hồ sơ đầu vào 1,5-2,5 triệu đồng tùy khối lớp; phí Anh ngữ bổ sung áp dụng cho học sinh cần hỗ trợ 40-50 triệu đồng tùy khối lớp. 

Choáng học phí hơn nửa tỷ đồng, vẫn phải đóng phụ phí... xếp thời khóa biểu - 3

Trường Quốc tế Úc (AIS) thu phí ghi danh 25-45 triệu đồng (Ảnh: H.N).

Năm nay, Trường Quốc tế Mỹ (TAS) có dao động 507-689 triệu đồng/năm, học sinh cần đặt phí giữ chỗ 20 triệu đồng. Khoản này được khấu trừ sau khi hoàn thành việc thanh toán học phí, không hoàn lại cũng như mất chỗ học với trường hợp chậm thanh toán theo hạn. 

Với trường hợp phụ huynh đóng học phí theo học kỳ sẽ phải đặt cọc 30 triệu đồng giữ chỗ cho học kỳ 2; phí bổ trợ tiếng Anh tại đây có mức từ 37,7 đến 45,5 triệu đồng. 

Tại Trường Quốc tế Canada (CIS), mức học phí 329,4 - 785 triệu đồng đã bao gồm đồng phục, quyền sử dụng sách giáo khoa, bảo hiểm tai nạn học sinh, câu lạc bộ, phí thi năng lực ngôn ngữ theo tiêu chuẩn bang Ontario dành cho học sinh Lớp 10, phí thi IB của lớp 12.

Choáng học phí hơn nửa tỷ đồng, vẫn phải đóng phụ phí... xếp thời khóa biểu - 4

Các khoản phí ngoài học phí Tại Trường Quốc tế Canada (Ảnh chụp lại màn hình).

Tuy vậy, vẫn còn hàng loạt khoản ngoài học phí như phí kiểm tra đầu vào 1,1-1,2 triệu đồng, phí nhập học 20 triệu đồng, học phí lớp tiếng Việt 19 triệu đồng, bổ trợ tiếng Anh 92 triệu 

Năm học 2023-2024, Trường Quốc tế Bắc Mỹ (SNA) có mức học phí từ 1 đến lớp 12 từ 463-730 triệu đồng. Trường thu phí hồ sơ đầu vào 5,6 triệu đồng, phí nhập học 40 triệu đồng. 

Trường Quốc tế Mỹ (AISVN) có mức học phí từ 280 triệu đồng đến lớp 12 cao nhất là 725 triệu đồng. 

Choáng học phí hơn nửa tỷ đồng, vẫn phải đóng phụ phí... xếp thời khóa biểu - 5
Choáng học phí hơn nửa tỷ đồng, vẫn phải đóng phụ phí... xếp thời khóa biểu - 6

Phí ghi danh và bổ sung Anh ngữ tại Trường Quốc tế Mỹ (AISVN) (Ảnh chụp màn hình).

Trường nhấn mạnh, học phí không bao gồm bất kỳ chi phí phụ trợ nào khác như sách giáo khoa, đồ dùng học tập, ăn uống, đồng phục, xe đưa đón, các hoạt động trải nghiệm thực tế. 

Ngoài ra trường này thu phí hồ sơ đầu vào 1,5 triệu đồng đối với mầm non, 2,5 triệu đồng đối với tiểu học, phổ thông; phí ghi danh từ 25 đến 45 triệu đồng tùy khối lớp; phí chương trình phát triển Anh ngữ từ 40-50 triệu đồng. 

Tại Trường Quốc tế Việt Úc, ngoài mức học phí 122,7-498,6 triệu đồng cùng tiền ăn uống, đồng phục, phí dụng cụ học tập thì các khoản phí đi kèm khá dễ thở. Tại đây, có khoản phí đăng ký từ 1-3 triệu đồng, phí nhập học từ 6-12 triệu đồng tùy khối lớp. 

Tránh "đuối" vì phụ phí 

Học phí tại các trường quốc tế, song ngữ không ngừng tăng hàng năm, chưa kể phụ phí thu bao nhiêu tùy các trường.

Theo kinh nghiệm của nhiều phụ huynh, khi tìm hiểu về trường ngoài công lập, bố mẹ cần nắm rõ về chính sách học phí và cả phụ phí của trường. Học trường đắt đỏ, không ít phụ huynh thường chỉ tính toán khoản học phí mà "bỏ quên" hàng loạt chi phí khác đi kèm. 

Chưa kể, hầu hết các trường ngoài công lập đều áp dụng mức phạt chậm nộp học phí với mức phạt khác nhau nhưng nhìn chung "không hề dễ thở". 

Choáng học phí hơn nửa tỷ đồng, vẫn phải đóng phụ phí... xếp thời khóa biểu - 7

Tại nhiều trường ngoài công lập, có hàng loạt khoản "phụ phí" bên cạnh học phí (Ảnh minh họa: Hoài Nam).

Trong khi, cũng như trường công lập, nếu bố mẹ chỉ nhìn vào học phí thì thấy "không sao" nhưng lại có thể bị đuối vì... phụ phí trong hành trình học tập của con. 

Các câu hỏi bố mẹ cần trả lời rõ như học phí bao nhiêu, lộ trình tăng học phí thế nào, học phí chính xác bao gồm những khoản nào, không bao gồm những khoản nào, lệ phí đầu vào, các chi phí đi kèm... 

Vừa qua, Sở GD&ĐT TPHCM có văn bản chấn chỉnh việc thu học phí và thực hiện kê khai giá đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập năm học 2023-2024. Theo đó, Sở đề nghị các cơ sở giáo dục ngoài công lập nghiêm túc thực hiện đúng quy định trong nghị định 81 của Chính phủ, đảm bảo mức tăng học phí không quá 10% hằng năm.

Sở đề nghị các cơ sở giáo dục ngoài công lập thực hiện kê khai giá bao gồm mức thu học phí năm học 2023-2024, giá các dịch vụ khác năm học 2023-2024 cũng như mức thu học phí dự kiến toàn cấp học.

Ngoài ra, Sở yêu cầu yêu cầu 11 cơ sở giáo dục ngoài công lập có mức thu học phí dự kiến năm học 2023-2024 tăng trên 10% so với năm học 2022-2023 điều chỉnh mức thu học phí đảm bảo đúng quy định tại nghị định 81.

Tuy nhiên, theo một lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM, các trường ngoài công lập hoạt động theo Nghị định 86 của Chính phủ, các trường tự quyết định mức thu học phí. 

Choáng học phí hơn nửa tỷ đồng, vẫn phải đóng phụ phí... xếp thời khóa biểu - 8

Phụ huynh cần nắm rõ lộ trình tăng học phí và hàng loạt chí phí khác tại các trường ngoài công lập (Ảnh minh họa: H.N).

Ngoài ra, các đơn vị ngoài công lập hoạt động theo luật doanh nghiệp nên mức thu học phải đảm bảo được quyền lợi của chủ đầu tư.

Khi phát sinh những vấn đề khác, hai bên giải quyết trên tinh thần thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được, phụ huynh có quyền không sử dụng dịch vụ hoặc trường từ chối cung cấp dịch vụ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm