3 tính cách tưởng tốt nhưng dễ khiến con trở nên ba phải, thiếu chủ kiến
(Dân trí) - Những nét tính cách dưới đây tưởng vô hại, nhưng nếu không kiểm soát tốt, con bạn dễ trở thành ba phải, thiếu lập trường, chỉ "chăm chăm" đi làm hài lòng người khác.
Việc luôn nghĩ cách hành xử sao cho vừa lòng người khác, thậm chí chấp nhận cả những bất lợi, phiền phức cho bản thân, là dấu hiệu của người luôn thích làm hài lòng người khác. Người có tính cách này thường có xu hướng ưu tiên nhu cầu của người khác hơn nhu cầu của bản thân.
Những người thích làm hài lòng người khác thường không biết cách chối từ, họ sợ sẽ khiến đối phương phật lòng, làm sứt mẻ mối quan hệ. Tính thích làm hài lòng người khác có thể gây nên sự mệt mỏi, bất lợi cho chính người có nét tính cách này.
Nếu nhận thấy con mình có những đặc điểm dưới đây, cha mẹ cần giúp con có sự thay đổi phù hợp.
Con luôn đồng ý với người xung quanh và tỏ ra rất dễ tính
Trong một nhóm bạn, khi các thành viên cùng nhau đưa ra ý kiến lựa chọn, nếu con luôn tỏ ra dễ tính, chấp nhận để những người khác lựa chọn thay mình, không tự tin nói lên mong muốn, ý kiến của bản thân, đó chính là dấu hiệu nhận biết đầu tiên.
Theo chuyên gia tâm lý người Mỹ Joseé Muldrew, việc con luôn đồng ý với ý kiến của người khác có thể khiến cha mẹ tưởng rằng con hòa nhã, dễ tính.
Dù vậy, nét tính cách này sẽ đưa lại mặt trái là con không tự tin bày tỏ ý kiến của mình, cho dù điều này có thể gây tác động tiêu cực tới con. Dần dần, con dễ dàng bỏ qua nhu cầu của bản thân.
Điều cha mẹ nên dạy con: Trong các tương tác nhóm, khi từng thành viên đều có thể đưa ra ý kiến, bạn hãy khuyến khích con tự tin nói lên suy nghĩ, mong muốn của bản thân.
Con không bao giờ đề nghị được giúp đỡ
Người thích làm hài lòng người khác thường rất ngại đề nghị được giúp đỡ. Nét tính cách này có thể khiến bạn nghĩ con là người có tính cách độc lập. Dù vậy, thực tế có thể không phải như vậy, có thể con sợ phải mở lời, sợ trở thành gánh nặng phiền phức đối với người khác.
Nét tâm lý này có thể bắt nguồn từ trải nghiệm trong cuộc sống hằng ngày của con. Nếu cha mẹ quá bận rộn và thường không thể kịp thời hỗ trợ con, đứa trẻ sẽ dần học cách quên đi nhu cầu cần được hỗ trợ của bản thân.
Tự đứa trẻ sẽ học cách xoay xở ngay cả với những việc vượt quá khả năng của trẻ. Nét tâm lý này có thể sẽ theo trẻ lâu dài về sau này, trẻ lớn lên và trở thành người ngại đề nghị người khác giúp đỡ mình, ngay cả khi cần kíp.
Điều cha mẹ nên dạy con: Nếu nhận ra con ngại mở lời nhờ giúp đỡ, hãy chủ động giúp con làm quen với việc này. Chẳng hạn, khi đi ăn ở ngoài, khi đi mua đồ, cha mẹ hãy để con là người giao tiếp với nhân viên phục vụ, khi con cần nhận được sự hỗ trợ nào đó. Từ những trải nghiệm dễ dàng này, con sẽ dần học được cách phù hợp để đề nghị sự giúp đỡ.
Ngoài ra, trong một số công việc nhẹ nhàng, thú vị, cha mẹ hãy khuyên con đề nghị một thành viên trong gia đình hay một người bạn thân hỗ trợ mình, chẳng hạn như cùng nhau lập kế hoạch tổ chức tiệc sinh nhật hay cùng lên ý tưởng, chuẩn bị quà tặng cho người thân, bạn bè. Từ những trải nghiệm như vậy, trẻ sẽ dần cảm thấy thoải mái hơn khi đưa ra lời đề nghị giúp đỡ.
Con cố gắng duy trì những mối quan hệ có vấn đề
Những người thích làm hài lòng người khác thường cố gắng duy trì những mối quan hệ tiềm ẩn nhiều vấn đề. Dù mối quan hệ không tốt đẹp, đưa lại nhiều phiền phức và sự không thoải mái, họ vẫn không nỡ dừng mối quan hệ lại.
Sự chân thành và kiên nhẫn cần dành cho người xứng đáng. Nếu trong tình bạn hay các mối quan hệ khác, con bạn có dấu hiệu luôn luôn nhượng bộ, liên tục bỏ qua khi bản thân bị đối xử tệ, bạn cần giúp con hiểu ra vấn đề.
Những người sẵn sàng duy trì những mối quan hệ có quá nhiều vấn đề thường cũng không đủ mạnh mẽ để xác lập nên giới hạn chịu đựng cho bản thân. Họ chấp nhận chịu đựng những thái độ, hành vi xấu hướng vào mình mà không có sự phản kháng cần thiết.
Điều cha mẹ nên dạy con: Không phải mối quan hệ nào sau khi bắt đầu cũng có thể duy trì về lâu dài. Nếu con cảm thấy tệ hại khi ở bên một người nào đó, đó là dấu hiệu cho thấy con cần xác lập lại những giới hạn trong mối quan hệ này. Chẳng hạn như tần suất gặp gỡ, cách thức tương tác... Thậm chí, nếu những trải nghiệm tệ liên tục xuất hiện, con cần học cách dừng mối quan hệ lại.