28 tỉnh không được giao thêm biên chế để tuyển mới giáo viên

(Dân trí) - Thông tin từ Bộ GD&ĐT cho biết, năm học 2018 – 2019, toàn quốc có 28 tỉnh không được giao thêm biên chế để tuyển mới giáo viên.


Toàn quốc chỉ có 2/63 tỉnh, thành phố không thiếu giáo viên là Đà Nẵng, Đồng Nai

Toàn quốc chỉ có 2/63 tỉnh, thành phố không thiếu giáo viên là Đà Nẵng, Đồng Nai

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, số lượng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông được các địa phương giao thêm để tuyển mới cho năm học 2018-2019: 34.242 biên chế (mầm non: 13.939 biên chế; tiểu học: 10.538 biên chế; THCS: 7109 biên chế; THPT: 2656 biên chế).

Tuy nhiên, toàn quốc có 28 tỉnh không được giao thêm biên chế để tuyển mới giáo viên cho năm học 2018-2019.

Đó là các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam, Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Thái Nguyên, Lai Châu, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Đắk Nông, Bình Dương, Trà Vinh, Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Gia Lai.

Theo Bộ GD&ĐT, so với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định, số giáo viên còn thiếu sau khi đã được giao thêm biên chế để tuyển dụng là: 75.730 người (mầm non: 43.732 người; tiểu học: 18.953 người; THCS:10.143 người (GV THCS thừa thiếu cục bộ ở trong một tỉnh và giữa các tỉnh/thành phố với nhau; đến thời điểm hiện tại toàn quốc vẫn thừa 12.165 giáo viên THCS), THPT: 3161 người.

Toàn quốc chỉ có 2/63 tỉnh/thành phố không thiếu giáo viên là Đà Nẵng, Đồng Nai; 21 tỉnh thiếu nhiều giáo viên (thiếu trên 1 nghìn trở lên), đặc biệt là thiếu giáo viên mầm non, tiểu học là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Thái Nguyên, Phú Thọ, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắk, Tiền Giang, Cà Mau, TP Hồ Chí Minh...

Hà Nội là địa phương thiếu nhiều giáo viên nhất 12.681 giáo viên.

Bộ GDĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025.

Chủ trì, phối hợp với các các bộ, ngành ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên theo Luật Viên chức, góp phần phát triển và tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã tăng mạnh về số lượng, chất lượng và ngày càng đồng bộ về cơ cấu trong 5 năm qua, từng bước đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục của đất nước. Sự bất hợp lý trong cơ cấu đội ngũ nhà giáo theo cấp, bậc học, theo chuyên môn, ngành nghề và vùng miền ở những năm đầu thực hiện Nghị quyết đã dần được khắc phục.

Được biết, toàn quốc hiện có 1.248.180 giáo viên, giảng viên. Trong đó, cấp MN: 316.616 giáo viên; TH: 397.098 giáo viên; THCS: 310.953 giáo viên; THPT: 150.721 giáo viên; đại học: 72.792 giảng viên. Tổng số cán bộ quản lý cấp học mầm non, phổ thông là 149.100 người; khối giáo dục đại học là 5100 người, khối phòng, sở, Bộ là 15.900 người.

Thùy Dung