3 ngôi trường khát đang mong nước
(Dân trí) - Vào mỗi mùa khô, hàng trăm học sinh và thầy cô giáo ở xã Pô Kô, huyện Đắk Tô, Kon Tum, lại phải sống trong cảnh “khát” nước, dựng chòi giữa trời để đi vệ sinh, còn học sinh nội trú phải sinh hoạt dưới dòng sông đục ngầu.
Vệ sinh “tự hủy” khô
Khổ nhất phải kể đến là vấn đề vệ sinh tiêu tiểu, mặc dù cả 3 ngôi trường mới được đầu tư xây hệ thống cơ sở hạ tầng, nhà vệ sinh tự hoại và rửa ráy tay chân đều được trang bị, nhưng do không có nước nên đành phải khóa chặt cửa nhà vệ sinh. Để giải quyết thế bí, các thầy cô nơi đây đã phải nghĩ ra phương án quay lại thời xa xưa đó là dựng nhà vệ sinh “tự hủy” khô.
Nhắc đến vấn đề này, thầy Hưng vừa ái ngại cho học trò của mình vừa ngại ngùng với chúng tôi, nên thầy đã gọi khu nhà vệ sinh của trường mình với cái tên khá hiện đại là “tự hủy khô”.
Cô Hoàng Thị Thanh Hải, hiệu trưởng Trường tiểu học Pô Kô, cho biết: “Do địa hình cao nên giếng đào sâu 25m nhưng vẫn không có nước. Chúng tôi rất mong muốn có một chiếc giếng khoan, nhưng chi phí để khoan giếng phải hết cả 100 triệu, số tiền trên là quá lớn với chúng tôi”. |
Học sinh nội trú sinh hoạt… dưới sông
Dù đang là mùa thi, nhưng bước vào Trường tiểu học Pô Kô, cảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là các cô giáo của trường đang miệt mài làm việc ở một góc của gầm cầu thang nhỏ hẹp, thiếu ánh sáng. Dẫu vậy, khi thấy chúng tôi các cô vẫn tươi cười vì họ biết so với 110 em học trò ở nội trú của mình, các cô vẫn còn may mắn hơn…
Dẫn chúng tôi ra khu nhà nội trú gồm 5 phòng nằm ngay bên cạnh trường học, được dựng lên từ tre nứa đã rách nát, cô Hải không khỏi xót xa: “Cơn bão số 9 năm ngoái đã thổi bay khu nhà, để có lại ngôi nhà này cho các em ở, trường đã rất may mắn có các chú bộ đội đến giúp đỡ xây dựng miễn phí”.
Đây là khu nhà dành cho những em ở xa trường từ 5km trở lên, vì đường đồi dốc, có em muốn đến được trường phải đi bộ gần 20km đường rừng và sông suối. Nên trường đã cố gắng xây dựng khu nhà nội trú này cho các em ở lại từ thứ 2 đến thứ 7, để hỗ trợ cho các em trường cũng đã xin được số tiền tài trợ từ UBND huyện với 260 nghìn đồng/em/tháng.
Nhưng do kinh phí của trường hầu như không có, Pô Kô lại là xã nghèo nằm trong chương trình 135, với 100% là người dân tộc thiểu số. Nên khu nhà nội trú dành cho học sinh chỉ được dựng lên một cách tạm bợ bằng tre nứa, qua thời gian nắng gió, những vách tre đã hư hại nhiều, hổng chỗ nọ, hở chỗ kia. Cuộc sống sinh hoạt của các em rất khó khăn, nắng thì xuyên thấu vào giường mà mưa thì ướt sũng phải nằm chung chật chội.
Để bám trường bám lớp, các em sống chủ yếu dựa vào số tiền trợ cấp của huyện nên ăn uống rất kham khổ: “Hôm nào may mắn thì các em được ăn cơm với mì tôm, rau hoặc các khô, còn hầu hết là ăn với nước mắm. Mà với các em thì có cơm ăn là may lắm rồi”, cô Hải chua xót nói.
Không chỉ ăn uống kham khổ, sống trong khu nhà tạm bợ, bếp là vài viên gạch chụm lên, mà để có thể vệ sinh cơ thể, giặt giũ các em phải đi hơn 1km để xuống dòng sông đục ngầu sinh hoạt ngay tại đó. Việc này vừa nguy hiểm, vừa mất vệ sinh, đặc biệt là các em học sinh nữ cơ thể vừa yếu, vừa dễ nhiễm bệnh phụ khoa.
Cô Bùi Thị Thanh Tranh, phó hiệu trưởng, cho biết: “Để có nước, mỗi cô phải đi xách nước ít nhất một ngày 4 tiếng. Ở đây chúng tôi cũng không dám dùng cho vệ sinh tiêu tiểu, mà chỉ để rửa tay chân cho các bé. Vì trường không có phòng riêng, nên các bé phải chơi, học, ăn, ngủ cùng một chỗ nên rất cần nước để lau chùi phòng cho các bé được sạch sẽ hơn”.
Dù đã được đầu tư để xây giếng, nhưng vào mùa khô là các giếng nước ở đây đều cạn trơ đáy, khiến các trường luôn trong tình trạng khát, việc học tập, sinh hoạt của cả thầy và trò gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, có một chiếc giếng khoan ở mỗi trường là niềm mơ ước của cả thầy và trò nơi vùng cao Pô Kô.
Thiên Thư